(HNM) - Sinh năm 1994, tròn 27 tuổi nhưng ca nương Đặng Thị Hường đã có đến 20 năm gắn bó với ca trù. Song song với công việc dạy âm nhạc ở Trường Trung học cơ sở Đông La (xã Đông La, huyện Hoài Đức), hiện ca nương 9X này còn tích cực hoạt động trong Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long (Hà Nội) và “thắp lửa” đam mê ca trù cho các em nhỏ ở quê mình.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống ca trù - thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh (huyện Hoài Đức), hơn nữa lại là cháu nội của cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc, ca nương Đặng Thị Hường sớm bén duyên và gắn bó với nghệ thuật ca trù như một sứ mệnh. Nghe bà hát rồi xem bà dạy các cô, các chị và được đi nghe những đêm hát ca trù trong thôn, cô gái trẻ chăm chỉ rèn luyện, hằng ngày ghi chép lại từng câu hát, rồi học thuộc lòng, sau đó ghép tiếng hát với tiếng phách, đàn, trống.
Học ca trù, ngoài chăm chỉ còn cần năng khiếu hát và khả năng thẩm âm tốt. Đặng Thị Hường có đủ hai yếu tố đó, lại được bà và các nghệ nhân truyền dạy cặn kẽ nên sớm thành công, nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật, như: Giải B Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016, giải Nhất cuộc thi Ngôi sao dân ca năm 2017, giải A Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2019… Nhận xét về ca nương trẻ này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, giám khảo cuộc thi Ngôi sao dân ca năm 2017 cho biết, giọng hát của Đặng Thị Hường thiên về nội tâm, qua đó dễ truyền tải tình cảm gửi gắm trong câu hát đến người nghe.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Đặng Thị Hường quyết định theo học tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, chuyên ngành sư phạm âm nhạc, với mong muốn tiếp tục lan tỏa nghệ thuật ca trù cho thế hệ sau. Khi trở thành cô giáo dạy nhạc, Hường luôn tâm niệm rằng, mình phải khơi dậy trong các em học sinh tình yêu với âm nhạc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng, đặc biệt là ca trù. Bởi thế, cô giáo Hường thường xuyên giới thiệu, biểu diễn nghệ thuật ca trù xen kẽ trong các tiết học. Phương pháp dạy ấy đã được nhà trường đánh giá cao. Bà Lê Thị Oanh, Tổ trưởng tổ năng khiếu, Trường Trung học cơ sở Đông La cho biết, Đặng Thị Hường là giáo viên tâm huyết với khả năng truyền đạt sáng tạo, nên các em học sinh yêu quý và hào hứng với các tiết học của cô.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông La Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: “Tôi đã biết đến cô giáo Đặng Thị Hường từ khi em còn là học sinh. Ngày đó, Hường hát hay và tham gia biểu diễn ca trù tích cực trong các hoạt động văn nghệ của trường, xã, huyện, đạt được nhiều giải thưởng. Khi trở thành cô giáo dạy âm nhạc, Đặng Thị Hường đã mang nhiều năng lượng tích cực đến với ngôi trường nhỏ này và giúp các em học sinh yêu mến âm nhạc. Cô giáo Hường cũng là thành viên tích cực trong phong trào văn hóa, văn nghệ của trường và nuôi ước mơ phát triển được ca trù trong nhà trường”.
Hiện tại, ca nương Đặng Thị Hường đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long với nhiều hoạt động biểu diễn tại khu vực phố cổ Hà Nội, góp phần đưa nghệ thuật ca trù đến với đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách. Ngoài ra, vào dịp cuối tuần, ca nương trẻ còn miệt mài truyền dạy ca trù cho các em nhỏ ngay tại ngôi nhà của mình. Mang trong mình nhiều khát vọng, hoài bão, Đặng Thị Hường mong muốn đẩy mạnh quảng bá ca trù tới cộng đồng, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, để môn nghệ thuật truyền thống này sẽ được gìn giữ, lan tỏa và ngày càng phát triển.