Di sản

Đền Đông Bộ Đầu

Thủy Hương 20/10/2024 - 18:46

Làng Bộ Đầu xưa là trang Khê Đầu (thuộc xã Bộ Đầu, tổng Chương Dương, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông), nay là thôn Bộ Đầu (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội).

den-co.jpg

Đền Đông Bộ Đầu (hay đền Quán Thánh) nằm giữa cánh đồng làng, là nơi phụng thờ Phù Đổng Thiên vương gắn với sự tích thánh Gióng diệt giao long cứu mẹ. Thần tích này được ghi chép trong nhiều tư liệu như “Công dư tiệp ký” (năm 1755), “Lịch triều hiến chương loại chí” do Phan Huy Chú soạn vào đầu thế kỷ XIX, “Đại Nam nhất thống chí” của nhà Nguyễn vào giữa thế kỷ XIX.

Ban đầu, nơi đây là nghè thờ mẹ của Thánh Gióng. Do thường xuyên bị ngập lụt nên đến đầu thế kỷ X, người dân đã chuyển vào phía trong đê. Đến thời vua Lê Thần Tông (1649 - 1662), nghè được xây dựng thành một ngôi đình lớn với tổng diện tích khoảng 9.000m2, nổi tiếng với những hàng cột gỗ lim khổng lồ mấy người ôm.

Ở vị trí trung tâm của gian giữa tiền đường có hai bức hoành phi cổ chạm đại tự, trên các cột treo hàng chục bộ câu đối được tạo tác từ khi xây dựng đền. Cách bài trí tượng thờ tại đây cho thấy lối thờ tự kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, phía trước là các pho tượng Phật từng được thờ ở ngôi chùa gần đó. Do chùa bị đổ nát nên năm 1964 - 1965, chính quyền địa phương đã đưa các tượng Phật về thờ tại đền.

Sát với tiền đường là hậu cung, bên trong đặt pho tượng Đổng Sóc Thiên vương khổng lồ bằng gỗ thơm, chiều cao 6m, vai rộng 1,5m, dáng vẻ uy nghi, lẫm liệt. Đầu đội mũ bách tinh rực sáng. Mặt đỏ hồng màu cánh sen. Đôi mắt sáng quắc nhìn về hướng Bắc. Tay phải của ngài cầm thanh long đao. Lòng bàn tay trái nâng ngôi mộ tháp của mẫu thân. Trên áo có lưỡng long chầu nguyệt, giữa bụng là mặt rồng to. Hai chân ngài đi hia giẫm lên lưng hai con giao long. Đây được coi là bức tượng Thánh Gióng lớn nhất và cổ nhất tại Việt Nam.

Liền kề hai bên là hai dãy tượng Bát bộ Kim cương, mỗi tượng có chiều cao từ 2,9 - 3,1m được tạc trong tư thế đứng hầu nghiêm trang. Tại các ban thờ hiện còn giữ nhiều đồ thờ cổ như bát hương, ngai thờ, bát bửu, bài vị...

Trong đền hiện còn lưu bản sao thần phả Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên vương Huyền Thiên Đại thánh, Thành hoàng nhất vị, do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 đời vua Lê Anh Tông (1556 - 1573). Ngoài ra, trong kho hiện còn bảo quản gần 100 bản khắc gỗ in các loại kinh Phật cùng hàng loạt văn bản ghi bằng chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nôm và nhiều bản khắc thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”.

Đền Đông Bộ Đầu được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1979.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Đông Bộ Đầu