Địa chỉ văn hóa - khơi nguồn giá trị

Đỗ Minh| 23/10/2022 09:21

(HNM) - Làng Nhị Khê xưa có tên nôm là làng Dũi (thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng), nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Làng nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, Nhị Khê không chỉ nổi tiếng với nghề tiện, cung cấp sản phẩm tinh xảo cho kinh thành và các tỉnh, mà còn là đất văn hiến, khoa bảng với các danh nhân Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Dương Bá Cung, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến... Đặc biệt, để ghi nhớ công ơn của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi người dân xã Nhị Khê đã xây dựng khu đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín.

Theo các cụ cao niên trong làng, thế phả họ Nguyễn có ghi lại đền thờ Nguyễn Trãi được dựng ở xóm Trù Lý, đến thời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm hiện nay; năm 1927 đền được đại trùng tu và đến năm 1932 mới xây cổng đền và tường bao quanh. Đền thờ Nguyễn Trãi và gia tộc họ Nguyễn tại làng Nhị Khê không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, mà còn là di tích cách mạng. Đây là một địa chỉ tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho nhân dân Nhị Khê, đồng thời là cơ sở hoạt động bí mật của nhiều chiến sĩ cộng sản những năm trước Cách mạng Tháng Tám...

Tự hào và ghi nhớ công ơn vị anh hùng, nhà văn hóa lớn của dân tộc, năm 1980, kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê đã xây dựng quần thể kiến trúc khu đền gồm: Hồ bán nguyệt ở phía trước, tượng Nguyễn Trãi do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thiết kế. Năm 2004, toàn bộ quần thể di tích được trùng tu khang trang. Trường học của Nguyễn Phi Khanh ở xóm Hạ và nhà bia cũng được tôn tạo lại để nhắc nhở con cháu giữ vững truyền thống hiếu học của quê hương.

Hiện nay đền thờ Nguyễn Trãi có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Cho đến nay, đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý: Đôi hạc bằng gỗ mang nét chạm thời Lê; hai đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 (1768) và niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1854). Gian giữa đền có hai tấm biển sơn son khắc chữ Hán, tương truyền là của vua Lê Thánh Tông ban cho Nguyễn Trãi khi được minh oan. Mặt trước của tấm biển thứ nhất đề “ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”; mặt sau đề là “Lê triều khai quốc công thần”. Tấm biển thứ hai đề “Nhị Khê tướng công”. Nét đặc sắc nhất của ngôi đền là các bức hoành phi câu đối rất hàm súc ca ngợi tài đức Nguyễn Trãi. Trong hậu cung, bức chân dung lớn của Nguyễn Trãi đội mũ quan văn, mặc triều phục đang hiền từ nhìn hậu thế.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đó, đền thờ Nguyễn Trãi thôn Nhị Khê luôn được du khách thập phương xa gần đến thăm viếng, nhưng với diện tích đền thờ chính là 190m2, khuôn viên xung quanh là 400m2 và bên cạnh là nhà dân bao vây thì không thể đáp ứng được nhu cầu của khách thập phương vào các dịp lễ, Tết, do diện tích quá chật hẹp. Chính vì vậy việc xây mới một “Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” trở nên khang trang hơn, rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh là việc hết sức cần thiết hiện nay, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương trong và ngoài huyện, du khách quốc tế...

Phối cảnh Dự án Đền thờ Nguyễn Trãi.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2016, huyện Thường Tín đã có chủ trương thực hiện dự án gìn giữ, bảo tồn, xây dựng và tu bổ phát huy Quần thể di tích về anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê. Được sự đồng ý của Thành ủy và UBND thành phố, UBND huyện Thường Tín thực hiện các bước đã triển khai dự án. Ngày 25-10-2018 UBND huyện Thường Tín đã tổ chức “Hội thảo khoa học xây dựng khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và kết luận tại hội thảo đi đến thống nhất sự cần thiết và cấp bách của việc đầu tư Dự án xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi để bảo tồn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục từ danh nhân Nguyễn Trãi.

Cùng với đó, huyện đã lập thiết kế, bản vẽ sơ bộ. Theo đó, tổng diện tích dự án là 27.723m2 (giữ nguyên hiện trạng các tuyến đường khu vực theo quy hoạch S5) mở rộng về phía Đông, bao gồm: Phần diện tích khu Ao Huê - Trại ổi có diện tích là: 7.440 m2; phần diện tích mở rộng xung quanh là: 20.283m2. Công trình có 03 khu S1, S2, SGT, trong đó khu S1 có diện tích 21.118m2, bao gồm các hạng mục cổng chính, cổng phụ, hàng rào, lầu chiêng, gác trống, hai nhà tả vu, hữu vu, nhà vệ sinh, nhà trưng bày, nhà lưu niệm, nhà tám mái, hồ bán nguyệt, tượng đài, các hạng mục sân vườn. Khu S2 có diện tích 5.237m2, bao gồm nhà ban quản lý, nhà dịch vụ bán hàng lưu niệm, nhà dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà vệ sinh, sân để xe, khu vườn hoa, vui chơi giải trí, cổng, hàng rào. Khu SGT là đường giao thông hiện trạng có diện tích 1.368m2.  Tổng mức đầu tư dự án là 144.035.354.000 đồng (một trăm bốn mươi bốn tỷ không trăm ba mươi năm triệu ba trăm năm mươi tư ngàn đồng). Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn ngân sách huyện và một số nguồn huy động hợp pháp khác.

Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng nước nhà. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam, tư tưởng của ông là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam thời đại nhà Hậu Lê khi mà xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng Nguyễn Trãi không được ông trình bày thành một học thuyết có hệ thống hay chứa đựng trong một trước tác cụ thể nào mà được thể hiện rải rác qua các tác phẩm của ông, được phát hiện bằng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội hiện đại. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu), có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam lúc đó.

Không chỉ vậy, Nguyễn Trãi còn là một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, nhà thơ, nhà địa lý của Việt Nam thế kỷ XV (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc Unessco đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới). Do đó, việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần rất lớn lưu giữ lịch sử. Việc khôi phục, bảo vệ các di tích là một phần rất quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc cần được lãnh đạo các cấp, ngành quan tâm và đông đảo người dân tham gia. Trân trọng, gìn giữ những di sản quý giá cho mai sau là tình cảm và trách nhiệm của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa chỉ văn hóa - khơi nguồn giá trị