Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song sản xuất nông nghiệp của huyện có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt 1.919 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 2,6% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đạt 1.388 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 455 tỷ đồng, tăng 5,9%.
Trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành một số vùng trồng trọt chuyên canh sản xuất ổn định quy mô từ 20ha trở lên, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; vùng cây ăn quả tại các xã: Hoàng Kim, Chu Phan; vùng trồng hoa hồng chất lượng cao tại các xã: Văn Khê, Mê Linh; vùng trồng rau các loại tại các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đáng chú ý, trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả như: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt; chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong, xã Tiến Thịnh; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt; chuỗi chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, vịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Chu Phan, Tiến Thắng, Thanh Lâm...
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Năm 2022, huyện có thêm 20 sản phẩm được phân hạng đạt sản phẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 75 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã được UBND huyện Mê Linh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác sản xuất nông nghiệp năm 2022.