Được bố cục theo dòng thời gian, với các chủ đề: Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ!; Bên cầu Long Biên; Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta, triển lãm giới thiệu hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ, hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Triển lãm cũng được tô điểm thêm bằng các bức tranh, ảnh và hiện vật của các nhiếp ảnh gia, các cá nhân trong và ngoài nước, về việc xây dựng, mở rộng, sửa chữa và đời sống bên cây cầu cũng như ký ức về cây cầu trong suốt chiều dài lịch sử, góp phần vẽ lên một bức tranh đa sắc về cây cầu cho đến ngày nay.
Theo đó, ý tưởng về một cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng đã hình thành từ trước khi Paul Doumer đến Đông Dương để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại của Hà Nội. Vào thời điểm tiến hành cuộc tuyển chọn nhà thầu xây cầu qua sông Hồng (năm 1897), nhiều người vẫn coi đó là một "ý tưởng điên rồ" bởi sông Hồng rất rộng và nổi tiếng lũ lụt thất thường. Trên thực tế, việc triển khai xây dựng cầu cũng phải đối diện với không ít khó khăn, trắc trở. Tuy vậy, cây cầu vẫn được hoàn thành trước tiến độ, trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Thông tin tại triển lãm cũng cho thấy, cây cầu còn được mở rộng, nâng cấp nhiều lần theo đòi hỏi thực tế từ đời sống. Cụ thể, lúc đầu, cầu chỉ được thiết kế dành cho đường sắt và có vỉa hè nhỏ cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp, sau đó, được mở rộng làn lần đầu vào các năm 1922-1923. Cầu tiếp tục được mở rộng lần tiếp theo vào năm 1924 với quy tắc xe đi bên phải, người đi bộ theo hướng ngược lại, cấm các phương tiện trên 3 tấn và tốc độ tối đa là 15 km/h. Tới năm 1937, cầu lại được thay ván sàn gỗ bằng bê tông cốt thép…
Triển lãm "Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử" góp phần tạo nên một không gian khám phá di sản ký ức cho xã hội, cung cấp cho các cơ quan quản lý di sản, người nghiên cứu và đông đảo công chúng những tài liệu có giá trị về một cây cầu gắn bó đặc biệt với lịch sử, văn hóa, đời sống người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 2-2023.