Thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã trên đều đã chọn những lợi thế của địa phương để thực hiện như giáo dục và đào tạo, y tế. Đây là những lĩnh vực trong các năm gần đây đã được huyện Đan Phượng và các xã đặc biệt quan tâm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, nét nổi bật ở 3 xã được thẩm định đều có kinh tế rất phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt rất cao. Cụ thể, xã Tân Lập đã đạt 82 triệu đồng, xã Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng, xã Đồng Tháp đạt 76,3 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, tại xã Liên Trung, địa phương đã đầu tư xây dựng được vườn hoa cây xanh khu trung tâm xã quy mô hơn 3ha với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Đây là một trong những vườn hoa cây xanh lớn nhất của huyện Đan Phượng, giúp nhân dân có thêm không gian xanh để nghỉ ngơi, thư giãn và thể dục thể thao.
Kết quả đối chiếu hồ sơ và kiểm tra thực tế, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thống nhất cả 3 xã: Tân Lập, Liên Trung và Đồng Tháp đều đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 2 lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Như vậy, sau 2 ngày làm việc (29 và 30-12), Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thống nhất 6 xã của huyện Đan Phượng đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là: Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình, Tân Lập, Liên Trung và Đồng Tháp.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố cho biết: Với kết quả đạt được, tính đến nay, Đan Phượng là huyện dẫn đầu của thành phố Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 11/15 xã hoàn thành. Kết quả đạt được khẳng định nỗ lực, quyết tâm rất lớn của đảng bộ, chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của nhân dân. Với cách làm khoa học, bài bản, sáng tạo…, kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Đan Phượng rất đáng để các địa phương khác trong thành phố học tập.