Huyện Hoài Đức: Hướng tới xuất khẩu trái cây đặc sản

Ánh Dương| 18/09/2019 07:19

(HNM) - Phát huy lợi thế vùng đất bãi ven sông Đáy, huyện Hoài Đức tập trung phát triển các loại cây ăn quả đặc sản như bưởi, nhãn chín muộn... cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, thực hiện Đề án cây ăn quả giá trị kinh tế cao, huyện Hoài Đức đang hướng tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu trái cây đặc sản.

Trước đây, người dân xã Song Phương (huyện Hoài Đức) chủ yếu trồng cam Canh, bưởi Diễn tuy nhiên, hiệu quả không cao. Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Khoa chia sẻ: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2006, xã định hướng, khuyến khích chuyển sang trồng nhãn chín muộn. Dần dần, toàn bộ diện tích trồng cam đã được thay bằng nhãn chín muộn, tập trung tại các thôn 1, 3, 4... 

Thu hoạch nhãn chín muộn ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Vương Thị Mai Lan cho biết: Từ cây nhãn tổ và những cây nhãn lâu năm, Phòng Kinh tế huyện đã khảo sát, lập hồ sơ trình Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, bình tuyển hơn 50 cây nhãn giống HTM1, HTM2. Đến những năm 2012-2013, huyện Hoài Đức đã có hơn 40 cây nhãn chín muộn được công nhận là cây đầu dòng. Từ những cây đầu dòng, diện tích trồng nhãn chín muộn trên địa bàn huyện đã được nhân rộng lên 138ha, tập trung ở các xã: Song Phương (34ha), An Thượng (65ha), Đông La (12ha), Vân Côn (22ha)... Sản lượng quả hằng năm đạt 15-18 tấn/ha/năm, cho thu nhập đạt 500-700 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2012, Hội Nhãn chín muộn huyện Hoài Đức được thành lập. Cũng từ đó, huyện tập trung hỗ trợ các xã công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc quả an toàn, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các hộ gia đình trồng cây ăn quả... Sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể nhãn chín muộn, huyện Hoài Đức được Sở NN&PTNT hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm bảo quản nhãn chín muộn cận và sau thu hoạch. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được xuất khẩu sang Malaysia, châu Âu, Mỹ, Australia.

Tính đến nay, toàn huyện Hoài Đức có 895ha trồng cây ăn quả, cây đặc sản: Ổi Thái Lan, ổi Đài Loan, táo đại, táo đào... Do người dân đã biết áp dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên chất lượng quả táo, ổi có vị ngọt thơm, được thị trường ưa chuộng. Giá trị thu nhập từ các loại cây ăn quả này đạt từ 300 đến 800 triệu đồng/ha/năm.

Phát huy kết quả đạt được trong phát triển cây ăn quả, hiện nay, huyện Hoài Đức đang triển khai trồng giống bưởi đỏ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), tại một số vườn cây ăn quả thuộc vùng bãi xã Đông La. Giống bưởi này được Sở NN&PTNT đánh giá có chất lượng phù hợp để xuất khẩu trong thời gian tới. Định hướng của huyện Hoài Đức là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vùng ven sông Đáy, tập trung vào giống cây ăn quả chủ lực, đạt tiêu chí xuất khẩu là nhãn chín muộn và giống quả tiềm năng là bưởi đỏ Tân Lạc. Hiện đã có nhiều hộ gia đình ở Đông La đăng ký chuyển từ trồng cây táo hiệu quả thấp sang trồng cây bưởi đỏ Tân Lạc, tham gia quy trình sản xuất an toàn để có sản phẩm đạt chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hoài Đức: Hướng tới xuất khẩu trái cây đặc sản