Huyện Thạch Thất đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP

Ngọc Quỳnh| 31/01/2022 16:30

(HNMCT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân và giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản, thời gian qua, huyện Thạch Thất đã hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP đã ký được các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận OCOP.

Là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải cho biết: Năm 2019, hợp tác xã đăng ký với huyện, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa. Đến nay, đơn vị đã có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao do Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận. Tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc. Nếu như năm 2019, hợp tác xã chỉ sản xuất và tiêu thụ được 5-7 tạ/ngày các loại rau, củ, quả, thì đến nay đã tiêu thụ hơn 10 tạ/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm”, ông Nguyễn Đỗ Ban phấn khởi nói.

Cũng về vấn đề này, theo bà Vũ Thị Quý, chủ cơ sở sản xuất chè kho tại xã Đại Đồng, sản phẩm chè kho Đại Đồng được công nhận OCOP năm 2020, được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua quảng bá, tiêu thụ giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ tổ chức tại thành phố Hà Nội và huyện, doanh thu cơ sở đạt khoảng 200 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương.

Về Chương trình OCOP trên địa bàn, ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho hay: Năm 2021, huyện có 20 sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội công nhận, trong đó có 10 sản phẩm 3 sao và 10 sản phẩm 4 sao. Như vậy, đến nay, toàn huyện đã có 142 sản phẩm được công nhận OCOP. Các sản phẩm được đánh giá xếp hạng có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, là sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện, có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất để mở rộng thị trường.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản, huyện Thạch Thất đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bằng nhiều hoạt động, chính sách thiết thực. Nhờ đó, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP đã nhận được các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn như: Sản phẩm mặt hàng gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức ở thôn 4, xã Canh Nậu; sản phẩm các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải); sản phẩm mặt hàng tủ chè gỗ trắc, tượng Phật Di Lặc gỗ trắc, sạp gỗ trắc… của hộ kinh doanh Phí Đình Tuấn ở xã Chàng Sơn...

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, Thạch Thất sẽ tiếp tục đăng ký thêm nhiều sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân và tương xứng với tiềm năng của huyện. Huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm...

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Thạch Thất là một trong những huyện có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP của thành phố. Việc sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ thể. Để tạo thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất nói riêng và toàn thành phố nói chung, Hà Nội có chính sách hỗ trợ khâu tiêu thụ đối với các chủ thể tham gia OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP