Kinh nghiệm hạn chế đất hoang ở Quốc Oai

Hoàng Sơn| 05/04/2023 08:03

(HNM) - Để hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Quốc Oai đã có những cách làm hay, như: Tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng…, góp phần hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên và nâng cao giá trị canh tác.

Chăm sóc nho tại một trang trại ở xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai). Ảnh: Đức Duy

Huyện Quốc Oai hiện có hơn 4.400ha đất trồng lúa, nhưng trong vụ xuân 2023, người dân bỏ ruộng hoang khoảng 400-500ha. Cụ thể, xã Ngọc Mỹ bỏ ruộng hoang 46ha, thị trấn Quốc Oai 33ha, xã Cộng Hòa 23ha, xã Yên Sơn 23,4ha, xã Phú Cát 22ha, xã Nghĩa Hương 20ha, xã Ngọc Liệp 18ha, xã Sài Sơn 17ha… Còn trong vụ mùa, diện tích bỏ hoang lên tới 1.500ha; trong đó, một số xứ đồng có hàng chục héc ta đất bỏ hoang để cây dại mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên.

Nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng là do một số diện tích thuộc chân ruộng trũng, thấp bị ngập úng vào mùa mưa hoặc vàn cao, đồng ruộng ở xa khu dân cư, khó khăn nguồn nước, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận đem lại thấp. Đồng thời, Quốc Oai là huyện có nhiều làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp, lao động bị dịch chuyển, nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để giảm diện tích đất bỏ hoang, huyện đã triển khai nhiều giải pháp. Đối với diện tích có điều kiện canh tác thuận lợi, nhưng không gọn vùng, huyện khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hằng năm, huyện ưu tiên nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu canh tác theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp… hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bị phá vỡ, huyện chỉ đạo các địa phương thống kê, lập phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Nhờ thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, những năm qua, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình điểm tích tụ ruộng đất quy mô từ 2ha đến 50ha, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, hài hòa lợi ích của các bên. Tiêu biểu như, cánh đồng mẫu lớn gieo sạ lúa xuân 2023 của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hòa có quy mô 50ha; mô hình trồng các loại cây dược liệu quý của Công ty cổ phần Hóa chất thực phẩm châu Á tại xã Đông Yên có quy mô hơn 2ha; mô hình trồng nho Hạ đen của cơ sở Vương Đắc Lộc, xã Cộng Hòa có diện tích khoảng 3ha, đang xây dựng theo hướng du lịch trải nghiệm; mô hình nuôi cá trên ruộng trũng ven sông Tích trong vụ mùa tại các xã: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch, Đông Yên… có quy mô hàng trăm héc ta. Phần lớn các mô hình này đều liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, nên giá trị kinh tế mang lại khá cao và ổn định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn nhận định, tích tụ ruộng đất thành những cánh đồng mẫu lớn hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là phương thức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa, sản xuất tập trung trên cánh đồng mẫu lớn là cách làm mới đối với cán bộ và nhân dân. Do đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, nhân dân thấy được hiệu quả để làm theo. Đặc biệt, từ thành công của các mô hình điểm sẽ làm thay đổi tập quán canh tác của người dân để chuyển sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo ra bước chuyển mạnh trong sản xuất và hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang.

Có thể thấy, những cách làm của huyện Quốc Oai trong nỗ lực giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang đang ngày càng khẳng định sự phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cách làm này góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm hạn chế đất hoang ở Quốc Oai