Xưa và nay

Làng tôi

Nguyễn Năng Lực 23/03/2024 - 06:36

Quê tôi là ngôi làng cổ ngay đầu cây cầu đã nức tiếng một địa danh: Cầu Giấy. Làng nằm ven sông Tô Lịch, con sông ăn nước hồ Tây có tuổi dễ đã hàng nghìn năm. Xa xưa, sông Tô đã một thời tấp nập, trữ tình: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.

z5263898133200_9f3c7b4b25e1.jpg
Làng Quan Hoa bên sông Tô Lịch xưa, nay là khu vực phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Ảnh: Bảo Khánh

Từ thuở hồng hoang huyền sử, Lạc Long Quân giết tinh cáo chín đuôi tạo thành hồ Xác Cáo, rồi qua thăng trầm thế sự, hồ mang những tên Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Tây Hồ. Con Trâu vàng chạy lồng tìm mẹ, vết chân tạo thành sông, làng tôi bám vào sông mà tồn tại, cùng với những ngôi làng cổ ven Kinh thành làm nên một miền văn hóa.

Cũng như nhiều làng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, làng tôi có nhiều công trình, di tích văn hóa lâu đời: Cầu, quán, chùa và đặc biệt, có “bệ Quan Hoa” là ngôi mộ một vị quan từng trị nhậm ở huyện Hoa Khê thời Lê, sau từ quan về làng dạy học. Tên ông thành tên làng: Làng Quan Hoa. Đến bây giờ, làng vẫn còn một con ngõ, gọi là ngõ Vụt.

Ở làng, tôi có bà dì ruột năm nay đã 93 tuổi, tóc bạc trắng dài quá lưng, óng ả như bà tiên. Hôm chủ nhật vừa rồi, đến nhà bà bên bờ sông Tô chơi, tôi được nghe nhiều câu chuyện đưa tôi trở về tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với ngôi làng tần tảo.

Người làng tôi tính điềm đạm, chẳng thích đua chen. Dì kể, ông ngoại tôi ngày xưa hay nói: “Ai nhất thì mình thứ nhì. Ai mà nhất nữa mình thì thứ ba”. Ông rất nền tính, ít khi tranh cãi với ai. Ông thường cười bảo: “Đất chẳng chịu giời thì giời chịu đất vậy”. Khi bà ngoại giận, mắng con, ông mặc kệ. Bà cự nự thì ông bảo: “Nhà chỉ có bà, tôi với chúng nó. Bà đã mắng rồi, tôi mà cũng lại mắng nữa thì chúng nó ở với ai?”. Con cháu cảm nhận được tình yêu thương và tính điềm đạm của ông, lấy đó làm chuẩn mực mà sống.

Lao động vất vả, người làng tôi hay hài hước pha trò cho vơi bớt nhọc nhằn. Làng có ông giáo Mai giỏi tiếng Pháp, dân làng thường gửi con em theo học.

Những làng ven sông Tô có nghề truyền thống dệt lụa và làm giấy. Trầm tích văn hóa và những nghề truyền thống ấy đã góp phần bồi đắp nên tính cách, phong thái người ven sông Tô.

Thuở bé, mỗi lần đi “tàu điện leng keng” về quê, đến đầu làng tôi đã nghe tiếng thoi đưa lách cách hối hả. Ngoài bờ sông, hàng chục chiếc “tàu xeo” giấy xếp hàng, bóng những người thợ đàn ông đàn bà lom khom cần mẫn.

Nghề dệt ở làng tôi đã có từ hàng trăm năm trước. Để có những hoa văn đẹp trên tấm lụa, các cụ xưa dùng “thẻ” tre. Cái “thẻ” bề ngang to hơn chiếc đũa cả, trên thân “thẻ” đục nhiều lỗ, cái gần cái xa, cái trên cái dưới. Những lỗ đục ấy, kỳ diệu thay, lại chính là “chương trình” đồ họa để làm ra một tấm lụa hoa văn đẹp hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Tấm lụa dày hay mỏng, hoa văn như thế nào, cần bao nhiêu sợi dọc, sợi ngang, từ đó mà đục lỗ trên “thẻ”. Không biết ai là tác giả “lập trình” cho mỗi công đoạn dệt mà đến nay, chiếc “thẻ” có đục lỗ gợi nhớ đến phần cứng của chiếc máy tính thô sơ vẫn còn là một bí ẩn chưa mấy ai giải thích rành rẽ.

Nghề dệt lụa có lúc đem lại thu nhập cao. Ông ngoại tôi là người đầu tiên trong làng dệt lụa vân. Cuối những năm 1920, chỉ xuất hai chuyến lụa sang Hồng Kông, ông có đủ tiền xây căn nhà hai tầng đẹp đẽ. Vào những năm 1960, căn nhà ngang của ông có hàng chục khung cửi dệt của hợp tác xã, tiếng thoi đưa lách cách suốt ngày. Quanh những khung cửi ấy có nhiều mối tình giữa những người thợ đơm hoa kết trái.

Trong câu chuyện, dì tôi dẫn câu ca dao để nói về nỗi vất vả của người thợ dệt: “Số giàu đem đến dửng dưng/ Chẳng cần toét mắt, còng lưng cũng giàu”.

Các cụ cao niên trong làng kể rằng, ngày xưa, có bà Tổ nghề giấy đi từ hạ nguồn, ngược dòng sông Tô lên. Đến mỗi làng, bà dừng lại một thời gian, tùy theo thái độ của dân làng đối đãi với mình ra sao mà truyền nghề cho. Cứ thế, làng sau đối đãi với bà chu đáo hơn làng trước nên càng ngược dòng, nghề giấy càng tinh xảo hơn, đến các làng Nghĩa Đô, Yên Thái vùng Kẻ Bưởi thì dân đã biết làm giấy dó lụa, giấy quỳ, giấy lệnh, giấy sắc. Giấy sắc hoa văn rồng để viết các sắc phong của triều đình có độ bền nhiều thế kỷ.

Có lẽ dân làng tôi ngày xưa đối đãi với bà Tổ nghề chưa được chu đáo nên bà chỉ truyền cho nghề làm giấy bản bán cho làng Bình Đà và nhiều nơi khác để làm pháo hoặc gói hàng. Khoảng bốn năm chục năm trước, dọc bờ sông Tô có nhiều chiếc lán tre nứa lợp lá gồi, bên trong là những chiếc “tàu xeo” bằng xi măng. Người thợ cầm chiếc khuôn hình chữ nhật, đáy là tấm lưới mắt nhỏ, chao qua chao lại trong “tàu xeo” đầy nước hòa bột giấy. Bột giấy ngày xưa các cụ làm bằng gì thì tôi không được chứng kiến, nhưng khi tôi đã lớn, thấy bột giấy làm từ “lề” là những hộp carton, bìa sách, giấy vụn… ngâm nước cho bở ra rồi xay vụn tơi thành bột. Bột ấy đọng lại trong khuôn thành tờ giấy dày khoảng một ly, xếp chồng lên nhau, tờ nọ cách tờ kia một lượt vải màn, rồi đưa vào “vít me” ép cho ráo nước, xong bóc ra từng tờ, vắt qua cái “que dò” đem hong nắng, hong gió cho khô. Năm 1995, khi Chỉ thị của Chính phủ về cấm đốt pháo có hiệu lực thì nghề làm giấy làng tôi teo dần rồi mất hẳn.

Ngày nay, kỹ thuật phát triển, nghề dệt vải, dệt lụa và làm giấy thủ công mai một dần, những ngôi làng cổ ven sông Tô cũng đô thị hóa, trở thành phường, thành quận, sông Tô Lịch không còn sầm uất thơ mộng như xưa nhưng hồn cốt nghìn năm vẫn âm thầm chảy qua nhiều thế hệ, góp phần giữ gìn bản sắc người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng tôi