Cụm di tích đền Dục Anh
Cụm di tích đền Dục Anh gồm đình Trong, đình Ngoài, đền Dục Anh nằm trên địa bàn cụm dân cư Hòa Mục (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Đây là nơi thờ 3 vị Thành hoàng là Phạm Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy, tương truyền là 3 vị sứ thần được Ngọc Hoàng cử xuống trần, đầu thai làm con của một cặp vợ chồng hiếm muộn năng làm việc thiện tích đức. 3 chị em đều là những người tài sắc vẹn toàn, đã có công giúp Phùng Hưng dẹp giặc Cao Chính Bình, giải phóng Tống Bình (tức Hà Nội). Sau khi thác, 3 vị còn âm phù cho vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, dẹp yên bờ cõi. Hằng năm, để tưởng nhớ công ơn của ba vị, người dân làng Hòa Mục tổ chức lễ hội vào ngày 12 tháng Hai (Âm lịch).
Nằm trong cụm di tích trên, đình Trong là công trình có niên đại thời Lê. Đình quay về hướng tây nam, trước mặt là một hồ nước lớn. Sau đó là một nghi môn đồ sộ với 4 cột trụ biểu tạo thành một cổng chính và 2 cổng phụ. Qua nghi môn là sân gạch, hai bên là tả - hữu vu. Đình Trong gồm đại đình rộng 5 gian. Hậu cung gồm 4 gian, chính giữa đặt ngai và bài vị thờ ba vị thành hoàng. Trong đình hiện còn lưu giữ các di vật quý như 12 đạo sắc phong niên đại triều Lê - Nguyễn, 2 cuốn thần phả, 14 tấm bia đá cổ, 3 bộ kiệu thời Nguyễn và hệ thống hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án...
Nằm cách đình Trong khoảng 800m là đình Ngoài, có niên đại thời Lê, được xây dựng trên nền đất cao 0,5m theo kiểu chuôi vồ. Tuy đã bị mất tam quan nhưng đình Ngoài vẫn giữ được tòa đại bái gồm 3 gian, cửa kiểu “thượng song hạ bản”, bộ vì mái kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Các di vật hiện còn bảo lưu là 2 tấm bia đá cổ, trong đó có 1 tấm được tạo tác vào năm Chính Hòa thứ 17 (1696); 1 cuốn thần phả, 3 bộ ngai và bài vị thời Nguyễn, 1 quả chuông đồng, 5 pho tượng Mẫu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.
Đền Dục Anh nằm ở ven đê, nhìn ra sông Tô Lịch, mang dấu ấn kiến trúc của lần trùng tu gần nhất vào cuối thời Nguyễn. Đền gồm tam quan rộng 5 gian; tiền tế 5 gian, được xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng, phía sau là đại đền và hậu cung - nơi thờ 3 vị thành hoàng và thờ Mẫu. Trong đền hiện còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị như 5 đạo sắc phong có niên đại từ năm 1889 - 1924; 6 bia đá cổ thời Nguyễn, 4 khám gỗ có niên đại thế kỷ XIX, 13 pho tượng Mẫu, 1 quả chuông đồng thời Nguyễn...
Cụm di tích đình Trong, đình Ngoài và đền Dục Anh đã được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật năm 1992.