Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ ở làng Láng. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì giai đoạn 1138-1175) với diện tích gần 18.000m2.
Chùa từng được coi là ‘‘Đệ nhất tùng lâm’’ trên vùng đất phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Láng Thượng (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Nơi đây thờ Đệ Tam Thánh Tổ Lý triều Quốc sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân hóa thác của người là Đức vua Lý Thần Tông.
Chùa Láng là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962, là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Theo tập quán từ lâu đời, hằng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng Ba âm lịch là dân làng mở hội. Lễ hội Chùa Láng là lễ hội lớn nhất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa và nay. Hội Láng xưa diễn ra trong 10 ngày, hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu với sự tham gia của 9 làng. Hội Láng ngoài các nghi thức tế lễ, rước Thánh còn tổ chức các tích trò vui như: Đấu võ, chọi gà, cờ người, đập niêu, đặc biệt có tục thổi cơm thi...
Ngày 20-12-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 4611/QĐ-BVHTTDL cấp Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Láng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc đón nhận Bằng chứng nhận là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân dân phường Láng Thượng nói riêng, quận Đống Đa nói chung, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của Lễ hội chùa Láng, góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Một số hình ảnh tại Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Láng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: