Lễ Tiến xuân ngưu
Năm 1048, vua Lý Thái Tông “cho lập Xã Đàn ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi bốn mùa cúng lễ, cầu được mùa”.
Cũng năm này, tháng Chạp, “vua xuống chiếu cho Hữu ty làm lễ Nghênh xuân và định phép chọi trâu về mùa xuân”.
Đến đời Hậu Lê, hai lễ Lập xuân và Tiến xuân ngưu nhập là một. Lễ Lập xuân do vua đích thân dự, với ý nghĩa mở đầu năm mới và ban ân huệ cho dân. Lễ Tiến xuân ngưu là lễ dâng trâu mùa xuân lên vua và lễ thần Câu Mang.
Thời này, đàn Nam Giao dựng ở phía nam huyện Thọ Xương, bên ngoài thành Thăng Long. Đàn Nam Giao được dùng làm nơi cử hành lễ. Giữa đàn là điện Chiêu Sự, nơi tế giao (lễ trời đất) do vua hành lễ. Còn bốn phía của đàn để lễ các vị tiên vương cùng các vị thần coi bốn mùa. Ngoài ra, mỗi khi giao mùa, nhà vua còn sai quan khâm mạng đến hành lễ.
Đến thời vua Lê chúa Trịnh, theo lệ thường, mỗi năm gần đến tiết Lập xuân, Hộ bộ đến Hộ phiên nhận đủ tiền, gạo, lụa rồi chuyển đến cho Thái quan thư và Lương uẩn cục lo làm lễ tế; quan Tư thiên giám dâng mẫu nặn đoàn người và vật, trong đó có tượng mục đồng thần (Câu Mang). Kích thước và mẫu đoàn người và vật không thay đổi, song dựa vào can chi của mỗi năm và xem ngày Lập xuân mà nhuộm màu các lễ vật này cho phù hợp.
Được duyệt mẫu rồi, Thường ban cục nặn một con trâu lớn, một tượng thần Câu Mang, tiếp là đàn nghé tới 1.300 con và đoàn mục đồng cũng đủ con số ấy. Mỗi con nghé cao khoảng năm, sáu đốt tay. Tượng mục đồng cũng tương đương tầm vóc nghé. Xong, tất cả được đưa vào Nha môn ngưu. Tiếp đó, người ta lên phường Hàng Chiếu (phía đông kinh thành) dựng một cái quán thờ nhỏ, không vách, bốn bề thông gió.
Vào tối trước ngày hành lễ, người của Thường ban cục rước tượng trâu lớn và tượng thần Câu Mang tới phường Hàng Chiếu đặt vào quán thờ. Dân chúng quen lệ, năm nào cũng vào ngày ấy là lũ lượt đổ về, vòng trong vòng ngoài chen chúc nhau, đợi đến nửa đêm để được dự đám rước thần. Hồi ấy, người ta truyền nhau câu hát: “Bao giờ Mang hiện đến ngày/ Cày bừa cho chín mạ này đem gieo”.
Tất cả số lượng nghé và mục đồng do 15 người lính canh ngục - ngục tốt - chuyển từ Nha môn ngưu tới quán thờ ở cửa Đông kinh thành.
Đúng giờ Tý, vào lúc đâu đó có tiếng chuông chùa điểm ngân nga thì quan Phủ doãn Phụng Thiên cùng hai quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức dẫn đầu một đoàn gồm đại diện của dân và thương nhân các phường trong kinh thành đến Hàng Chiếu làm lễ rước tượng trâu và thần Câu Mang. Đúng lúc giao điểm của ngày cũ - ngày mới, đám rước trang nghiêm diễu hành từ Hàng Chiếu về phường Hà Khẩu (Hàng Buồm ngày nay), vào đền Bạch Mã. Tượng thần Câu Mang được rước vào giữa tiền đường, đặt lên hương án.
Trống chiêng nổi lên âm vang giữa trời khuya. Quan Phủ doãn cùng các quan huyện hành lễ, khấn thần Long Đỗ, cầu thần phù trợ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thái bình. Lễ xong, nha môn cuốn tượng thần vào chiếu đem chôn.
Sáng hôm sau, tượng trâu được đặt lên ngai, rước vào triều dâng vua, gọi là lễ Tiến xuân ngưu (dâng trâu mùa xuân). Tới điện đình, quan Phủ doãn và hai quan huyện, mỗi người một cành dâu, giả làm roi đánh vào trâu đất. Tiếp, văn võ bá quan hành lễ.
Lễ xong, lính canh ngục rước trâu về ngục đông, còn ngai rước trâu thì quan bộ Lễ nhận đem cất vào cung. Trâu và tượng nghé, tượng mục đồng, quan Công khoa nhận một số (hơn 200 con) đem phân phát cho các quan để tống tiễn mùa đông. Ngục tốt đem tượng trâu ra, chặt một miếng thủ, một đoạn chân và một khúc đuôi, rồi chọn 55 tượng nghé đặt lên 11 mâm (mỗi mâm 5 con) phủ lụa vàng, dâng lên vua; vua lệnh đem bán cho các đền thờ trong kinh thành và thưởng cho các quan đi lễ trong dịp hành lễ. Còn lại 1.000 tượng, ngục tốt đặt lên ngai, rước đi, do quan Tư lễ giám dẫn đầu, đến phủ chúa Trịnh.
Chúa nhận lễ, cho triệu 6 hiệu nha môn vào ban phát, chia lễ cho các hiệu đem về chia cho các tướng. Mọi người nhận được lộc đều mừng rỡ, coi đó là điềm may cho cả năm, vì đây là lộc đầu xuân của vua, của chúa ban cho.
Nhà Nguyễn khi đóng kinh đô ở Thuận Hóa (Huế) vẫn giữ truyền thống trên, nhưng thay đổi về quy cách. Cho đến đời vua Khải Định, vào năm thứ 3 (1918) có dụ mới: Trước, thần Câu Mang và trâu nặn bằng đất thì nay vẽ cả thần và trâu vào vải cho tiện và đỡ tốn kém.
Lễ Tiến xuân ngưu kéo dài suốt từ triều Lý tới thời Hậu Lê ở Thăng Long và chuyển sang cả triều Nguyễn ở Huế. Tuy do triều đình chủ trì, song lễ mang đậm tính dân dã nên có sức sống rất bền vững. Những nghi thức, tập tục, trò diễn nói trên không chỉ bó hẹp trong cung đình, mà còn có thể thấy ở một số hội xuân của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chẳng hạn như ở Phú Thọ, Nam Định và Hà Nam, tuy cũng có sự biến tấu nhưng đều xoay quanh tiêu điểm của lễ hội, của nghề nông, đó là con trâu.