Mỗi độ tháng ba

Thụy Oanh| 12/03/2023 06:25

(HNMCT) - Mỗi độ tháng ba, những đứa con lớn lên từ làng quê xứ Bắc lại ngóng chờ cây gạo đơm bông. Đến một ngày sắc đỏ ấy lìa cành, mùa xuân dường như sắp đi xa.

Minh họa: Hứa Dũng.

Bạn tôi kể rằng Paris mùa này cũng ngập tràn sắc hoa. Mùa xuân tới, tiết trời ấm áp, nắng vàng như ngày thu ở Hà Nội. Trong một ngày chủ nhật nắng đẹp, được thảnh thơi ngồi bên hiên nhà đọc sách, ngắm hoa, nghe một bản nhạc êm đềm thì còn gì bằng. Thế mà nhìn thấy sắc đỏ của hoa hồng bên hiên nhà, người phụ nữ bao năm xa quê chợt nhớ đến những bông hoa gạo đầu làng. Nó hỏi tôi: “Không biết giờ này hoa gạo nở chưa?”.

Đã lâu tôi chưa về thăm nhà mỗi độ tháng ba, nhưng năm nay nghe cô em gái nói cây gạo ở chùa đã sai bông lắm. Hoa nở đỏ cành. Cuối tuần, người ta đổ xô tới sân chùa chụp ảnh hoa gạo, khuấy động cái yên ả của làng quê.

Tôi lại nhớ tới ngôi chùa nhỏ của làng. Sân chùa có hai cây gạo rất to, bình thường chẳng ai để ý đến. Chúng như người khổng lồ trầm mặc, cứ ở đó mà đợi chờ. Qua Tết, đến độ tháng Hai âm, khi những bông hoa đầu tiên đơm lửa trên cành, người làng như mới nhận ra có hai cây gạo vẫn đứng ở đó. Đám trẻ con, bình thường đi qua chùa cũng chỉ nhớn nhác nhìn lên cây nhãn xem năm nay có nhiều quả không. Nhưng vào mỗi độ tháng ba lại khác, cây gạo trở thành ông Bụt trong lòng lũ trẻ.

Cánh hoa rụng có thể nhặt về, xé ra chơi đồ hàng, giả làm miếng thịt bò hay những viên kẹo ngọt ngào. Lắm lúc đói bụng, nhấm nháp nhụy hoa vẫn cảm nhận được cái vị ngọt ngào, thanh thuần mà mộc mạc được chắt chiu suốt cả mùa đông dài đằng đẵng. Bảo sao, sáng sớm lũ chim sâu, chim sẻ vẫn luôn ríu rít trên cành gạo.

Lũ trẻ con vẫn vui cái niềm vui bé mọn ấy trong phập phồng lo sợ, bởi người lớn hay dọa rằng dưới gốc gạo có ma. Tôi và mấy đứa bạn vẫn lựa những bông hoa đẹp nhất, rồi đi kiếm dây tơ hồng, hay dây ruột gà kết thành vòng hoa đội đầu. Mải nghịch, nhưng không được quên ngó nghiêng xung quanh, thấy người lớn đi qua còn ù té chạy. Vòng hoa dẫu còn đẹp, cũng chẳng đứa nào dám mang về nhà. Nỗi sợ hãi vô hình đã in sâu vào trong tâm trí.

Đi một vòng trong làng, không khó để kiếm những cành hoa đỏ về chơi. Nào hoa bỏng, hoa dâm bụt, hoa mò... nhưng chẳng hiểu sao, đám trẻ con nhà quê vẫn xúm xít dưới gốc gạo. Dẫu rằng, chỉ nhặt được những bông hoa rụng, cánh đã hơi thâm lại. Cây gạo cao thế, chẳng thể nào hái được hoa tươi. Những bông hoa như màu lửa ấy, ngắm từ phía xa cũng yêu kiều và diễm lệ hơn nhiều, cái màu đỏ nhức nhối của nó luôn khiến người ta thèm thuồng, háo hức phải hái xuống cho bằng được. Nhưng bẻ được một cành hoa gạo tươi đâu phải dễ, bởi thân gạo đã cao, lại khá nhẵn, khó lòng mà trèo lên được. Hoa gạo rụng xuống đất, chỉ một chút đã thâm lại, sắc đỏ không còn cái vẻ mãnh liệt, kiêu sa nữa.

Cô tôi đi lấy chồng xa, ngày Tết tàu xe vốn đắt đỏ, lại còn bao công việc nhà chồng, nếu về với mẹ thì lấy ai thu vén. Thường thì ra Giêng, năm rộng tháng dài, cô mới có dịp dẫn các em về bên ngoại. Cô bảo, đi gần cả ngày trời, nhưng chỉ cần thấy cây hoa gạo lừng lững phía xa là thấy tỉnh cả người, như thể thấy ai đó trong nhà ra đầu làng ngóng đợi.  

Bao năm qua, lũ trẻ chúng tôi đã thành người lớn. Còn cây gạo vẫn đứng đó, hiên ngang, trầm mặc. Bọn nhóc bây giờ chẳng thiếu đồ chơi. Chúng không cần phải nhặt bông hoa rụng để mua nụ cười. Những bông hoa đỏ ấy, cứ thế an nhiên về với đất. Lớn khôn, rời đi xa trăm ngả, chúng tôi vẫn là người của làng. Ở nơi xa về là dõi mắt tìm bóng cây gạo. Cái dáng cao sừng sững ấy trở nên thân quen như người nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi độ tháng ba