Tưởng chừng những hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi bởi sự bùng nổ của công nghệ… Song, thật ngạc nhiên, hiện giờ có một nghệ nhân vẫn say sưa làm ra những chiếc đèn kéo quân đủ cỡ… Ông là Vũ Văn Sinh, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Đến thăm “xưởng” sản xuất của ông Sinh, chúng tôi thấy đó là một gia đình bình dị. Ông tiếp đón chúng tôi với những câu chuyện thường nhật... Tuy nhiên, khi nói về những chiếc đèn kéo quân, dường như ông trở thành một con người khác hẳn. Câu chuyện như kéo ông trở lại tuổi thơ, tuổi trẻ cùng duyên nợ với cây đèn kéo quân kỷ lục được đặt hàng. Rồi ông lôi chiếc đèn đang làm dở để hoàn thiện như chia sẻ cảm xúc vui buồn, thăng trầm về chiếc đèn kéo quân kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2006 do chính ông tìm ra bí quyết tạo nên…
“Lúc đó, tôi liều nhận 50 triệu đồng để làm chiếc đèn thật lớn. Năm 2006, số tiền đó là cả một gia tài, phải làm thôi, nhận rồi, không thể thoái thác” - ông Sinh kể lại.
Ông nhớ lại, gian nan nhất là khi bắt tay vào làm đèn. Các khâu cơ bản thì huy động nhiều người trong gia đình, họ hàng, làng xóm giúp sức… Còn chi tiết để làm sao cho đèn quay được thì quả thực không hề đơn giản.
Không nản chí, ông Sinh tìm hiểu khắp nơi để học hỏi. May sao, khi nghe tin một gia đình ở tỉnh Thái Bình còn cất giữ chiếc đèn kéo quân cũ, ông lập tức đến tận nơi, xin phép chủ nhà tháo dỡ chiếc đèn để nghiên cứu tỉ mỉ. Bằng trực giác, ông phát hiện ra chi tiết tưởng chừng khó khăn mà lại vô cùng đơn giản, đó là chỉ cần tạo cho tán đối lưu nghiêng khoảng 25 độ, khi đốt nến bên trong, tạo luồng khí nóng đối lưu với không khí bên ngoài, đèn sẽ quay…
“Tìm được bí quyết rồi, tôi mừng lắm, lập tức về hoàn thành chiếc đèn theo đơn đặt hàng với chiều cao 6,5m, đường kính 3m và vinh dự được vào kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2006. Tuy đồ sộ như căn nhà 2 tầng, không cần máy móc hỗ trợ, chỉ theo cách truyền thống mà đèn vẫn chuyển động… Từ thành công này, tôi thấy mình có duyên với nghề” - ông Sinh xởi lởi kể chuyện khiến chúng tôi cũng vui lây và bị hút vào những chiếc đèn lớn - nhỏ trong tay ông…
Ông Sinh cho biết, khách hàng tìm đến với ông khá nhiều, thậm chí, họ không chỉ mua đèn cho trẻ em vui trung thu mà còn đặt ông làm những chiếc đèn kéo quân đủ cỡ để trang trí nội thất, sân vườn, quán hàng… “Tôi vừa nhận đơn hàng của một khách ở Hải Phòng đặt làm 10 chiếc đèn với giá 1 triệu đồng/chiếc để treo trong quán cà phê. Họ rất thích sự sinh động của loại đèn này, dùng làm điểm nhấn của quán”.
Quả thực, khi được xem ông thao tác chiếc đèn với đoàn quân cưỡi ngựa như bay, những con vật ngộ nghĩnh như biết đùa vui, chúng tôi và nghệ nhân dường như có sự đồng cảm được trở về tuổi thơ với những đêm rước đèn dưới trăng…
Theo ông Sinh, với những chiếc đèn kéo quân nhỏ bằng khung tre, nứa thì có thể làm trong ngày là xong, giá bán từ 100-200 nghìn đồng/chiếc, tùy kích cỡ; còn các loại đèn trang trí sân vườn, nội thất, quán giải khát thì theo đơn đặt hàng, đa số khoảng 1-2 triệu đồng/chiếc…
“Tôi và gia đình làm đèn để giữ nghề và chủ yếu truyền lại cho tuổi thơ thời nay tình yêu với nét văn hóa truyền thống, đặc sắc; đồng thời chứa đựng thông điệp về sự sáng tạo của ông cha” - ông Sinh chia sẻ.