Ngoại thành rộn ràng khí thế xuân

Bài và ảnh: Nguyễn Mai| 15/01/2023 20:40

(HNNN) - Năm Nhâm Dần 2022 khép lại, hòa nhịp cùng Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoại thành Hà Nội tiếp tục có những đổi thay tích cực, ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Xuân mới 2023 đang gõ cửa xóm làng, mang theo khí thế thi đua sản xuất tràn đầy năng lượng tích cực.

Ông Phạm Văn Hùng, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) thu hoạch táo để đưa ra thị trường dịp Tết.

Kinh tế phát triển, làng xã khang trang

Những năm gần đây, Liên Trung là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất của huyện Đan Phượng. Theo ông Nguyễn An Sơn, Chủ tịch UBND xã Liên Trung, năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đẩy lùi nên người dân sản xuất, kinh doanh khấm khá hơn các năm trước. Cả xã Liên Trung có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lâm sản. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt hơn 84 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức bình quân các xã khu vực nông thôn Hà Nội (ước đạt 56 triệu đồng).

Đặc biệt, đón xuân mới Quý Mão, người dân Liên Trung có thêm niềm vui khi vườn hoa cây xanh khu trung tâm xã quy mô hơn 3ha, kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Đây là một trong những vườn hoa cây xanh kết hợp với sân bóng, quảng trường... có quy mô lớn nhất của huyện Đan Phượng, giúp nhân dân có thêm không gian xanh để nghỉ ngơi, thư giãn và tập thể dục - thể thao. Trong những ngày cuối năm, xã Liên Trung được Thành phố thẩm định đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.

Ông Vũ Đình Hân, Trưởng thôn 2, xã Liên Trung, cho biết thêm: Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để chỉnh trang làng xóm. Với sự chung sức đó, năm 2022, thôn được trao giải nhất cuộc thi “Xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” do huyện Đan Phượng tổ chức. Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tốt hơn nên chợ quê ngày gần Tết vô cùng sôi động.

Từ Đan Phượng, vượt sông Hồng sang các xã Dục Tú, Vân Nội, Nam Hồng... của huyện Đông Anh, đâu cũng thấy rộn ràng không khí đón Tết. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đình Tràng Thân Quang Hoãn thông tin: Công trình cải tạo ao làng Đình Tràng rộng 4.000m2 vừa mới hoàn thiện để nhân dân có thêm chỗ vui xuân văn minh, sạch đẹp. Công trình gồm các hạng mục như kè ao, làm đường quanh ao, trồng cây xanh... với vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, thôn còn vận động nhân dân đóng góp để lắp đặt ghế đá, dụng cụ tập thể thao ngoài trời. “Những năm trước đây, do quản lý đất đai chưa chặt chẽ nên ao Đình Tràng bị 28 hộ dân chiếm dụng, diện tích chỉ còn khoảng 2.000m2. Khi có chủ trương cải tạo ao, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ lấn chiếm trả lại mặt bằng. Nhận thức được vấn đề nên các hộ đã trả lại đất để công trình được triển khai thi công đúng tiến độ” - ông Hoãn nói.

Với người dân xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), nơi có di tích - thắng cảnh chùa Hương, những ngày đầu năm mới là thời điểm nhân dân trong xã bước vào mùa kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan kéo dài suốt 3 tháng xuân hội. Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Triều cho biết: Dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn ở Hương Sơn, mang lại thu nhập cao cho nhân dân. Hiện cả xã có 41 cơ sở lưu trú, gần 4.300 thuyền đò, 39 cơ sở kinh doanh ăn uống, hơn 340 cơ sở bán buôn bán lẻ hàng hóa... Ước giá trị từ thương mại dịch vụ trên địa bàn xã đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Từ lợi thế đó, với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng hàng hóa, phương tiện thuyền đò... để sẵn sàng phục vụ du khách trong những ngày đầu năm mới... Các băng rôn, khẩu hiệu, cờ hội, cờ Tổ quốc được treo trên các tuyến đường, nơi công cộng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thể hiện quyết tâm của cán bộ và nhân dân trong xã trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm mới...

Nhân lên niềm vui

Ngày cận Tết Nguyên đán nhưng gia đình ông Phạm Văn Hùng, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) vẫn tất bật thu hoạch “trái ngọt” ngoài đồng. Ông Hùng cho biết, gia đình thuê thầu 9ha đất công của xã cùng đất sản xuất của các hộ dân không có nhu cầu làm ruộng để trồng ổi Đài Loan và táo đại. Khoảng 5 - 7 ngày là gia đình lại hái được một đợt quả khoảng 1 tấn táo, nửa tấn ổi. Sản xuất theo hướng VietGAP và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn táo đại của gia đình có mã đẹp, quả giòn và ngọt, trái to. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg táo và 25 nghìn đồng/kg ổi.

Anh Đỗ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Thượng Mỗ cho biết, toàn xã hiện có 172ha cây ăn quả. Những năm gần đây, đời sống người dân thay đổi rõ nét nhờ nguồn thu chủ yếu từ trồng bưởi tôm vàng, táo, ổi. Đến hết năm 2022, xã Thượng Mỗ đã được Thành phố đánh giá đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Tết này, trang trại của gia đình ông bà Nhung Thơ, xã Vật Lại (huyện Ba Vì), cũng có hàng vạn con gà thả vườn, con nào con nấy chắc nịch. Ông Chu Trọng Nhung, chủ trang trại cho biết, với quy mô 12ha, Tết này gia đình xuất ra thị trường hơn 1 vạn gà ta thả vườn, hàng chục vạn quả bưởi Diễn, chưa kể 2 ao thả cá với diện tích mặt nước rộng 1ha... “Toàn bộ đàn gà đã được thực hiện liên kết chuỗi sản xuất gắn với khâu tiêu thụ nên chúng tôi không lo khâu thị trường” - ông Nhung cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã huy động được gần 10.000 tỷ đồng cho chương trình. Đến hết năm 2022, Ba Vì đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đã đạt chuẩn văn minh đô thị. Đặc biệt, mô hình xây dựng thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn được huyện triển khai tốt, thu hút sự vào cuộc sôi nổi của người dân. Từ khi phát động (tháng 4-2022) đến hết năm 2022, nhân dân huyện Ba Vì đã ủng hộ hơn 64,4 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật và ngày công để trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tường, thu gom rác thải, lắp đèn chiếu sáng... Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện Ba Vì đã thực sự được “thay áo mới”.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố đã có 15/18 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng so với năm cũ. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dự kiến ở mức 0,17%, trong đó có 5 huyện không còn hộ nghèo là Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì; tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,72%.

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thời điểm hiện tại, đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đang đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, dự kiến hoàn thành mục tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng về xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến sẽ có hơn 50 xã hoàn thành, vượt nhiều so với chỉ tiêu đặt ra. Nhờ những thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội được đầu tư khang trang, kinh tế của các hộ gia đình đều phát triển. Đó là niềm vui rất lớn của nhân dân ngoại thành trước thềm năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại thành rộn ràng khí thế xuân