Ngôi chùa nghìn tuổi
Tương truyền chùa Bà Tấm được xây dựng thời Lý. Chùa vừa thờ Phật vừa thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Linh Nhân Hoàng thái hậu). Theo các tài liệu lịch sử ít ỏi còn lưu lại, Nguyên phi Ỷ Lan vốn họ Lê, sinh năm 1044 ở thôn Thổ Lỗi sau này đổi là Siêu Loại, phủ Thiên Đức. Thời nhà Nguyễn, vùng đất này thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đến năm 1961 thì nhập về Hà Nội, chính là xã Dương Xá ngày nay.
Nguyên phi Ỷ Lan xuất thân trong một gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, dịu hiền. Bà là phi tần của vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông, hai lần buông rèm nhiếp chính và có công lao to lớn trong việc trị quốc, giúp vương triều Lý hưng thịnh. Vốn là tín đồ Phật giáo, khi đã là Linh Nhân Hoàng thái hậu, bà ra lệnh xây rất nhiều chùa khắp đất nước. Dân gian tôn sùng, gọi Linh Nhân Hoàng thái hậu là “Bà Tấm” với nghĩa như Phật Bà Quan âm - hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành. Sau khi bà mất (năm 1117), người dân thờ bà ở ngôi chùa tại quê hương và gọi đó là chùa Bà Tấm.
Trải qua biến động lịch sử, chùa bị hư hại nhiều. Năm 2018, từ nguồn ngân sách huyện và kinh phí do nhân dân đóng góp, chùa Bà Tấm đã hoàn thành việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo trên cơ sở khôi phục, bảo tồn các giá trị truyền thống. Điều đặc biệt là ngôi chùa còn nhiều hiện vật quý, tiêu biểu là hai bảo vật quốc gia vừa được công nhận - gồm tượng đôi sư tử đá niên đại thế kỷ XII và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng niên đại thế kỷ XVI. Hai hiện vật này đáp ứng ba tiêu chí quan trọng để được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, nhất là liên quan đến danh nhân có công với dân, với nước là Nguyên phi Ỷ Lan.
Tượng đôi sư tử có công năng là bệ thờ Phật, kích thước lớn (cao 1,2m; rộng 1,36m) trong tư thế phủ phục, được tạo tác từ đá khối. Tượng đôi sư tử đá có chữ “Vương” trên trán, thể hiện người ra lệnh chế tạo bức tượng thuộc hoàng gia. Phần bờm, tai, quanh miệng sư tử có các biểu tượng ánh chớp, hào quang, thể hiện sức giáo hóa của Phật pháp. Tượng do người Việt chế tác, đường nét mềm mại, phong thái đủ uy nghi mà vẫn hiền hòa, xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật thế kỷ XII.
Với khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, ai đã từng một lần nhìn thấy đều trầm trồ, ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân thế kỷ XVI. Gian phòng thờ Nguyên phi Ỷ Lan giống như cung cấm sinh thời bà từng sống. Bên cạnh tượng thờ Nguyên phi Ỷ Lan còn có tượng sáu cung nữ theo hầu, càng làm nổi bật thân phận cao quý của bà. Trong khu di tích có nhiều chân tảng đá mài thời Lý, những mảnh gốm, tượng sấu đá, giếng ngọc... Đặc biệt, trong di tích còn 4 tấm bia đá cổ có niên đại thời hậu Lê, trong đó có bia niên hiệu Đức Long năm thứ 6 (năm 1635) và bia niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18 (năm 1943) ghi lại năm tu bổ chùa. Kết quả khảo cổ gần đây đã chứng minh được giá trị văn hóa - lịch sử to lớn của chùa Bà Tấm.
Sao cho xứng tầm di sản quốc gia
Từ xa xưa, người dân địa phương luôn tìm đến chùa Bà Tấm để mong tìm thấy sự thư thái, bình an. Vào những ngày tuần rằm, mùng một, người dân quanh làng thường đến chùa chiêm bái, khói nhang không dứt. Hội chùa Bà Tấm kéo dài từ ngày 19 đến 21 tháng Hai âm lịch, thu hút không chỉ người dân ở huyện Gia Lâm mà cả người từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), Văn Lâm (Hưng Yên) và du khách thập phương cùng tham dự.
Cụ Nguyễn Minh Huy, một cao niên ở xã Dương Xá cho biết: “Sau cuộc lễ chính thức của các cụ trong hội đồng, dân làng và khách thập phương dâng lễ, ra vào không ngớt. Tương truyền, sau khi tế lễ xong, lễ vật được chia đôi, riêng thôn nơi sinh của Nguyên phi Ỷ Lan được một nửa, nửa kia được chia cho các thôn còn lại trong xã. Trong những ngày hội, ngoài đám rước trọng thể, các trò chơi truyền thống mang tính thượng võ luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đặc biệt, mỗi năm hội đều có phường hát ở các nơi đến hát suốt mấy ngày trời. Ngoài ra, các phường chèo, tuồng khác cũng đến góp vui cho hội thêm sôi nổi”.
Với lợi thế nằm sát quốc lộ 5, lại là di tích mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử cùng hệ thống hiện vật quý giá còn lưu giữ được đến ngày nay, chùa Bà Tấm sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách. Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho biết: Chùa Bà Tấm cùng với các di tích nổi tiếng như đền Phù Đổng (xã Phù Đổng), chùa Phú Thị (xã Phú Thị), chùa Keo (xã Kim Sơn), đình Chử Xá (xã Văn Đức) và rất nhiều lễ hội đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, tiêu biểu nhất là Lễ hội Đền Gióng (Phù Đổng), đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh cho huyện Gia Lâm.
Bên cạnh đó, huyện cũng sở hữu tiềm năng du lịch làng nghề phong phú với các làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng), gốm Kim Lan (xã Kim Lan)... “Việc liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội để phát triển các tour, tuyến với các sản phẩm đặc thù đã được huyện Gia Lâm tiến hành từ nhiều năm qua. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trong đó có việc liên kết di tích chùa Bà Tấm với các di tích và làng nghề khác trên địa bàn huyện và các vùng lân cận nhằm phục vụ nhu cầu của du khách ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến công tác phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia mới được công nhận nhằm gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các bảo vật này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân”, bà Phùng Thị Hoài Hương chia sẻ.