“Xuất khẩu”... thành bài hát
Thật ấm áp khi được vị nhạc sĩ 77 tuổi đón đến thăm ngôi nhà vườn ẩn giữa làng quê ở “Phía Tây thành phố” (tựa bài hát mới nhất của ông về Hà Nội), ngồi nghe ông đàn hát, kể chuyện âm nhạc và thưởng thức bữa cơm giản dị mà đậm tình từ những sản vật do chính vợ chồng ông nuôi trồng.
Nhạc sĩ Lê Mây sinh năm 1942, tại vùng quê Đoàn Đào, Phù Cừ, Hưng Yên. Ông nói rằng, mình có tuổi thơ chìm đắm trong những làn điệu dân ca, chèo, ca trù, chầu văn, trống quân… trù phú của Đồng bằng Bắc Bộ nên yêu thích âm nhạc. Năm 18 tuổi, chàng trai quê mạnh dạn một mình lên Hà Nội thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), đỗ đầu Khoa Nhạc cụ dân tộc. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, năm 1964, nhạc sĩ Lê Mây xung phong lên công tác tại Đoàn văn công Nghĩa Lộ (nay thuộc tỉnh Yên Bái). Năm 1970, nhạc sĩ về Hà Nội, sau đó được mời làm nhạc công tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Và ông gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến từ đó tới nay.
Được nuôi lớn, tiếp xúc, từng trải trong những “cái nôi” văn hóa, nên chất dân gian ngấm sâu vào ông, ảnh hưởng đến hầu hết các tác phẩm. Nhưng nhạc sĩ Lê Mây cho rằng, muốn ca khúc đi vào lòng người, sáng tác phải mang được âm hưởng của dân gian truyền thống và hơi thở đương đại. Ông ví von: “Người nông dân cày bừa, cấy lúa, nuôi trồng hằng ngày ra sao thì tôi cũng quần quật trên những khuông nhạc như thế”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có lần thốt lên rằng: “Lê Mây là nhạc sĩ… “xuất khẩu” thành bài hát”. Ấy là bởi ông nổi tiếng sáng tác nhanh, mỗi bài chỉ ba mươi phút. Song, nhạc sĩ Lê Mây cho rằng: “Để tìm được tứ, bật ra những nốt nhạc phải lăn xả vào đời sống, cảm nhận, chắt lọc, gạn đục khơi trong”. Đến nay, nhạc sĩ Lê Mây đã sáng tác được khoảng 400 ca khúc, phong phú về đề tài. Những ca khúc “Người là Hồ Chí Minh”, “Lời ru của mẹ”, “Chơi ô ăn quan”, “Câu lý và người thương”, “Tháng bảy”… ông sáng tác chỉ trong vòng vài chục phút, nhưng đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 2010, trong đoàn công tác của thành phố Hà Nội tại Trường Sa, nhạc sĩ Lê Mây lập kỷ lục khi sáng tác 7 bài hát về biển, đảo trong 8 ngày. Nhiều câu lạc bộ thơ ở Hà Nội rất thích mời ông đến sinh hoạt. Ông thường ngồi lặng lẽ, nghe các bài thơ mới, rồi cuối buổi sinh hoạt, thể nào ông cũng vẫy một tác giả lại, đưa bài hát phổ thơ. Ca khúc “Hóa vàng” (thơ Thủy Hướng Dương) ra đời như thế, và đã đem lại Huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2012) cho Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền, Quán quân Sao Mai 2019 phong cách dân gian cho ca sĩ Quách Mai Thy…
Bên cạnh sáng tác, Lê Mây còn nổi tiếng với việc chế tác thành công đàn T’rưng mini mang chính tên mình. Nhạc cụ đặc sắc mang âm thanh của núi rừng Tây Nguyên này là món quà lưu niệm phổ biến cho bạn bè và du khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Ông nói vui, chính nó đã nuôi nghiệp sáng tác của mình.
Gợi ra một Hà Nội đa chiều
Hà Nội - nơi nhạc sĩ Lê Mây gắn bó phần lớn cuộc đời mình, được ông dành nhiều tâm huyết sáng tác, trong đó có những ca khúc được giới chuyên môn và công chúng đánh giá là hay nhất về Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến là ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”. Lướt tay trên những phím đàn trong căn nhà ở phía Tây Hà Nội, giọng ông ngân vang: “Ơi, kinh thành ngàn năm, ngàn năm/Qua nắng mưa thời gian, thời gian/Qua bão giông đạn bom, đạn bom/Vẫn uy nghiêm rêu phong, rêu phong Hà Nội/Vẫn thơm hương từng trang, từng trang Hà Nội”.
Nhạc sĩ kể rằng, tác phẩm này ra đời rất kỳ diệu. Từ năm 1997, khi Hà Nội có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ đã nghĩ đến việc sáng tác một ca khúc rộng hơn, khái quát hơn về Thủ đô hôm nay, sau 1000 năm thăng trầm. Ấy vậy mà trăn trở mãi, ông chỉ viết được 4 câu đầu. Bẵng đi 3 năm, năm 2000, Hội Nhạc sĩ Việt Nam động viên tham gia trại sáng tác tại Vĩnh Phúc. “Gần một tuần tôi vò đầu, bứt tai, đi ra đi vào không bật được tứ nhạc nào. Đến đúng đêm cuối cùng trước khi rời trại sáng tác, tôi mơ thấy kinh thành sương khói hiện lên lung linh, huyền ảo. Thế là tôi bật dậy vơ bút viết. Sau nửa giờ, tôi gọi nhạc sĩ Vũ Thiết cùng phòng dậy hát cho nghe. Ông ấy chỉ nói một từ: Tuyệt vời!”, nhạc sĩ Lê Mây kể lại. Từ đó, ca khúc không thể thiếu trong những chương trình nghệ thuật về Hà Nội, chắp cánh cho những giọng ca đậm chất dân gian đương đại như Nghệ sĩ ưu tú Minh Ánh, Trọng Tấn…
Cùng với đó, nhạc sĩ Lê Mây cũng được yêu thích với các bài hát: “Đêm thu Hà Nội” - ca khúc đầu tiên ông sáng tác về Hà Nội; “Quê hương ơi, Hà Nội ơi” - lời cảm ơn quê hương Hưng Yên sinh ra ông và Hà Nội đã nuôi dưỡng cảm hứng âm nhạc; “Trăng về phố” - ca khúc mang âm hưởng ca trù đặc sắc; “Cà phê chiều Yên Phụ” - cảm xúc trước vẻ đẹp lãng đãng của Hồ Tây…
Mươi năm gần đây, nhạc sĩ rời hẳn phố về Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) ở “ẩn”. Những tưởng để vui thú điền viên, hóa ra ông vẫn sáng tác đều đặn. Người ta thấy Hà Nội trong âm nhạc của ông trở nên rộng mở, đa chiều, không chỉ là bóng dáng quen thuộc của phố phường, Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm mà còn có đường nét đồng quê, cánh cò bình yên, dịu dàng. Chẳng hạn như ca khúc “Phía Tây thành phố” ông vừa sáng tác hồi tháng 3-2019, hưởng ứng cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Những lời hát mang đầy hình ảnh về một ngôi nhà chính mình ẩn giữa “Làng bình yên trong phố/Phố tưng bừng trong làng/Lối mòn xưa cũ đã đổi thay/Và con đường mới đang rộn ràng”… khiến ai cũng muốn dừng chân ở vùng quê ấy. Nhạc sĩ chia sẻ: “Nhiều khi bế tắc, chỉ cần bước ra vườn, cuốc đất, trồng cây, nghe tiếng nước chảy, cá quẫy, chim hót là giai điệu lại bật ra”.