Không biết ai đã nghĩ ra chiếc mũ rơm cho học trò, tôi chỉ nhớ niên học 1967 - 1968, khi vào lớp 2, tôi đã theo chị tôi, khi ấy đang học lớp 6, học tết mũ rơm. Chúng tôi phải chọn những cọng “rơm cái” thật dài, xếp và ép thật chặt các cọng thành lõi rơm có đường kính khoảng 1,5 - 2cm rồi buộc thắt nút từng đoạn ngang lõi cho chắc. Lõi rơm dài đến đâu, phải khéo léo xếp và buộc thành hình của chóp mũ và vành mũ đến đó, cẩn thận từng chút sao cho đẹp. “Chỉ tiêu” cô giáo chủ nhiệm giao cho phụ huynh là bảo đảm mỗi học sinh phải đội một chiếc mũ rơm đến lớp.
Với lũ học trò lít nhít thò lò mũi xanh như chúng tôi, lúc đầu, đội chiếc mũ rơm khó chịu lắm, vì khá nặng so với mũ nan nên chẳng đứa nào muốn đội. Nhưng rồi một sáng, máy bay Mỹ ném bom bi ở xã bên, gây thương vong cho nhiều người, từ đó đứa nào đứa nấy ngoan hẳn. Đội mũ rơm đến lớp trở thành thói quen hằng ngày.
Chúng tôi gọi mũ rơm là "cái nồi bằng rơm". Mỗi khi nghe tiếng loa báo động có máy bay địch oanh tạc là tất cả nhanh nhẹn đội mũ, chạy xuống hầm chữ A. Gọi là hầm chữ A vì hình dáng hầm từ cửa đến mái tựa như chữ A. Lòng hầm chứa được gần hai chục học sinh. Ngày nắng không sao, chứ ngày mưa, đất lép nhép bùn, hơi xông lên nồng nồng. Ngồi trong hầm nghe máy bay Mỹ rít trên đầu quả là một cực hình. Chờ khi có kẻng báo an, chúng tôi lên khỏi hầm thì bùn nhoe nhoét chân và ống quần. Lại rửa chân, gột bùn rồi học tiếp. Tôi học lớp 2 còn đang phải rèn chữ. Tôi lấy bút chấm vào lọ mực tím để trước mặt, nghe rõ cả tiếng sột soạt của ngòi bút chạy trên giấy. Không phải bút máy như thời nay, bấy giờ chúng tôi dùng ngòi bút bé teo như đầu chiếc lá tre, cắm vào quản bút bằng gỗ được sơn màu cho đẹp. Đây là loại ngòi bút của học trò cấp 1, được làm bằng kim loại, để cô giáo dạy tập viết và chép chính tả. Thời chiến tranh, vở ô ly cũng thiếu, chúng tôi phải viết trên giấy thếp “năm hào hai” - loại giấy màu ngà, có dòng kẻ, được bán ở cửa hàng bách hóa với giá 5,2 hào/thếp.
Đi học đều phải mang mũ đã đành, khi ra đồng hay đi chăn trâu chúng tôi cũng mang mũ, phòng máy bay Mỹ ném bom. Bạn nào có ngô luộc hay sắn, khoai nướng thì ngửa lòng mũ ra, chia cho nhau cùng ăn rồi học bài. Chiều tà, nằm trên lưng trâu, ngắm sao hôm nhấp nháy trên nền trời hoàng hôn tím nhạt, nghe tiếng sáo diều vi vu trong hương đồng thơm dịu, thật kỳ diệu biết bao!
Chiếc mũ rơm là người bạn thân thiết của tuổi học trò một thời. Nhớ lại những ngày ấy, với thế hệ đội mũ rơm đi học, được rèn luyện và lớn lên trong đạn bom khốc liệt, vẫn cho ra đời đội ngũ trí thức với tài năng được thế giới kính nể, càng thêm tin vào sức mạnh của văn hiến Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam trong những ngày gian nan "Lửa thử vàng gian nan thử sức" ấy.