Xưa và nay

Những bến tàu tránh

Phạm Kim Thanh 28/09/2023 - 15:38

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bến tàu tránh và hai tàu tránh nhau là khi được mẹ cho lên tàu điện từ bến chợ Mơ đi chơi chợ Hôm. Con tàu lăn bánh qua cổng chợ, vào khúc cong rồi dừng hẳn trong bến tránh trên phố Hàng Bài để chờ tàu từ Bờ Hồ chạy xuống.

tau-dien.jpg
Tàu điện vào bến Bờ Hồ.

Quang cảnh trước cổng chợ và bến tàu tránh với từng tốp người lên xuống tàu thật nhộn nhịp. Một bên là cổng chợ Hôm, một bên là Bách hóa. Mẹ đưa tôi vào quầy hoa quả chợ Hôm để mua táo Tàu. Những quả táo đỏ, mịn, to gần bằng chiếc bát con thơm phưng phức. Sau khi dạo một vòng qua các cửa hàng rau, thực phẩm xong, mẹ mua cho tôi kem Cẩm Bình. Ngày ấy, kem Cẩm Bình ở phố Huế ngon có tiếng. Người bán đeo phích kem lệch bên vai, đi quanh bến tàu tránh, rao: “Ai kem đây... ây...”. Bọn trẻ xúm xít quanh phích kem, ăn vặt trong khi chờ tàu. Chợt ai đó reo lên: “Có tàu về rồi...”. Mọi người tất tả ra khỏi Bách hóa và cổng chợ Hôm cho nhanh, vội vã lên tàu. Quang mây, sọt tre móc sau đuôi tàu. Ông hát xẩm vẫn ngồi chỗ cũ, nhị kéo réo rắt. Vui hẳn lên là lúc hai tàu dần dần đi ngang nhau, leng keng, leng keng... Tôi ôm làn táo, chỉ mong tàu chạy nhanh về chợ Mơ.

Đó là kỷ niệm đầu tiên và cũng là cuối cùng khi tôi lên 6 tuổi, để rồi xa Hà Nội, sơ tán về quê. Học hết cấp 1, tôi được ra nơi mẹ ở và làm việc tại Mai Dịch. Ngày ấy, cả nhà có một chiếc xe đạp Thống Nhất cũng là oách lắm rồi, nên tàu điện vẫn là phương tiện phổ biến, thuận tiện nhất của mọi người dân. Muốn bát phố thì đi bộ 3km lên bến xe điện chạy tuyến Cầu Giấy - Bờ Hồ. Mẹ đã rèn cho tôi thói quen đi tàu từ khi học lớp 5. Xe điện rời bến ở gần ngã ba đường Cầu Giấy - đường Láng rồi ngược lên phố Nguyễn Thái Học. Tôi ngồi trên xe điện xem phong cảnh, hệt như một chuyến khám phá khu vực phía tây nội thành. Từ đền Voi Phục um tùm cây cổ thụ đến Thủ Lệ mênh mông ao hồ phủ xanh bèo tây, vào đến Núi Trúc vẫn chỉ thấy bạt ngàn những lùm cây xanh. Các “cụ” xà cừ tỏa cành lá rợp mát. Cứ thế, tàu chạy đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Hàng Bột thì đường ray giao nhau với tuyến đường Bờ Hồ - Hà Đông. Mẹ bảo tôi: “Hôm nào mẹ cho con đi tiếp đến nhà bác Cả bằng tuyến tàu điện này, còn bây giờ thì đi Bách Thảo chơi”. Bách Thảo đẹp, như một khu rừng, đặc sắc nhất trong mắt trẻ thơ tôi là đàn thiên nga trắng muốt. Về nhà vẫn mường tượng thiên nga đang vỗ cánh chấp chới trên hồ, đẹp như một bức tranh thơ mộng. Lại mong ngóng ngày mẹ cho đi tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông đến nhà bác Cả.

Và ngày ấy đã đến! Ngồi nhờ ô tô của Nhà máy Dệt 8/3 đưa đón công nhân, đến Văn Miếu, theo lời mẹ dặn, tôi phấn chấn đi bộ đến ga tàu điện Hàng Bột để đến nhà bác Cả ở phố Tây Sơn. Hàng bàng xanh mướt, tỏa tán tròn như những cái ô xanh khổng lồ rợp hai bên hè phố. Đây cũng là một bến tàu tránh của tuyến Bờ Hồ - Hà Đông. Tôi lạ lùng khi nhìn nóc nhà thờ Hàng Bột cao vút ngay gần ga. Cũng vẫn cửa hàng Bách hóa, vẫn người lên xuống tấp nập, nhưng khác hẳn bến tàu tránh chợ Hôm - Hàng Bài. Ở đây, khách chờ tàu còn có nhiều cô bác là công nhân viên của Xí nghiệp Dược phẩm 1 và xã viên HTX nông nghiệp hay thợ thủ công sinh sống trong các ngõ xóm lao động của Đống Đa xuôi Hà Đông với dáng vẻ mộc mạc, chân quê. Em bé áng chừng 10 tuổi bê rổ bánh nóng hôi hổi rao: “Ai bánh mỳ đê...” rồi nhảy thoắt lên tàu. Tôi mạnh dạn ngồi vào ghế, đưa 5 xu mua vé... Leng keng, leng keng... Con tàu chở cả niềm vui sướng của tôi khi được mẹ cho đi phố một mình đến nhà bác, bỗng thấy mình lớn bổng lên.

Sau này, khi đã là sinh viên, thường xuyên qua Hàng Bột xuôi Cầu Mới, lại thấy bến tàu tránh ở Cầu Mới đẹp hẳn nhờ có “cụ” gạo cổ thụ sừng sững. Xung quanh bến là khu công nghiệp tập trung các nhà máy với đội ngũ công nhân kỹ thuật khá đông như Nhà máy Cao - Xà - Lá, Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Các anh bộ đội lớp tôi khi học năm thứ nhất còn bỡ ngỡ phố phường nên cứ chủ nhật là cuốc bộ từ ký túc xá Mễ Trì lên chợ Xanh ngó nghiêng mua thực phẩm về cải thiện, rồi lên bến tàu tránh Cầu Mới vào Bờ Hồ đi bát phố. Ai bị lạc phố cổ, cứ tìm đúng ga tàu điện Bờ Hồ, yên tâm lên tuyến Bờ Hồ - Hà Đông là về được ký túc xá Mễ Trì.

Chuyện của một thời, gắn bó với bến tàu và tiếng keng keng reo vui của những chuyến tàu điện, kể sao cho hết. Còn bến tàu tránh trước cửa chợ Đồng Xuân, đón tàu từ Thụy Khuê - Quán Thánh về, tàu từ Bờ Hồ - Hàng Đào lên, suốt ngày người xe như mắc cửi, và trong tâm thức, câu chuyện về tàu điện và bến tàu tránh luôn gợi mở để “ta lắng nghe ta” trong miền nhớ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bến tàu tránh