Từ Đa Phúc đến Nội Bài
Cái tên Nội Bài từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam và nước ngoài vì đây là sân bay quốc tế quan trọng nhất ở phía Bắc. Nội Bài ban đầu là sân bay quân sự có tên là Đa Phúc.
Đầu năm 1960, Nhà nước quyết định xây sân bay quân sự đủ điều kiện để máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh. Vị trí sân bay được xác định ở phía nam tỉnh Vĩnh Phúc. Mặt bằng xây dựng sân bay là đất ở và ruộng của các xã Bộ Lĩnh (sau đổi tên thành xã Quang Tiến), Mai Đình, Phú Minh (khi đó thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc). Phú Minh có 2 thôn phải chuyển là Đông Bài và Nội Bài. Chữ “Nội Bài” có ý nghĩa là nơi quân của Thánh Gióng xếp thành hàng nghe lệnh ngài trước khi đi đánh giặc Ân, còn Đông Bài là làng nằm ở phía đông của Nội Bài.
Trong hồi ký “Tình người Kim Anh với sân bay Đa Phúc”, ông Hồ Ngọc Thu (1920 - 2005), Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ đó kể: “Khó khăn nhất là thôn Nội Bài vốn là một vùng công giáo toàn tòng, có nhà xứ cho cả vùng. Chúng tôi đã tìm gặp vị cha xứ tên Tất. Ông là người lịch lãm, hiểu biết và nắm bắt mọi vấn đề rất nhanh.
Cha Tất hoàn toàn đồng ý với chủ trương di chuyển dân đến chỗ ở mới để nhường đất cho Nhà nước xây dựng sân bay. Ông nói và thực hiện đúng cam kết, giúp cho đoàn vận động làm công tác tư tưởng với giáo dân hoàn thành nhiệm vụ”. Thôn Đông Bài được chuyển sang xã Mai Đình, còn thôn Nội Bài chuyển toàn bộ lên xã Bá Hiến (nay là thị trấn), huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1961, công việc xây dựng sân bay bắt đầu. Sau hơn 2 năm thi công, sân bay cơ bản hoàn thành. Để cảm ơn Vĩnh Phúc, Ban quản lý sân bay đã mời các cán bộ tỉnh bay một vòng quanh sân bay mới. Vì quá đông nên phải bay hai chuyến, mỗi chuyến khoảng hai chục người bằng máy bay Li-2 của Trung Quốc. Hầu hết mọi người đều lần đầu đi máy bay nên ai cũng hồi hộp. Chiếc Li-2 bay một vòng quanh sân bay rồi hạ cánh.
Ngày 6-8-1964, một ngày sau khi đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” leo thang đánh phá miền Bắc, người dân các xã quanh sân bay được một phen hú hồn. Mọi người đang làm đồng, bỗng trên trời có tiếng gầm rú, tưởng máy bay Mỹ, mọi người lao vào hầm trú ẩn. Hai tốp máy bay, mỗi tốp 4 chiếc như lướt trên ruộng rồi hạ cánh. Mấy ngày sau, dân các xã mới biết đó là những chiếc MIG-17 do phi công Việt Nam lái từ nước ngoài về.
Tháng 4-1966, chuyên gia quân sự Liên Xô bắt đầu huấn luyện cho phi công Việt Nam kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay tại Đa Phúc. Các chuyên gia được bố trí ở trong đình và chùa thôn Phù Xá Đoài của xã Phú Minh. Thời kỳ này bảo vệ sân bay chỉ có các đơn vị pháo phòng không, chưa có trận địa tên lửa nên Đa Phúc bị máy bay Mỹ thả bom và phóng tên lửa không đối đất nhằm phá hủy sân bay. Có đêm, các phi công Liên Xô hướng dẫn học viên bay, bị máy bay F-4 của Mỹ truy đuổi, phải hạ cánh trong đêm tối trong tình trạng mù thông tin.
Để tránh thiệt hại, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh đưa những chiếc máy bay MIG quý giá, thiết bị, khí tài vào các làng xung quanh. Nhân dân các xã đã tự nguyện chặt cây, phá vườn làm đường cho xe vào, chặt rừng bạch đàn cao vút để máy bay trực thăng cẩu những chiếc MIG vào chỗ đỗ tạm. Bộ đội được chia ra ở trong nhà dân. Hằng ngày, các cụ phụ lão và thiếu nhi đi chặt lá để ngụy trang thiết bị khí tài và máy bay. Để đảm bảo bí mật, chính quyền các xã đã lập các chốt có dân quân gác, kiểm tra người lạ vào làng.
Vì Đa Phúc là mục tiêu đánh phá trọng điểm của máy bay Mỹ nên Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã lệnh cho một số thôn xung quanh sân bay phải sơ tán. Tuy nhiên, người dân các xã kiên quyết bám trụ, coi đó là nhiệm vụ chống Mỹ và trở thành điểm tựa cho bộ đội. Khi Đa Phúc bị đánh phá, nhân dân và dân quân các xã quanh sân bay là Phú Minh, Mai Đình, Quang Tiến, Tiên Dược... được huy động để san lấp hố bom.
Lại có khi sân bay bị ném bom bi, hàng nghìn người đứng chờ ở địa điểm tập kết, khi công binh báo hiệu an toàn là ào vào thực hiện nhiệm vụ. Họ san lấp, lèn chặt đất các hố bom, quét đường băng để chiếc MIG cất cánh sau không bị cát bụi hút vào trong máy gây hỏng hóc. Tháng 4-1972, Mỹ lại đánh bom miền Bắc, Đa Phúc tiếp tục là trọng điểm đánh phá. Để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu của sân bay, tỉnh đội Vĩnh Phúc đã phân công cụ thể công việc cho các xã. Trong đêm tối, hàng nghìn con người đào, gánh đất, san lấp hố bom và quét đường lăn, đường dẫn, đường băng. Ngày 30-12-1972, bị thất bại nặng nề, Mỹ phải ngừng đánh bom miền Bắc.
Ngày 28-2-1977, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam quyết định thành lập sân bay quốc tế, tên Đa Phúc đổi thành Nội Bài. Sân bay chính thức đi vào hoạt động ngày 2-1-1978. Tháng 10-1977, huyện Kim Anh sáp nhập với huyện Đa Phúc thành huyện Sóc Sơn. Ngày 29-12-1978, huyện Sóc Sơn sáp nhập vào thành phố Hà Nội.