Dốc Hàng Gà
Đoạn phố Huế từ Lê Văn Hưu đến Ngõ Huế thuộc đất thôn Giáo Phường vốn là một cái dốc. Thời Pháp thuộc, đoạn dốc này được mở mang và sầm uất hơn vì có chợ Hôm. Trên con dốc này tập trung nhiều hàng gà vịt để nhà buôn mua về bán lẻ ở các chợ trong khu phố cổ hoặc cung cấp cho người Pháp ở nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện quân y 108 ngày nay), vì vậy mà có tên là dốc Hàng Gà, và để phân biệt với phố Hàng Gà ở khu Cửa Đông nên người ta gọi là dốc Hàng Gà - Chợ Hôm.
Dốc Hàng Kèn
Phố Bà Triệu xưa, đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Du gọi là dốc Hàng Kèn. Thời Pháp thuộc, bên phía đông từ ngã ba Hàm Long đi xuống một quãng có ngôi miếu nằm dưới gốc cây thị già, nghe đồn rất linh thiêng. Do vậy, dốc có tên là dốc Miếu cây thị, dân gian thường gọi là dốc Hàng Kèn. Từ dốc Miếu cây thị có đường đất thông sang phố Hàng Kèn, tức phố Trần Quốc Toản bây giờ. Gọi như vậy không phải do chuyên bán kèn mà vì đoạn đường này nằm sát hồ Thiền Quang và hồ Liên Chiểu (đã bị lấp đi để mở phố), vắng vẻ lại xa trung tâm nên các đội kèn nhà binh, các phường bát âm mang kèn trống ra tập rồi trở thành nơi giao dịch thuê kèn trống phục vụ đám hiếu. Vết tích tên phố còn lại ngày nay là Trường Tiểu học Quang Trung thời Pháp thuộc từng có tên là trường Hàng Kèn. Cuối phố Hàm Long chỗ giáp với Đại sứ quán Pháp có một trạm biến áp, hồi bé tôi đi qua còn thấy ghi: “Trạm biến thế Dốc Hàng Kèn”.
Dốc Lương Văn Can
Trước đây, đoạn cuối phố Lương Văn Can từ Hàng Gai đến ven hồ là một cái dốc cao. Nói là một đoạn phố nhưng chỉ có một nhà ở cuối dốc là quay mặt ra phố, còn lại là những bức tường dài trổ cửa ra đường của những ngôi nhà thuộc phố Hàng Gai, Hàng Hành.
Nhiều người Hà Nội lứa 4x - 5x - 6x có kỷ niệm với con dốc này. Đi từ Hàng Gai xuống thì không cần đạp mà xe vẫn lao vun vút. Nhưng nếu ngược lên Hàng Gai thì vô cùng vất vả, phụ nữ phải xuống xe dắt bộ. Thế mà nhiều lãng tử Hà thành vẫn gò lưng đạp lên, thậm chí có chàng còn đèo cả “a-mi xinh tươi”, dù vã mồ hôi, mặt đỏ phừng phừng nhưng vẫn cố tỏ ra “phình phường”.
Dốc Hàng Than
Dốc Hàng Than vốn là con đường từ đê sông Hồng xuống khu buôn bán ở Cửa Đông. Đầu dốc sát bến sông là các lò nung vôi, xuống dốc có những nhà bán than hoa dùng cho hỏa lò, vì thế mà thành tên. Từ ngã tư Hòe Nhai đến Hàng Đậu dân cư đông đúc hơn, chủ yếu là người làng Hòe Nhai và Yên Thuận. Đoạn phố này tập trung các gia đình sản xuất và bán bánh cốm. Ngày nay, phố Hàng Than trở thành trung tâm bán bánh cốm, bánh phu thê và cung cấp dịch vụ ăn hỏi.
Dốc Ngọc Hà
Dốc tương đối cao, uốn lượn từ trên đường Hoàng Hoa Thám đổ xuống và cũng là ranh giới giữa vườn Bách thảo với làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, một máy bay B52 Mỹ bị bắn hạ đã lao đầu xuống hồ Hữu Tiệp.
Dốc La Pho
Vào khoảng năm 1886 - 1890, người Pháp chọn khu đất rộng thuộc phường Khán Xuân và làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp để xây dựng vườn thực nghiệm thực vật (Jardin d’essais). Khu vườn chia thành hai phần. Phần trên cao phía đường Hoàng Hoa Thám có diện tích trên 33ha, bao quanh phía sau quần thể dinh thự của người Pháp. Ngoài các loại cây sẵn có, người Pháp còn sưu tập các giống cây bản địa quý hiếm từ Bắc chí Nam và trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ khắp thế giới. Để tăng sự hấp dẫn, dọc theo lối đi người ta xây các chuồng nuôi thú, vì vậy ngoài tên “vườn bách thảo” khu vườn còn được gọi là “vườn bách thú”. Phần thấp phía đường Thụy Khuê là vườn ươm trồng các giống cây bản địa hoặc nhập ngoại như ti gôn, hoa giấy, ngọc lan (hoa lan tây), loa kèn (huệ tây), lay ơn, các loài cúc, thược dược... Nhờ thành quả của vườn thực nghiệm và vườn ươm mà nhiều loại cây cảnh, cây hoa quý và cây xanh lấy bóng mát đã tô điểm thêm cho các công sở, biệt thự, đường phố Hà Nội.
Vị giám đốc đầu tiên có công tạo dựng vườn thực nghiệm thực vật và vườn ươm là nhà khoa học người Pháp Laforge, nên khu vườn được gọi là vườn ươm Laforge. Con dốc dài 300m gấp khúc tương đối cao đi từ đường Hoàng Hoa Thám xuống phố Thụy Khuê sát tường rào vườn ươm cũng được người dân gọi là dốc La-pho (phiên âm tiếng Việt từ Laforge).
Dốc Tam Đa
Cũng là một con dốc cao nối đường Hoàng Hoa Thám với phố Thụy Khuê. Cái tên dốc cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người giải thích rằng xưa ở con dốc này từng có 3 cây đa trồng cạnh nhau theo hình tam giác. Nhưng qua khảo cứu tài liệu thì tên Tam Đa có nguồn gốc như sau: Thời Pháp thuộc có một người tên là Tạ Văn Trạc. Ông này học trường kỹ nghệ Tây và từng dự hội chợ đấu xảo Toulouse. Sau khi về nước, ông mở cơ sở sản xuất dầu gió, dầu xoa bóp ở con dốc này và gọi là nhà thuốc Ích Phong. Trước cửa nhà thuốc bày bộ tượng Phúc - Lộc - Thọ bằng sành nên dân chúng gọi là nhà thuốc Tam Đa. Năm 1954, gia đình ông này di cư vào Nam, hiệu thuốc trở thành khu đất Nhà nước quản lý nhưng cái tên Tam Đa vẫn in đậm trong ký ức người Hà Nội (theo “Hà Nội tản văn - Làng, ngõ, vỉa hè” của Tô Hoài). Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn cũng ghi: “Tên dốc Tam Đa là do ở đây có nhà thuốc Ích Phong bán dầu cù là có bày bộ tam đa ở cửa mà thành tên dốc”.
Dốc Tập lái
Năm 1899, để xây dựng ga Hàng Cỏ và nhà Đấu xảo ở phố Trần Hưng Đạo, chính quyền thành phố cấp đất xây dựng trường đua mới gần vườn Bách thảo. Người Hà Nội thường gọi là sân Quần Ngựa, nay là Cung thể thao tổng hợp nằm giữa phố Đội Cấn và đường Hoàng Hoa Thám.
Trước khi có sân Quần Ngựa, phố Đội Cấn là con đường từ chợ Ngọc Hà lên đê Bưởi chưa có tên. Tên đầu tiên trên bản đồ Hà Nội ghi là “Route du Champ de Courses”, có nghĩa là “Đường đến bãi Quần ngựa”. Vì mới mở, hai bên chủ yếu là ruộng đồng, dân cư thưa thớt nên con đường rất thích hợp cho những người mới tậu ô tô đến đây tập lái. Cuối đường là một cái dốc cao lên đê Bưởi, một địa hình lý tưởng để các tay lái mới tự sát hạch trình độ điều khiển ô tô leo dốc, xuống dốc, vì thế mà có tên dốc Tập lái. Ngày nay, cái tên dốc Tập lái chỉ còn ít người biết đến, rất may là trong hành trình một số tuyến xe buýt chạy trên đường Bưởi vẫn có một bến đỗ mang tên “bến Dốc Tập lái” tại vị trí số nhà 202 Đường Bưởi.
Dốc Thọ Lão
Nhiều người Hà Nội xa xứ vẫn nhắc đến dốc Thọ Lão. Sở dĩ có tên thế là vì ở cuối dốc có ngôi chùa Thọ Lão xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Đó là một cái dốc tương đối cao nối phố Lò Đúc với một khu đất rộng, thông sang khu vực đền thờ Hai Bà Trưng và Chợ Giời. Khu đất này chứa trong lòng nhiều khu tập thể của Nhà máy Rượu, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, Bộ Lâm nghiệp, ký túc xá Đại học Dược... Ngày nay, dốc này đã được gắn biển tên phố “Dốc Thọ Lão”.
Dốc Bác Cổ
Dốc Bác Cổ từ đường Trần Quang Khải lên mặt đê sông Hồng và từ mặt đê chạy thẳng xuống đường Bạch Đằng. Vị trí dốc ở gần Bảo tàng Lịch sử (xưa là Viện Viễn Đông Bác cổ) mà thành tên. Xưa kia, dốc Bác Cổ chỉ là đường đất, trời nắng bụi mù, mưa thì lầy lội. Cư dân gốc ở đây chủ yếu là các gia đình vạn chài ở sông Hồng lên bờ định cư hai bên dốc, chuyển sang kinh doanh nghề gỗ. Một số gia đình làm nghề vận chuyển cát, sỏi, tre, nứa, lá bằng xe bò kéo. Dần dần có nhiều gia đình trong phố cũng ra đây mua đất làm nhà, nhờ thế con dốc ngày càng đông đúc, sầm uất.
Ngày nay dốc Bác Cổ trở thành một trung tâm ẩm thực phong phú với nhiều nhà hàng hải sản tươi sống.
Dốc Vĩnh Tuy
Trước năm 1960, phố Minh Khai là một con đường chưa được đặt tên chính thức. Đoạn từ ngã tư Trung Hiền (tức ngã tư chợ Mơ) đi qua địa phận làng Hoàng Mai người dân gọi là phố Chùa Mới hay còn gọi là phố Chùa Hưng Ký (do khu vực này có ngôi chùa Hưng Ký của nhà tư sản chuyên sản xuất gạch ngói xây dựng nên). Đoạn tiếp theo qua địa phận làng Mai Động có tên là phố Mai Động. Đoạn còn lại qua làng Vĩnh Tuy đến đê sông Hồng là một cái dốc khá cao có tên là phố Dốc Vĩnh Tuy. Từ trên mặt đê (nay là đường Nguyễn Khoái), con dốc đổ xuống và chia thành hai đường, một rẽ vào làng Vĩnh Tuy, một là đường gẫy góc ăn vào đầu phố Minh Khai ngày nay. Dân ở đây phần lớn là người từ bãi cát sông Hồng di cư vào.
Từ ngày có cầu Vĩnh Tuy nối hai bờ sông Hồng qua khu vực này, ấn tượng về một cái dốc cao mang tên dốc Vĩnh Tuy cũng biến mất.