Phục dựng nhiều nghi thức truyền thống tại Lễ hội chùa Láng 2023

Nguyễn Thanh| 26/04/2023 12:33

(NSHN) - Sáng 26-4 (tức mùng 7 tháng 3 âm lịch), tại chùa Láng, quận Đống Đa diễn ra lễ khai hội chùa Láng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự. Năm nay, lễ hội chùa Láng phục dựng toàn bộ nghi thức truyền thống, đã làm nên nét độc đáo riêng có của hội xuân xưa vùng kẻ Láng.

Đây là lần đầu tiên sau 70 năm, Lễ hội chùa Láng khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền, trong đó nổi bật là nghi thức “độ hà” rước kiệu lội sông và “đấu thần”, hội trận độc đáo trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn phát biểu tại lễ khai hội.

Trước đó, ngày 25-4 (tức mùng 6 tháng 3 âm lịch), nhân dân địa phương đã thực hành nghi thức dâng hương hoa lễ vật tại chùa Tam Huyền, nơi thờ Đức Thánh Phụ - cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh; tổ chức lễ khao thỉnh, bao sái, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thánh và kiệu Tứ trấn ra ngự tại nhà Bát Giác. Ngày 26-4 (mùng 7 tháng 3 âm lịch) là ngày chính hội với nghi thức rước kiệu Thánh từ chùa Láng tới nhiều điểm di tích dọc sông Tô Lịch, tại đây mỗi địa điểm lại gắn với một dấu mốc trong cuộc đời Đức thánh Thiền sư Từ Đạo Hạnh, như: Chùa Nền, chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng…, trước khi quay trở lại điểm xuất phát. Ở mỗi điểm đến đều diễn ra những hoạt động sôi nổi khác nhau để mừng hội Láng.

Lễ hội chùa Láng chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội. Đó cũng là bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm… đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ tạo thành biểu tượng của vũ trụ, thiên tử và Phật pháp, qua đó góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương.

Nghi thức "độ hà" trong lễ hội chùa Láng.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn khẳng định: Mỗi di tích lịch sử, lễ hội văn hóa là một địa chỉ đỏ góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam. Lễ hội chùa Láng là một trong các lễ hội đặc trưng của khu vực đồng bằng Châu thổ Sông Hồng. Lễ hội không chỉ quy tụ người dân trong vùng mà còn thu hút đông đảo du kích từ nhiều địa phương về dự, được coi là lễ hội “Liên vùng” có khả năng ảnh hưởng và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống cao quý của dân tộc.

Lễ rước với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện.

Chùa Láng, nơi Đệ nhất Tùng lâm phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, đã trường tồn theo thời gian, tạo dựng nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chùa Láng tên chữ là “Chiêu Thiền Tự” được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông (thế kỷ 12) thờ Phật và thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, hiện thân của Ngài là vua Lý Trần Tông, là 1 trong 12 di tích tiêu biểu của Thủ đô được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước vào năm 1962. Chùa để lại trong lòng người dân Thủ đô là chốn “Thiền Tâm” với hệ thống công trình kiến trúc được xây dựng bề thế, cân xứng với cảnh quan thiên nhiên, tạo nên một tổng không gian linh thiêng, cổ kính.

Cũng tại lễ khai hội, 9 cây muỗm và 3 cây nhãn trong khuôn viên chùa Láng đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam được gắn biến công nhận Cây di sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phục dựng nhiều nghi thức truyền thống tại Lễ hội chùa Láng 2023