Rộn ràng xuân hội Vĩnh Tuy Ðoài

Bài và ảnh: Hà Lê| 16/02/2023 06:48

(HNNN) - Làng Vĩnh Tuy (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là vùng đất có nhiều giai thoại lịch sử hào hùng, giàu truyền thống văn hóa. Một trong những dấu ấn văn hóa lâu đời tại đất này là hội đình Vĩnh Tuy Đoài được tổ chức vào mỗi dịp đầu năm mới.

Đội tế nam và tế nữ của hội đình Vĩnh Tuy Đoài.

Nét truyền thống vàng son

Đình Vĩnh Tuy Đoài được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, trên đất trang Vĩnh Hưng nằm ở phía đông nam kinh thành Thăng Long, nay thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Đình thờ hai vị nhân thần là Đức Thánh Ông Nhã Cát Linh Ứng Đại Vương và Đức Thánh Bà công chúa Nguyệt Nga Chính Thiện phu nhân Trung Đẳng Thần, những người có công khai dân lập ấp, góp phần chống ngoại xâm.

Từ thế kỷ XV đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Vĩnh Tuy Đoài luôn gắn bó với đời sống và là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư làng Vĩnh Tuy. Nhiều người cao tuổi ở địa phương còn nhớ, trong không khí sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân thường tập trung tại đình dự lễ mít tinh ủng hộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng là nơi trú quân của bộ đội, là nơi tập kết lương thực để phục vụ cho bộ đội và nhân dân nội thành, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Đình cũng là nơi chức sắc, các vị bô lão họp bàn việc làng và là nơi tổ chức lễ hội.

Ông Dương Văn Côn (80 tuổi), thành viên của Tiểu Ban quản lý di tích đình Vĩnh Tuy Đoài tự hào chia sẻ: “Đình được lập từ năm 1471 nhưng không ai biết hội đình được tổ chức từ bao giờ. Chỉ biết hội được tổ chức nhằm đề cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với các bậc tiền nhân. Từ xưa đến nay, hội đình là một sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng và là lễ hội được mong chờ nhất của người dân nơi đây”.

Trong một năm, đình làng Vĩnh Tuy Đoài có 6 ngày lễ chính (tính theo âm lịch) là ngày 15-1 (lễ Thượng nguyên), ngày 1-2 (hội xuân), ngày 1-4 (lễ vào hè), ngày 1-7 (lễ ra hè), ngày 10-8 (hội hè) và cuối cùng là ngày 1-12 (lễ tất niên). Hội xuân và hội hè được tổ chức hầu như giống nhau về mặt hình thức, song hội xuân thường được tổ chức đầy đủ với hai phần lễ và hội, còn hội hè chỉ có phần lễ.

Thi bày mâm ngũ quả.

Nối dài nét đẹp văn hóa

Hội xuân ở đình Vĩnh Tuy Đoài diễn ra trong 2 ngày, gồm ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 1 tháng Hai (âm lịch). Vào những ngày này, đình được trang trí vô cùng đẹp đẽ, màu sắc rực rỡ, không khí náo nhiệt tươi vui, người người từ mọi nơi quanh vùng đổ về tham gia lễ hội.

Vào ngày 30 tháng Giêng, đình tổ chức phần hội, thường có những trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co, cờ tướng, thổi cơm niêu... Mở màn phần hội là tiết mục múa lân; theo quan niệm dân gian, lân đến nhà là để xua đuổi những điều xui xẻo và mang điều may mắn đến. Sôi động hơn cả là phần thi thổi cơm niêu. Người dự thi mặc những bộ trang phục truyền thống, áo tứ thân, váy lụa màu đen, yếm trắng, đầu chít khăn mỏ quạ và lưng thắt dải lụa. Họ cần phải chuẩn bị dụng cụ như đòn gánh, niêu cơm, lửa, củi để tham gia thi.

Cuộc thi bắt đầu khi có trống lệnh, mỗi người của mỗi đội nhanh chóng quẩy gánh lên vai đi vòng quanh khu vực đình làng. Sau đó, các đội sẽ thực hiện phần thi nấu cơm của mình theo nhịp trống. Yêu cầu đặt ra là các đội thi phải có sự phối hợp nhịp nhàng để cơm chín, thật dẻo. Bà Dương Thị Bích Đào (55 tuổi, người dân làng Vĩnh Tuy) chia sẻ: “Tôi rất thích tham gia hội làng vì đây là nơi hiện hữu đầy đủ nét đẹp của truyền thống văn hóa. Hội làng cũng là cơ hội để người dân trong làng gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau tham gia các trò chơi... khiến sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt”.

Tiếp đó, ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch là phần lễ. Những người trực tiếp tham gia hành lễ thường là lão niên và trung niên trong đội hình dàn tế nam, tế nữ của đình. Không phải lão niên nào cũng có thể trở thành thành viên của đội tế nam, tế nữ.

Ông Dương Văn Liệt, chủ tế của đội tế nam cho biết: Thành viên của đội tế nam, tế nữ phải là người trong làng, có sức khỏe, đạo đức tốt, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, trong năm tế lễ gia đình không có tang sự, con cháu phải ngoan ngoãn, dòng họ làm việc thiện lành. Việc lựa chọn chủ tế còn khắt khe hơn. Người được chọn làm chủ tế phải được sự công nhận của Hội Người cao tuổi và chính quyền địa phương, bản thân gia đình chủ tế cũng phải là gia đình mẫu mực. Điều đáng tự hào của hội đình Vĩnh Tuy Đoài có lẽ nằm ở đội tế này.

Ông Dương Văn Liệt cho biết thêm: “Năm nào đình cũng tổ chức hội, tuy vất vả nhưng vì sự háo hức của bà con nên ai cũng cố gắng hết mình để lễ hội diễn ra suôn sẻ. Trước lễ hội ba ngày, các cụ trong Tiểu ban quản lý di tích đình sẽ phối hợp với lực lượng dân quân treo băng rôn, cờ màu, cờ hội dọc tuyến phố Vĩnh Tuy để tuyên truyền về lễ hội và niêm yết thông báo chương trình lễ hội tại cổng đình. Cũng trong khoảng thời gian đó, Tiểu ban quản lý di tích đình sẽ phân công thành viên mua sắm lễ vật, chuẩn bị hậu cần, trang trí...”.

Thi thổi cơm niêu trong hội đình Vĩnh Tuy Đoài.

Trong lễ dâng thành hoàng làng, đội tế nam, tế nữ cần phải dâng đủ ba bài sớ khác nhau, bao gồm văn tế Cáo yết, văn tế Lễ Chính thống và văn tế Tạ Hội. Văn tế Cáo Yết được coi là lời kính báo tới các vị thánh chúa trong đình để việc tổ chức lễ hội diễn ra một cách suôn sẻ. Cảnh dàn tế nam, tế nữ cùng cất giọng tế chậm rãi mà hào hùng, trang nghiêm trong tiếng trống, chiêng càng làm cho không khí lễ hội mang màu sắc linh thiêng. Sau khi hành lễ, đoàn sẽ rời sang Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở phố Dương Văn Bé để làm lễ chính, cuối cùng là quay trở lại đình Vĩnh Tuy Đoài để hành lễ tạ hội, đánh dấu sự kết thúc của lễ hội xuân.

Hội đình Vĩnh Tuy Đoài kết thúc trong khung cảnh rạo rực của mùa xuân, trời đất chuyển mình thay áo mới, người người ra về nhưng dấu ấn của hội xuân còn đọng lại. Nét đẹp hội xuân đình Vĩnh Tuy Đoài, vì thế, được bảo tồn qua bao thế hệ, như nốt nhạc cổ truyền ngân vang mãi trong bản nhạc văn hóa của toàn dân tộc, nhắc nhở con cháu luôn nhớ tới cội nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng xuân hội Vĩnh Tuy Ðoài