Sáng tạo vì tình yêu Hà Nội

Bảo Châu| 24/04/2023 16:01

(HNMCT) - Hà Nội là nguồn cảm hứng lớn cho sáng tạo văn học nghệ thuật, trở thành đề tài cho nhiều cuộc thi thiết kế các không gian công cộng. Nhìn vào những sản phẩm, dự án thiết kế này, có thể thấy niềm say mê, tình yêu, trách nhiệm của những người tham gia với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Từ ý tưởng sinh động...

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1998, tại Nghệ An) tốt nghiệp khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đang công tác tại Công ty Cổ phần IDEE (IDEE Architects), là người có nhiều giải thưởng thiết kế sáng tạo về Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến là giải Nhất tại hạng mục “Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo” trong cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội năm 2021, hay một số giải thưởng khác, như Giải Hội đồng cuộc thi Thiết kế kiến trúc cảnh quan Quảng trường Trần Đại Nghĩa - Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2022, đồng giải Nhì cuộc thi Thiết kế ngôi nhà mơ ước 2021 - 2022 (lần thứ 3) với chủ đề “Cá tính của không gian ở”, Giải đề cử cuộc thi Thiết kế nhanh 72h - Vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” năm 2022...

Nguyễn Văn Tú tâm đắc nhất với tác phẩm “Hà Nội phố cổ - Nghìn năm văn hiến”, không chỉ vì nó mang đến cho anh giải Nhất tại hạng mục “Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo” trong cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội năm 2021 mà còn bởi những gửi gắm nhiều tầng ý nghĩa. Lấy cảm hứng thiết kế từ quá trình đô thị hóa của Thủ đô với sự biến đổi về cuộc sống, con người, kiến trúc xưa và nay, dự án gửi gắm thông điệp lưu giữ nét cổ truyền trong đời sống mới. “Dù phát triển vượt bậc nhưng mảnh đất Thăng Long - Hà Nội vẫn mang trong mình những yếu tố truyền thống xứng đáng với lịch sử nghìn năm tuổi hào hùng. Đó là nét văn hóa rất riêng mà không nơi nào có được” - anh nhấn mạnh.

Cũng giống như Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Kiên Tố (tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, hiện công tác tại Công ty VNT Architects) cũng sinh năm 1998, đến từ Nghệ An và có niềm đam mê sáng tạo về Hà Nội. Trong cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội năm 2021, nhiều người ấn tượng với tác phẩm “Quận đường tàu 4.0” của anh và cộng sự bởi những ý tưởng “độc lạ” mà tác phẩm mang lại. Tác phẩm này sau đó đã giành giải Nhất tại hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng” dành cho đối tượng bán chuyên nghiệp và không chuyên. Không dừng ở đó, nhóm của Tố đã giành giải Hội đồng hạng mục “Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo” với tác phẩm “Low Garden”.

Chia sẻ về ý tưởng ra đời tác phẩm “Quận đường tàu 4.0”, kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố cho biết: “Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm trong kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô. Theo khảo sát, khoảng 90% diện tích của nhà máy sẽ biến thành các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại, chỉ 1% dành cho trường học và để làm đường. Ngày nay, nhu cầu về không gian sáng tạo đang tăng lên từng ngày. Hiểu được điều này, chúng tôi đề xuất thiết kế không gian sáng tạo công nghệ mang tên “Quận đường tàu 4.0”. Không gian này sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các cá nhân bắt đầu Start-up (khởi nghiệp) về công nghệ cũng như kết nối đến người tiêu dùng như sinh viên, các nhà đầu tư, khách du lịch... Ngoài các không gian sáng tạo, nơi đây còn phát triển các không gian dịch vụ, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của những người ở và làm việc tại đây”.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tú thuyết trình về đồ án “Hà Nội phố cổ - Nghìn năm văn hiến”.

... Đến hiện thực sống động

Giành giải ý tưởng sáng tạo ứng dụng xuất sắc nhất với tác phẩm “Hanoi in Hanoi” trong cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, tác giả Đoàn Phi Long (sinh năm 2000, tại Quảng Ninh, hiện là sinh viên năm thứ 4 khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đang bắt tay hiện thực hóa ý tưởng này. Đây là dự án nghệ thuật công cộng với hy vọng mang những giá trị của lịch sử đến gần hơn với mọi người. Vị trí được chọn để thực hiện dự án là các điểm di tích và các tuyến đường xung quanh di tích của Thủ đô, những vị trí này giống như cầu nối gắn kết các hoạt động của xã hội hiện đại với di sản trong thời đại mới.

Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng này, tác giả Đoàn Phi Long cho biết: “Từ trải nghiệm bản thân khi du lịch trong phố cổ, nhận thấy các di tích đang dần xuống cấp và tương phản mạnh mẽ với bối cảnh phát triển đô thị hiện nay, tôi tự đặt câu hỏi rằng, liệu một ngày nào đó công trình đó biến mất thì ai sẽ ghi lại lịch sử của nó. Khi xem bộ ảnh Hà Nội 100 năm trước và hiện nay của tác giả Das, tôi nảy ra nhiều ý tưởng cho dự án này. Dự án sẽ truyền thêm cảm hứng tới cộng đồng và tạo ra sự kết nối mạnh mẽ”.

Dự án đã được UBND quận Hoàn Kiếm chọn để triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 11 năm nay. Theo tác giả Đoàn Phi Long, dự án này được triển khai sẽ tạo ra một mạng lưới kết nối di sản lịch sử - văn hóa với khách du lịch, giúp họ có trải nghiệm thú vị khi tham quan Thủ đô.

“Dự án hứa hẹn là một “tấm bản đồ” mới mẻ, dẫn chúng ta len lỏi vào trong không gian văn hóa, phát hiện những giá trị xưa cũ và ghi lại chúng bằng chính góc nhìn lịch sử. Mạng lưới giống như phương tiện ngưng đọng thời gian, giúp người xem liên tưởng tới lịch sử của di tích, hiểu hơn về quá trình hình thành và tác động của thời gian lên di tích” - anh nhấn mạnh.

Đóng góp nhiều hơn cho Hà Nội

Gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Thủ đô, với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tú, Hà Nội là nơi tạo cơ hội cho anh thu nạp kiến thức và trưởng thành.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mày mò, nghiên cứu, sáng tạo hơn nữa để có những đóng góp ý nghĩa, thiết thực cho không gian công cộng ở Hà Nội. Qua đây, tôi cũng hy vọng chính quyền Thủ đô và Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế cho cộng đồng để tôi và các đồng nghiệp có cơ hội được thể hiện năng lực, trí tuệ và tình yêu của mình với mảnh đất này” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Tú bộc bạch.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố cho rằng, hiện Hà Nội có khá nhiều không gian cho cộng đồng nhưng với mật độ dân số đang ngày càng tăng lên thì các không gian xanh, không gian công cộng cần được nhân rộng hơn nữa. “Tôi đang hỗ trợ tác giả Đoàn Phi Long hiện thực hóa dự án “Hanoi in Hanoi”, còn dự định xa hơn là nghiên cứu và đưa ra một số đề xuất mới nhằm nâng cao chất lượng cho các không gian công cộng ở Hà Nội” - kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố nói.

Những ý tưởng, tác phẩm sáng tạo nói trên như một minh chứng cho thấy Hà Nội có đủ nhân lực và vật lực để xây dựng một thành phố sáng tạo mang bản sắc riêng. Điều đó cũng cho thấy Hà Nội mãi là “nàng thơ” của nhiều nghệ sĩ. Và, có sự góp sức của họ, không gian công cộng ở Hà Nội sẽ tiếp tục được mở rộng, hiện đại, văn minh, phù hợp với xu thế của thời đại, xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô - trái tim của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo vì tình yêu Hà Nội