Vụ đông năm 2022, UBND huyện Sóc Sơn hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ninh Cầm (xã Tân Dân) canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP trên diện tích 15ha với 243 hộ dân tham gia, đã mang lại giá trị kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Duyên (thôn Ninh Cầm) chia sẻ, bình quân một sào ngô nếp khi tham gia vào quy trình sản xuất VietGAP, gia đình thu được 6,7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 5,5 triệu đồng/sào, tương đương hơn 150 triệu đồng/ha. So với sản xuất ngô đại trà, ngô nếp trồng theo quy trình VietGAP có giá trị cao hơn khoảng 80 triệu đồng/ha…
“Canh tác ngô nếp theo quy trình VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, mà còn giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, hạn chế sử dụng thuốc hóa học gây hại cho môi trường”, bà Nguyễn Thị Duyên nói.
Ngoài cây ngô, trong những năm qua, UBND huyện Sóc Sơn còn hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ trên diện tích 140ha trồng hoa nhài tại các xã Phù Lỗ, Đông Xuân; 30ha đu đủ tại xã Nam Sơn; 30ha chè ở xã Bắc Sơn; 80ha dược liệu ở các xã Xuân Giang, Bắc Sơn…, mang lại giá trị kinh tế gấp 1,5-2 lần cây trồng truyền thống. Đặc biệt, riêng mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, đến nay, đã được huyện Sóc Sơn nhân rộng ra 17 vùng sản xuất, với tổng diện tích gần 600ha, tập trung tại các xã: Tân Hưng 220ha, Bắc Phú 203ha, Phú Minh 41ha… Hiệu quả kinh tế của trồng lúa nếp cái hoa vàng cao hơn lúa Khang dân, tăng 600.000-900.000 đồng/sào/vụ.
Theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thư, khi tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn làm sổ sách ghi chép truy xuất nguồn gốc, cách chọn giống, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục lưu hành. Ngoài ra, các hộ dân đều được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống sản xuất và giới thiệu kênh tiêu thụ sản phẩm.
Để giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 300 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân 75 triệu đồng/người/năm và ngành Nông nghiệp tăng 2,5-3%/năm, UBND huyện Sóc Sơn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ trên, huyện tiếp tục dành nguồn kinh phí đầu tư cứng hóa hệ thống kênh mương, nâng cấp các trục giao thông nội đồng, nhằm bảo đảm hạ tầng sản xuất được mở rộng, hoàn thiện. Đồng thời, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là mô hình mạ khay, máy cấy, gieo sạ, sấy máy, hệ thống bảo quản, kho lạnh…; từng bước giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác. Bên cạnh đó, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo phòng, ban, đơn vị nghiên cứu, xây dựng chính sách đồng bộ, ưu đãi nhằm kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn ở huyện Sóc Sơn hiện rất lớn. Do đó, để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện kiến nghị các sở, ngành thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh lúa nếp cái hoa vàng, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, chè an toàn… Ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là hỗ trợ đầu tư ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất đến công nghệ chế biến, sấy khô, bảo quản, đóng gói sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu các nông sản, như: “Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn”, “Chè an toàn Sóc Sơn”, “Rau hữu cơ Sóc Sơn”… giai đoạn 2022-2025. Đây cũng là giải pháp giúp nông nghiệp của Sóc Sơn phát triển ổn định, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm theo hướng bền vững.