Tết Trung thu độc đáo ở Tân Phú
Theo dòng chảy thời gian, Tết Trung thu cũng biến thiên, mang những màu sắc mới của thời hội nhập. Nhưng ở vùng quê xứ Đoài - xã Tân Phú (huyện Quốc Oai), có một Tết Trung thu bao năm nay vẫn vẹn nguyên nét truyền thống, là chất keo kết dính tình làng, nghĩa xóm...
Và khi dịp Tết Trung thu năm nay đang cận kề thì những người con quê hương Tân Phú ở khắp nơi lại đang hướng về Ngày hội trăng Rằm ở quê mình với sự háo hức, chộn rộn...
Đặc sắc kiệu tết lá dừa
Nằm ven dòng sông Đáy, mảnh đất Tân Phú ngày càng trù phú bởi những con người hay lam, hay làm, giỏi buôn bán ở muôn nơi. Theo thống kê của UBND xã Tân Phú, có tới 70% người dân trong độ tuổi lao động ở cả 3 thôn: Yên Quán, Phú Hạng và Hạ Hòa hằng ngày đi chợ buôn bán nông sản, hàng hóa ở khắp các chợ trong nội thành Hà Nội, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Dù kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, nhưng việc giữ gìn và phát huy giá trị, nét đẹp, lễ hội truyền thống quê hương luôn được cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị địa phương quan tâm.
Trong hàng loạt giá trị truyền thống mà Tân Phú nâng niu, gìn giữ và phát huy thì Tết Trung thu là phần hồn cốt không thể thiếu của người dân nơi đây. Như mạch nguồn nuôi dưỡng hồn quê, trong câu chuyện về Tết Trung thu, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào của người dân địa phương về truyền thống của Ngày hội trăng Rằm.
Không như nhiều địa phương khác, trung thu của người dân Tân Phú dường như kéo dài từ đầu tháng Tám âm lịch đến hết ngày Rằm tháng Tám. Ngay từ những ngày này, xã Tân Phú đã lên kế hoạch để cả hệ thống chính trị cùng triển khai. Với những gì đang diễn ra, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi sự chung tay của từ xã đến các thôn, trường học trên địa bàn…
Thay vì thuê đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, hay chỉ tổ chức văn nghệ, làm mâm ngũ quả cho trẻ em phá cỗ, trông trăng… hàng chục năm nay, xã Tân Phú vẫn duy trì nét đẹp truyền thống lâu đời của địa phương. Đó là trong Hội thi Trung thu, chi đoàn thanh niên mỗi thôn đảm nhiệm tự làm một chiếc kiệu tết bằng lá dừa, trang trí ảnh Bác Hồ, thi nghi thức đội và thi văn nghệ.
Như phần hồn cốt của Tết Trung thu, câu chuyện về kiệu tết bằng lá dừa được Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Công Thanh say sưa chia sẻ, bởi đây là một trong những nét đặc sắc nhất của vùng quê này: “Kiệu lá dừa ra đời cách đây khoảng 75 năm. Lúc đó, xuất phát từ niềm đam mê sản xuất đồ chơi thủ công, sau nhiều ngày nghiên cứu và làm thử, ông Nguyễn Văn Thồ ở thôn Yên Quán đã hoàn thành chiếc kiệu tết bằng lá dừa. Chiếc kiệu này đã được sử dụng để rước trong Tết Trung thu của thôn Yên Quán. Thấy kiệu làm thủ công đẹp, nhẹ, dễ rước, có ý nghĩa, dễ trang trí nên từ đó đến nay, cứ đến dịp trung thu, bên cạnh các môn thi truyền thống, kiệu tết bằng lá dừa trở thành môn thi chính và là nét đẹp truyền thống của quê hương Tân Phú”.
Kể về công đoạn làm kiệu lá dừa công phu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Phú, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Yên Quán Nguyễn Văn Quân hào hứng cho hay: Hằng năm, cứ đến đầu tháng Tám âm lịch, không ai bảo ai, mọi người đều hướng về Tết Trung thu, dồn tâm sức cho hội thi được tổ chức trọn vẹn, chu toàn. Từ ngày 12 tháng Tám âm lịch, đoàn viên, thanh niên được phân công đi tìm lá dừa để tết kiệu. Lá dừa phải đẹp, xanh và tươi. Sau khi mang được lá dừa về, các thôn phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, người dựng khung, người tuốt lá, người đan...
Đặc biệt, có những công đoạn khó, đòi hỏi phải là những người có kinh nghiệm, tay nghề khéo và có đôi mắt thẩm mỹ tốt. Ví như công đoạn đan lá, làm 8 mái đao kiệu, thường phải do những người có tay nghề chuẩn đảm nhiệm, như các ông: Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Ngọc Tuyến (thôn Yên Quán); Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thanh (thôn Hạ Hòa); Đặng Văn Chín, Lê Văn Hùng (thôn Phú Hạng)...
Để kiệu tươi, công đoạn tết lá dừa được làm cấp tập trong khoảng 2 ngày, làm sao đến sáng 14 tháng Tám âm lịch là phải xong. Do thời gian hoàn thành ngắn nên mỗi thôn phải huy động hàng chục người tham gia. Nhiều người đã gác lại việc nhà, góp “một chân, một tay” vì việc chung.
“Từ người cao tuổi đến thanh niên, nhi đồng, người nào việc ấy, tự giác thực hiện các phần việc. Cứ thế, lớp người đi trước truyền lại kinh nghiệm tết kiệu lá dừa cho lớp người đi sau. Đến nay, nhiều người ở lứa tuổi thanh niên cũng tết được kiệu đẹp. Lúc này, Tết Trung thu không còn của riêng ai, mà là của toàn dân. Đó là mối kết đoàn keo sơn để gắn kết tình làng, nghĩa xóm”, ông Nguyễn Văn Quân tâm sự.
Gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Ngoài phần thi quan trọng về kiệu tết bằng lá dừa trong Hội thi Trung thu ở Tân Phú, phần thi nghi thức Đội cũng được các em nhỏ háo hức trông mong. “Trước đây, cuối tháng Bảy âm lịch, mỗi khi tiếng trống gọi tập nghi thức Đội ở các thôn được gióng lên, thanh niên nam nữ ở các làng cùng kéo ra các nhà văn hóa tập luyện, cổ vũ, động viên. Những năm gần đây, để các cháu đội viên vừa có đủ thời gian học tập, vừa tập luyện thành thạo môn thi nghi thức Đội, Đoàn thanh niên xã Tân Phú đã chọn ngày mùng 6 tháng Tám âm lịch hằng năm là ngày nổi trống báo các em đến tập nghi thức Đội. Sau 9 ngày tập luyện liên tục, đúng chiều Rằm tháng Tám, 3 chi đội của 3 thôn tập hợp về sân vận động của xã để dự thi”, Bí thư Đoàn xã Tân Phú Đỗ Công Quân cho biết.
Ngày chính hội, khắp trong làng, ngoài xã, nơi đâu cũng ngập tràn tiếng hát ca cùng màu sắc rực rỡ của cờ, hoa, các loại đèn trung thu truyền thống. Trong hội thi, nổi bật là các kiệu tết lá dừa, trang trí ảnh Bác Hồ, mâm ngũ quả... 3 chi đội dự thi ở 3 thôn đều đặt tên riêng như: Thôn Yên Quán là Chi đội Kim Đồng, thôn Phú Hạng là Chi đội Lý Tự Trọng, thôn Hạ Hòa là Chi đội Măng non. Hội thi bắt đầu từ chiều Rằm tháng Tám đến tối. Sau hội thi, mỗi thôn đều tổ chức Lễ hội trăng Rằm, phá cỗ trông trăng, tặng quà cho các em học sinh vượt khó học giỏi…
Đã thành lệ, năm nào cũng vậy, vào dịp này, công tác chuẩn bị cho Hội thi Trung thu gắn với Tết Trung thu của xã Tân Phú lại được triển khai từ Đảng ủy xã, Thường trực UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên xã, đến các thôn, Ban Giám hiệu 3 nhà trường (trung học cơ sở, tiểu học, mầm non). Hào hứng, phấn khởi, sẵn sàng chung tay vì một Tết đoàn viên, các hoạt động được tổ chức trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và đầy tình thân...
“Tết Trung thu ở Tân Phú đã ngấm vào máu thịt mỗi người. Con gái đi lấy chồng xa, Tết Nguyên đán có thể không về, nhưng dịp trung thu thì ít người vắng mặt...”, Phó Chủ tịch UBND xã, nguyên Bí thư Đoàn xã Tân Phú Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất này, chúng tôi biết thêm, Tết Trung thu là phần truyền thống đặc sắc trong rất nhiều hoạt động mà vùng quê này gìn giữ và lan tỏa. Trong những dịp lễ hội, Tết Nguyên đán... địa phương thường tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, đi cầu khỉ, kéo co, vật...
Dù chỉ là những trò chơi quen thuộc, nhưng vẫn luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ nhiệt tình. Như những “thỏi nam châm”, các phong trào của địa phương đã gắn kết người dân với nhau, tạo sức lan tỏa theo cả chiều sâu và trên diện rộng. Với mong muốn được góp công, góp sức cho địa phương nên kinh phí tổ chức Hội thi Trung thu và Lễ hội trăng Rằm phần lớn đều được người dân tự nguyện đóng góp...
Chỉ còn ít ngày nữa, xã Tân Phú bước vào Hội trăng Rằm. Chúng tôi tin, không chỉ những người con của Tân Phú mà bất kỳ ai chứng kiến rồi sẽ chung quan điểm rằng, nơi đây, nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương sẽ tiếp tục được vun đắp, nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy...