Xưa và nay

Ðông Xuân khởi sắc

Bài và ảnh: MINH PHÚ 23/07/2023 - 07:05

Từ ngày 1-8-2008, xã Đông Xuân (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chuyển về huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng kinh tế - xã hội.

15 năm qua, người dân Đông Xuân được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ ở quê hương. Cùng với đó, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được giữ gìn, người dân có điều kiện phát triển cả về đời sống vật chất và tinh thần.

cong-chieng.jpg
Biểu diễn cồng chiêng ở Đông Xuân (huyện Quốc Oai).

Từ miền quê nghèo đi lên

Con đường từ trung tâm huyện Quốc Oai đến xã Đông Xuân dài chừng 20km. Nhiều năm trở lại, tôi ngỡ ngàng với sự thay đổi của Đông Xuân, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư tốt, có xe buýt chạy qua. Các thôn ở Đông Xuân đều có nhà văn hóa. Trường học được đầu tư khang trang, trong đó 2/4 trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Đông Xuân hôm nay đã “định hình” trở thành một trong những xã du lịch của Thủ đô với hàng chục mô hình du lịch sinh thái, homestay...

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm cho biết: Đông Xuân có diện tích tự nhiên hơn 1.600ha, trong đó hơn một nửa là đồi núi. Diện tích rộng nhưng toàn xã chỉ có 1.542 hộ dân với 5.793 nhân khẩu. Người dân tộc Mường chiếm gần 80% dân số, sống rải rác theo các sườn đồi, sườn núi thuộc 7 thôn: Lập Thành, Cửa Khâu, Đồng Chằm, Đồng Âm, Đồng Bèn, Đồng Rằng, Viên Nam.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Văn Sâm, trước khi về với Thủ đô, toàn bộ đường liên thôn, đường ngõ xóm của xã vẫn là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Có lẽ bởi vậy mà kinh tế của Đông Xuân thuộc diện chậm phát triển. Đại đa số người dân tự sản, tự tiêu, không giao thương với bên ngoài. Khó khăn đủ bề, người dân chẳng dám mơ về những con đường trải bê tông chứ chưa nói đến việc hạ tầng đồng bộ như hôm nay... Vậy nên, những đổi thay ở Đông Xuân khiến ai nấy đều vui mừng.

Trên thửa ruộng mới cấy, bà Bùi Thị Sính ở thôn Cửa Khâu cho biết: “Gia đình tôi làm 7 sào ruộng. Những năm trước, cấy lúa chỉ trông chờ vào “nước trời” nên năng suất bấp bênh. Hiện nay, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, chủ động đưa nước về từng thửa ruộng. Cấy 7 sào nhưng có sự hỗ trợ của cơ giới hóa nên chỉ mình tôi làm ruộng, các con đều đi làm công nhân”. Bí thư Chi bộ thôn Viên Nam Nguyễn Doãn Đô cho biết thêm: Đường từ thôn Viên Nam ra trụ sở UBND xã dài 6km đã được trải nhựa, đi lại rất thuận tiện.

Hệ thống nước sạch sông Đà cũng được đưa về đến trung tâm xã. Đông Xuân hôm nay không hề thua kém những địa phương khác.
Theo UBND xã Đông Xuân, trong những năm gần đây, xã được thành phố và huyện quan tâm, đầu tư nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng nông thôn. Đến nay, Đông Xuân đã có hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ chỉ trông vào “nước trời”, đến nay 90% diện tích lúa của xã có nước tưới nhờ hệ thống thủy lợi; 100% số thôn có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia...

Kết quả đó đã góp phần vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm thì nay đã đạt mức 61,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 33 hộ (chiếm 3,1%) xuống còn 2 hộ (0,13%). Từ chỗ dựa chủ yếu vào nông lâm nghiệp, cơ cấu kinh tế của xã hiện chỉ còn dưới 50% là nông nghiệp, hàng trăm lao động đã chuyển từ làm nông sang làm công nhân ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xã Đông Xuân đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 và hiện đang nỗ lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.

gt.jpg
Đường giao thông ở xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) được đầu tư xây dựng khang trang.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

Về với Thủ đô, ngoài sự đổi thay vượt bậc về kinh tế - xã hội, điều khiến người dân ở các bản Mường Đông Xuân phấn khởi đó là nét văn hóa của dân tộc mình được chăm lo, bảo tồn. Hiện 7/7 thôn ở Đông Xuân có nhà văn hóa khang trang, đó là nơi hội họp, điểm sinh hoạt của các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao...

Bà Đinh Thị Khuyên ở thôn Đồng Bèn cho biết: “Trước đây, đời sống khó khăn nên văn hóa cồng chiêng gần như bị quên lãng. Nay thì âm thanh cồng chiêng đã âm vang trở lại. Một dàn chiêng của người Mường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, có 12 người cầm, tấu. Chúng tôi thường đánh chiêng vào các dịp lễ tết, ngoài ra còn đi biểu diễn giao lưu thường xuyên”.The

o Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm, Thành phố và huyện đã chăm lo giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc Mường, trong đó có bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Đến nay xã Đông Xuân có 7/7 thôn đã thành lập câu lạc bộ chiêng Mường. Chính quyền địa phương trang bị bộ cồng chiêng cho các thôn, mở các lớp tập huấn, truyền dạy về chiêng Mường cho người dân, trong đó có học sinh Trường THCS Đông Xuân, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chiêng Mường cho thế hệ trẻ.

Trưởng thôn Đồng Bèn Bùi Văn Quyền cho biết, thôn có 250 hộ dân, người dân tộc Mường chiếm khoảng 90% dân số. Hiện nay, thôn có 10 cơ sở du lịch cộng đồng, mỗi nơi có khả năng đón 50 đến 70 khách/ngày. Chủ các homestay thường xuyên mời đội cồng chiêng của thôn tới biểu diễn phục vụ du khách. Gia đình Trưởng thôn Bùi Văn Quyền cũng là một trong số hộ tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Anh Bùi Văn Quyền cho biết, từ năm 2015 đến nay, gia đình anh đã dựng 3 nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường để đón khách tới nghỉ.

Cũng theo anh Bùi Văn Quyền, trên diện tích 10.000m2, gia đình anh trồng nhiều cây ăn quả, rau bản địa, hoa đào... kết hợp với nuôi cá, nuôi gà đồi. Nông sản vừa được bán ra thị trường, vừa làm thực phẩm phục vụ du khách. Khách đến nghỉ sẽ được thưởng thức những món ăn có nguồn gốc bản địa như gà đồi, lợn mán, cá suối; các loại măng, rau rừng được nấu theo cách truyền thống như măng đắng chấm chẩm chéo, gà nấu măng chua hạt dổi, rau sắng, củ mài...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, xã Đông Xuân hiện nằm trong quy hoạch khu đô thị Hòa Lạc, tiềm năng phát triển rất lớn. Đông Xuân có cảnh quan đẹp, bản sắc văn hóa đặc trưng... Huyện đã định hướng, hỗ trợ người dân khai thác lợi thế để phát triển bài bản các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp. “Huyện đã xây dựng đề án, bản đồ du lịch trên địa bàn, “định vị” các điểm du lịch để người dân và du khách biết đến. Tới đây, Quốc Oai tiếp tục hỗ trợ các xã dân tộc phát triển văn hóa cồng chiêng, bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng chợ quê vùng cao... để thu hút khách tham quan” - ông Phạm Quang Tuấn nói.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, xã Đông Xuân được Nhà nước đầu tư 170,2 tỷ đồng cho 13 dự án về giao thông, thủy lợi, đài truyền thanh... Đến nay, địa phương ước thực hiện giải ngân đạt trên 80%. Đông Xuân - vùng dân tộc, miền núi đang đổi thay từng ngày, hòa cùng sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðông Xuân khởi sắc