Hà Nội 360

Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: Thăng Long vẫn đó, xứ Đoài vẫn đây

Trà Giang 30/07/2023 19:37

Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời. Kho tàng diễn xướng dân gian của Hà Nội vì thế cũng trở nên giàu có bậc nhất, có nhiều điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị, và đặc biệt là thêm đậm đà bản sắc, trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hóa.

thudo2a.jpg
“Tinh hoa Bắc Bộ” là một ví dụ điển hình về sự sáng tạo giúp nghệ thuật diễn xướng dân gian tạo dựng hệ giá trị mới.

Chung một mái nhà

Nhà thơ Bằng Việt từng dẫn câu ca dao mới: “Một vùng trời đất gấm hoa/ Nhìn vào quê lụa, nhìn ra kinh kỳ/ Ngàn năm văn vật đâu bì/ Hà Tây, Hà Nội đi về có nhau” để nói về sự sóng đôi của hai vùng văn hóa lớn Thăng Long và xứ Đoài cùng các vùng văn hóa thuộc Hà Tây cũ trong lịch sử. Và đúng như ông đánh giá, sau khi sáp nhập, Thủ đô trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được công bố năm 2016 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thủ đô có 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong tổng số 1.793 di sản. Trong số đó có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như múa bồng làng Đại Phẩm (Chương Mỹ); cồng chiêng thôn Đông Ké (Chương Mỹ); múa cồng chiêng của người Mường ở Tản Lĩnh, Vân Hòa (Ba Vì); múa rắn lột làng Trường Lâm (Long Biên); múa Mường ở Vân Hòa (Ba Vì); hát chèo (ở Phúc Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì); vật lầu, hát trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ); hát ví, hát dô (Quốc Oai), hát ca trù (Hoài Đức); hát tuồng (Đông Anh); hát chầu văn ở Ninh Sở (Thường Tín)...

Theo nhà nghiên cứu Yên Giang (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội), nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Hà Nội thể hiện sự phong phú, đa dạng về hình thức, sự tinh tế, sâu sắc về nội dung. Ví như nghệ thuật múa rối, bên cạnh múa rối nước còn có múa rối cạn; múa cổ thì ngoài múa dân gian còn có múa cung đình, múa tín ngưỡng. Hay như ca trù cũng có rất nhiều giáo phường như Lỗ Khê, Thái Hà, Thượng Mỗ, Khâm Thiên, Đồng Trữ, Phù Xa, Đông Tác, Sơn Đồng, Ngãi Cầu...

Trải qua 15 năm "chung một mái nhà”, các vùng văn hóa này vẫn khẳng định được bản sắc, vị thế, vừa bồi đắp, tận dụng thế mạnh của nhau để đồng hành phát triển. Là một nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống, nổi tiếng trong việc khôi phục xẩm và một số loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác, anh Nguyễn Quang Long đánh giá: “Tuy Thăng Long có sự tương tác qua lại, có những nét tương đồng với xứ Đoài nhưng đây vẫn là hai vùng văn hóa và không trộn lẫn được. Khi sáp nhập về Hà Nội, cái nôi của văn hóa Thăng Long, vốn quá mạnh về mọi mặt nên nhiều người sợ xứ Đoài dần bị lãng quên, phai nhạt. Tuy nhiên, 15 năm qua xứ Đoài vẫn đấy và Thăng Long vẫn đây. Ở xứ Đoài, những nét văn hóa truyền thống vẫn được quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Nguồn lực quan trọng của công nghiệp văn hóa

Không chỉ giữ gìn, bảo vệ bản sắc di sản, Hà Nội còn đang biến di sản trở thành nguồn lực phát triển. Trong đó, nghệ thuật diễn xướng dân gian, vẫn được coi là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tâm hồn người Việt, đã được vun bồi với điều kiện tốt nhất để trở thành một nguồn lực của công nghiệp văn hóa, là chất liệu để tạo nên “gương mặt” thành phố sáng tạo hôm nay.

Là vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, “Tinh hoa Bắc Bộ” có thể coi là một ví dụ điển hình về việc sáng tạo, mang đến cho nghệ thuật dân gian những giá trị mới. Ngay khi được khởi diễn lần đầu tiên vào năm 2017, chương trình đã tạo nên “cơn sốt” với khán giả và du khách bởi quy mô sân khấu hoành tráng, kỹ xảo hiện đại cùng số lượng diễn viên đông đảo. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như múa rối nước, quan họ, chầu văn... qua sự thể hiện của chính những người nghệ sĩ - nông dân, được tái hiện trên không gian lớn của sân khấu thực cảnh đã đưa người xem vào một vùng không gian văn hóa đậm chất Bắc Bộ, tạo nên trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về vùng châu thổ sông Hồng - từ thi ca, nhạc họa đến tín ngưỡng... Từ thành công của show diễn này, nhiều vở diễn thực cảnh đã được thực hiện trên cả nước, trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, những năm gần đây, diễn xướng dân gian đã xuất hiện ở nhiều điểm văn hóa du lịch của Thủ đô, mang lại trải nghiệm văn hóa thú vị cho người dân và du khách. Tại các tuyến phố đi bộ có nhiều sân khấu nhỏ biểu diễn nghệ thuật dân tộc như xẩm, trầu văn, ca trù... vào dịp cuối tuần, hay các màn múa sư tử, hát cửa đình, hát xoan... vào dịp lễ hội đã mang đến cho thành phố không khí nghệ thuật, sáng tạo đậm đặc. Một số chương trình như Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, Chuyện nhạc phố cổ... đã góp phần giới thiệu một cách bài bản tinh hoa nghệ thuật dân tộc, giúp nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với giới trẻ và trở thành một phần trong đời sống tinh thần của Thủ đô.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đánh giá: “Hà Nội có nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ các địa phương có truyền thống nghệ thuật như các làng múa rối nước, các làng ca trù, trong đó có các làng thuộc xứ Đoài xưa. Nhiều địa phương vẫn rất coi trọng bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản nghệ thuật độc đáo tại địa phương như hát dô ở Liệp Tuyết, hát ví Hàm Rồng ở xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai), chèo tàu (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng)...

Người dân xứ Đoài cũng có những hoạt động riêng thông qua các CLB văn nghệ sĩ xứ Đoài, các CLB thơ ca, các cuộc thi thơ văn liên quan đến xứ Đoài, qua đó góp phần cùng thành phố bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa xứ Đoài trong đời sống hôm nay. Tôi nghĩ, việc sở hữu cho mình hai vùng văn hóa đặc sắc là Thăng Long và xứ Đoài là một lợi thế của Hà Nội hiện nay. Lợi thế này là cơ sở quan trọng, góp phần tạo đà thuận lợi cho thành phố xây dựng ngành công nghiệp văn hóa”.

Giữ bản sắc trong vị thế mới

Dòng chảy văn hóa của Hà Nội muôn đời vẫn thế, luôn có sự giao thoa, kết tinh, lan tỏa. Cuộc giao lưu văn hóa lớn diễn ra giữa văn hóa Thăng Long và các vùng văn hóa phụ cận từng diễn ra trong lịch sử hay 15 năm qua cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nó một mặt làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long, mặt khác khiến cho các vùng văn hóa khác cũng được nâng lên một vị thế mới. Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Lý giải điều này, nhà thơ Bằng Việt từng viết: “Rất nhiều việc đã cho ta thấy, khi biết cách tổng hòa vào nếp văn hóa Thủ đô, đứng ở tầm cao của tầm nhìn, tầm nghĩ Thủ đô, vận dụng có hệ thống các cơ chế, chính sách, thì mọi công tác liên quan đến văn hóa đều được giải đáp đúng đắn, hợp lý hơn”.

Tuy nhiên, để thực sự phát huy được sức mạnh của các vùng văn hóa truyền thống nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật diễn xướng truyền thống nói riêng, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, điều quan trọng cốt yếu đó là vẫn phải giữ được bản sắc của từng loại hình ở từng vùng văn hóa.

“Hà Nội ngày nay bao trùm văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, và thực tế còn một phần của văn hóa Kinh Bắc. Cho nên, cần lưu tâm phát triển các vùng văn hóa với những nét riêng vốn có, tập trung ở không gian địa giới phù hợp với mỗi vùng văn hóa. Tuyệt đối không đánh mất đi bản sắc của mỗi vùng. Cần có sự tương tác, hỗ trợ phù hợp, tận dụng lợi thế của Hà Nội là nơi tập trung nhiều du khách trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của vùng văn hóa khác với tư cách những vùng văn hóa độc lập, nhiều giá trị riêng biệt nằm trong ngôi nhà chung là văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đây là kim chỉ nam dẫn đường cho Hà Nội trong việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương để phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tiến tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa” - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương” - 15 năm trước, câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng được khá nhiều văn nghệ sĩ trích dẫn với sự lo lắng, thậm chí pha chút ngậm ngùi. Và nay, sau một quãng thời gian có thể chưa dài, thực tế đủ để những người yêu Hà Nội thêm tin tưởng rằng, xứ Đoài, một vùng văn hóa xưa, nay càng thêm giàu có trong dòng chảy chung của văn hóa Thăng Long hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: Thăng Long vẫn đó, xứ Đoài vẫn đây