Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: Phía Tây Hà Nội hôm nay
Nếu lấy quận Hoàn Kiếm làm trung tâm thì khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ... ở phía Tây Hà Nội. Xưa gọi là xứ Đoài. Từ khi sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, kinh tế vùng này ngày càng phát triển, diện mạo có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Xa xưa, xứ Đoài là địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Bằng chứng là năm 1972, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 di chỉ văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 30.000 - 11.000 năm) khi khai quật ở xã Vạn Thắng và thôn Thái Bạt (thuộc xã Tòng Bạt). Tại 2 di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động và sinh hoạt bằng đồng. Theo thời gian, xứ Đoài là địa bàn cư trú chính của bộ tộc Văn Lang, nơi phát tích nền văn minh sông Hồng rực rỡ.
Một số văn tự cổ cho biết, Thục Vương chiếm nước Văn Lang, đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa), dân cư cũng gọi là Lạc Việt, hậu duệ là người Mường ở mạn xứ Đoài. Sở dĩ có người Mường cổ sinh sống vì họ hạ sơn xuống đồng bằng còn người Việt cổ thì mở rộng không gian sống khi tiến sát chân núi. Nhờ việc giao thoa, dung hợp văn hóa, hợp huyết giữa người Mường và người Việt cổ mà xứ Đoài trở thành vùng lịch sử, văn hóa rất đặc biệt.
Xứ Đoài xưa có rừng, gò đồi và một phần đồng bằng nhỏ bé nhưng ngày nay rừng chỉ còn ở huyện Ba Vì. Núi Ba Vì vẫn nguyên, cái tên Ba Vì không bị Hán hóa thành Tam Vì, được giữ nguyên theo tiếng Mường. Người Mường gọi là núi “Pá Ví” nhưng người Việt cổ phát âm không lên giọng và chữ “p” thành “b”, vì thế thành “Ba Vì”. Núi Ba Vì có 3 đỉnh, đỉnh Vua cao nhất 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.281m và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120m. Vì Sơn Tinh trú ngụ tại đỉnh Tản Viên nên dân gian gọi tắt “Tản Viên Sơn thánh” là “thánh Tản Viên”. Trong tâm thức dân gian Việt Nam, bốn vị thánh được gọi là “tứ bất tử” gồm: Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương, công chúa Liễu Hạnh nhưng thánh Tản Viên là quan trọng nhất. Ngày nay, núi Ba Vì được ví là “nóc nhà” của Hà Nội.
Không chỉ có truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, xứ Đoài còn có truyền thuyết về cây mía, và trung tâm của cây mía chính là làng cổ Đường Lâm (rừng nước ngọt) nay thuộc thị xã Sơn Tây. Xứ Đoài có chùa Thầy nổi tiếng, có rối nước thuộc loại cổ nhất Việt Nam; có những ngôi đình đẹp là đình So, Mông Phụ, Tây Đằng, Thanh Lũng, Thụy Phiêu được xây dựng cách đây từ 500 - 600 năm với các kiến trúc, họa tiết hoa văn được chạm khắc vô cùng độc đáo, tinh xảo.
Xứ Đoài được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đà, lại có sông Đáy chảy qua. Theo tâm thức dân gian, sông Hồng cùng với sông Đà gọi là “thủy Tổ”, núi Ba Vì gọi là “sơn Tổ” và Phú Thọ gọi là “địa Tổ”, hợp thành “tam Tổ” của nước Nam. Như vậy, xứ Đoài có thủy Tổ và sơn Tổ, nên người xưa gọi là “đất thiêng”. Xứ Đoài hôm nay còn có nhiều hồ nhân tạo, rộng lớn nhất là Đồng Mô, suối Hai... Chiều chiều, từng đàn chim bay về rừng cây trên các đảo nổi trong ánh hoàng hôn thanh bình, đẹp vô tả.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 12 (tháng 5-2008) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, cụ thể là sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của Hòa Bình, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc vào Thủ đô. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Mục đích của việc điều chính địa giới hành chính là tăng diện tích để Hà Nội có thêm dư địa phát triển đồng thời nâng tầm vóc và vị thế của Thủ đô.
Thực ra, đây không phải là lần đầu diện tích Hà Nội mở rộng. Trong lịch sử, Hà Nội đã nhiều lần được điều chỉnh địa giới. Từ thời Pháp thuộc, chính quyền đã chuyển cả huyện Hoàn Long của tỉnh Hà Đông vào thành Hà Nội. Năm 1961, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra nghị quyết chuyển nhiều huyện, xã của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông để thành lập các huyện ngoại thành gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm.
Từ khi sáp nhập, hệ thống hạ tầng từ trung tâm Thủ đô đến phía Tây được cải thiện. Đại lộ Thăng Long từ hồ Tây lên Ba Vì được hình thành. Đường 32 được mở rộng. Hệ thống giao thông trục ngang, trục dọc được sửa chữa, nâng cấp. Cho đến nay, ngoài cầu cũ Trung Hà còn có thêm cầu mới bắc qua sông Đà là cầu Đồng Quang, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, kết nối với giao thông của Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Một sự khác biệt lớn là khu vực phía Tây đã trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng hòa với thiên nhiên, du lịch tâm linh, văn hóa tuyệt vời. Chỉ hơn 1 tiếng chạy xe là có thể đến nơi rất thuận tiện cho việc đi chơi và nghỉ dưỡng.
Phía Tây Thủ đô ngày nay với người Kinh, người Mường, người Dao Quần chẹt sống hòa hợp, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, gìn giữ bảo tồn văn hóa truyền thống. Đó là những điểm sáng, là kết quả rõ nhất khi nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội của Quốc hội đi vào cuộc sống.