Hà Nội 360

Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: "Nước đi ra bể lại mưa về nguồn"

Hà An 30/07/2023 12:34

Câu thơ của thi sĩ xứ Đoài Tản Đà nhắc nhớ tâm thức về nguồn của đời người, cũng như của nước non trong hành trình sống không ngừng kết nối hôm qua - hôm nay.

Với Thủ đô Hà Nội, sáng tạo như một động lực cho sự đi lên của thành phố cũng chỉ có thể được hiện thực hóa trên nền thấu hiểu và khai thác tốt nguồn lực di sản văn hóa.

15 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc "điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" là dịp nhìn lại quá trình hội tụ và viết tiếp câu chuyện kiến tạo vùng văn hóa đặc sắc, giàu tiềm năng, xứng với vị thế của "kinh đô Rồng".

thudo.jpg
Văn hóa xứ Đoài đã hòa cùng dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, góp phần kiến tạo, phát triển Thủ đô. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Chuyển dịch và kết nối

Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhấn mạnh trong nhiều bài viết, Hà Tây cũ, huyện Mê Linh xưa đều là một phần vùng đất Tổ, hình thành trên vị thế địa - văn hóa của tam giác châu thổ sông Nhị - Thái Bình. Nếu như các nhà sử học Pháp gọi Hà Nội là “thành phố sinh ra từ nước” thì vùng Hà Tây (trong đó Sơn Tây từng là một trong tứ trấn, phên giậu của kinh kỳ) cũng là vùng đất nằm bên những dòng sông: Sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bùi... Tâm thức sông ấy chắc chắn xác lập những tương đồng, thấu cảm về đời sống mọi mặt, nhất là tinh thần, văn hóa.

Và huyện Mê Linh, như Giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết đầy hình ảnh: “Một dải sông Hồng, từ cửa sông Cà Lồ đến bến phà Chèm. Một dải sông Cà Lồ, bao quanh huyện từ tây qua bắc sang đông... Những dải đất bạc màu cuối cùng của miền thềm phù sa cổ men theo quốc lộ... Đó, Mê Linh, tên mới đặt mà rất cổ trên miền đất cổ, huyện địa đầu, cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội hôm nay”.

Chiếu theo tư liệu của nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa trong “Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ” thì Hà Nội xưa thuộc vùng địa - văn hóa châu thổ trung tâm.

Tính trung tâm tạo ra một sức hút tự nhiên, mãnh liệt đối với khu vực xung quanh. Nhà sử học người Pháp Philippe Papin viết trong “Lịch sử Hà Nội”: “Kỹ nghệ được dân các làng nghề tích cóp từ bao đời còn góp phần làm nên danh tiếng của các sản phẩm được bày bán ở Thủ đô: Người thành thị chỉ mua ấm tích Bát Tràng, quạt Đào Xá (*) hay đồ kim hoàn do thợ Châu Khê làm”. Công trình “Sống đời của chợ” của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến mô tả chi tiết: “Chợ Phủ Quốc vào Thăng Long theo hai đường, một là theo đê sông Đáy, ngược Phùng, hai là theo lối về Chúc Sơn, Hà Đông rồi nhập Thăng Long... Chợ Phủ trong quan hệ với kinh kỳ là một mắt xích của siêu chợ Bắc Kỳ - Thăng Long - Kẻ Chợ. Đó là mối quan hệ của tứ trấn với Thăng Long mà nhiều học giả đã nói đến”.

Không chỉ có sông và đồng bằng, ngay từ xa xưa dấu ấn núi non và văn hóa đa tộc người đã hiện diện đậm nét ở chốn hội tụ kinh kỳ. “Tỉnh Sơn Tây ở châu thổ sông Hồng, đất cổ của Việt - Mường. Trong đó, Tản Viên sừng sững, đứng trong miền Hà Nội, góc độ nào cũng nhìn thấy núi chủ (Landes 1986: 19)” - nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến dẫn trong công trình “Sống đời của chợ”.

Vì vậy, sự trở vào với Hà Nội của 4 xã miền núi Hòa Bình thời điểm 15 năm trước có thể xem như một nhắc nhớ về tính núi phong phú, hấp dẫn này.

Bản chất một dải nối liền, thống nhất trong đa dạng ấy không gì hơn đã chứng minh tiềm lực văn hóa của một Hà Nội mở rộng, đòi hỏi tiếp tục được nhận diện để phát triển.

Một tiểu vùng thống nhất trong đa dạng

Nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ nhận định: “Cấu trúc tiểu vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một không gian mở, đôi chút xê dịch với 3 thành tố: Tòa thành, khu thị dân gian, vành đai các làng nghề ven đô...”. Tính mở trong việc đưa toàn bộ vùng Hà Tây với Xứ Đoài - Sơn Nam Thượng, huyện Mê Linh, cùng 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vào Thủ đô Hà Nội đã đặt không gian văn hóa ấy trên đà phát triển mới của Thủ đô.

Nhà nghiên cứu Yên Giang - "cuốn từ điển sống" của văn nghệ dân gian đất Hà Tây, từng chia sẻ, vùng văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam Thượng ôm chứa nguồn lực văn hóa dân gian to lớn, nơi có những chiếu chèo đặc sắc và nguyên bản, kho báu ca trù trên nhiều phương diện từ thực hành đến tư liệu cổ, dấu tích giáo phường và nhiều loại hình diễn xướng phong phú khác...

15 năm qua, dễ thấy, sự đa dạng của nguồn lực di sản từ những vùng sáp nhập đã hòa vào văn hóa Thủ đô với tinh thần phát triển mà vẫn bảo tồn vẻ đặc trưng. Chèo Cổ Phong nức danh xứ Đoài xưa đã góp giọng cho chèo Thủ đô Hà Nội, mà không quên nét đặc sắc của mình. Nhiều nghệ sĩ trẻ kết hợp với nhà thiết kế hồi sinh sản phẩm làng nghề Hà Tây trong diện mạo mới như nghệ nhân Đặng Văn Hậu khiến tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên) nâng tầm cả về thẩm mỹ và giá trị kinh tế. Công nghệ thực tế ảo cũng mở ra những hướng tiếp cận di sản vô cùng sinh động cho người trẻ tại các không gian văn hóa như 22 Hàng Buồm. Các mùa lễ hội thiết kế sáng tạo, cuộc thi thiết kế không gian công cộng, không gian sáng tạo do các đơn vị của thành phố, các nghệ sĩ tổ chức và thực hành nghệ thuật trực tiếp, càng cho thấy tính đa dạng được phát huy trong sự thống nhất của văn hóa hội tụ chốn kinh kỳ.

Bên cạnh đó, như trên đã nói, tính chất núi non của châu thổ sông Hồng là điều từng được các nhà nghiên cứu địa - văn hóa rất lưu ý. Và nay, nguồn lực của thành phố trở lại hướng mạnh về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số như một quy luật tất yếu của phát triển. Sự phát triển của các đội cồng chiêng của đồng bào Mường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) là một ví dụ. Các sản vật cùng không gian nghề cổ truyền của đồng bào ở huyện Ba Vì cũng trở thành một lựa chọn, một điểm đến văn hóa trải nghiệm của người dân Thủ đô.

Lại nhớ, Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời từng nhấn mạnh: “Bản sắc văn hóa Hà Nội là bản sắc chung của văn hóa Việt Nam, song trước hết là sự kết tinh của văn hóa châu thổ sông Hồng...”. Và để phát triển nền văn hóa ấy thì cần “tôn trọng những sắc thái văn hóa riêng của từng vùng - miền, từng cộng đồng tộc người”.

thudo1.jpg
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Ảnh: Phương Mai

Cơ chế sáng tạo, làm giàu bản sắc

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: “Việc sáp nhập vùng đất của các Lạc tướng, Lạc hầu dòng dõi vua Hùng với “đất trăm nghề” Hà Tây đã biến Hà Nội trở thành Thủ đô có hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc và mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp các phố phường làng quê, dọc theo các con sông. Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với các cam kết xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo, trong đó tập trung xây dựng và mở rộng các không gian sáng tạo nhằm ứng dụng các giải pháp thiết kế sáng tạo vào việc tạo nên các sản phẩm văn hóa và dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn, đa dạng và giàu bản sắc”.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh, nếu so với các thủ đô ở châu Á thì Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính có những di sản - cả vật thể và phi vật thể thực sự đáng mơ ước, là nguồn tài nguyên văn hóa rất lớn cho sáng tạo. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế đặt ra vấn đề là sau hơn một thập niên hòa vào mạch văn hóa Thủ đô, chúng ta tiếp tục làm gì để tận dụng lợi thế, tạo sự bứt phá cho công tác bảo tồn và khai thác nguồn lực di sản, đem lại lợi ích cho người dân.

Từ góc độ một đơn vị có nhiều hoạt động kết nối văn hóa sáng tạo trong thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: “Cần hình thành mô hình phối hợp nhà nước, nhà sáng tạo, nhà đầu tư và nghệ nhân, người thực hành văn hóa tạo cơ chế hỗ trợ, tài trợ, xã hội hóa, hợp tác công tư hiệu quả để chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa, sức sáng tạo vốn vô cùng dồi dào, phong phú của Hà Nội thành sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nhóm ngành có tính kết nối mạnh như thủ công, thiết kế, du lịch văn hóa, thời trang...”.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng, quá trình sáp nhập đã tạo đà cho sự phục hồi nhiều hoạt động văn hóa, song việc thiếu nguồn lực để duy trì bền vững các hoạt động này là câu hỏi đặt ra cho giai đoạn tiếp theo. Nhà nghiên cứu này nêu ví dụ như việc có thể thiết kế hệ thống giao thông công cộng thuận lợi từ nội thành đến ngoại thành để hình thành bản đồ du lịch văn hóa, kích thích nhu cầu tham quan, tìm hiểu, tương tác với các điểm đến văn hóa của Hà Nội.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại nêu một câu chuyện khác: “Lịch sử đã ghi nhận sự chuyển dịch của các làng nghề từ vùng Hà Tây ra Hà Nội mà một trong những dấu ấn rõ nét còn lại là các đình thờ tổ nghề. Đây là một kho di sản quý giá mà chúng ta muốn khai thác tốt thì phải đủ hiểu, đủ yêu, đủ sức sáng tạo. Hà Nội vừa có đợt trùng tu lớn các di tích đình thờ tổ nghề như một trong những biểu hiện của nguồn lực mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, từ đây, các đình tổ nghề phải trở thành không gian kể chuyện nghề của làng một cách hấp dẫn để khơi gợi sáng tạo, thu hút công chúng, chứ không phải chỉ là nơi bán vài sản phẩm lẻ tẻ, đơn điệu...”.

Có thể nói, những mắt xích để kết nối di sản văn hóa và kể những câu chuyện đó theo cách đương đại là quan trọng vô cùng. Đây cũng là điểm mấu chốt để các nguồn lực di sản văn hóa của Hà Nội thực sự được cất cánh, đóng góp cho Thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa Thủ đô.

---
(*) Nay thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội tụ nguồn lực để kiến tạo phát triển: "Nước đi ra bể lại mưa về nguồn"