Xưa và nay

Đổi thay nghề đan cót ở Nghĩa Hương

Minh Thúy - Thu Hằng 23/03/2024 14:33

Nhắc đến xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai), nhiều người vẫn thầm tiếc nuối nghề đan cót nan một thời. Trải qua thời gian, nghề đan cót dần mai một, nhưng để thích ứng với sự đổi mới, làng nghề đã chuyển mình theo hướng làm hàng mây tre đan xuất khẩu.

Thôn Văn Quang, Thế Trụ đã được công nhận làng nghề cót nan; thôn Văn Khê được công nhận làng nghề tre nan tạo động lực để người dân trong xã cần mẫn từng ngày giữ nghề và tự đổi mới để nối dài nghề truyền thống cha ông...

lang-nghe-1.jpg
Đan hàng xuất khẩu tại làng nghề thôn Văn Khê (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai).

Nghề vang bóng một thời

Nghề đan cót nan, rổ, rá, nong, nia… xuất hiện ở xã Nghĩa Hương vào thời điểm nào, đến nay cũng không ai nhớ rõ. Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, từ khi sinh ra, ông bà, bố mẹ họ đã làm nghề đan cót, đan rổ, rá. Nghề đan lát ở Nghĩa Hương đã từng vang bóng một thời, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trong ký ức của người nặng lòng với nghề đan cót, bà Nguyễn Thị Tho, 72 tuổi ở xóm 9, thôn Văn Quang (xã Nghĩa Hương) không quên những tháng ngày cả làng, cả xã sôi động với nghề. Người người, nhà nhà chẻ nan, quây quần cùng nhau ngồi đan. Vẫn đôi tay thoăn thoắt chẻ nan, đan hàng, bà Tho nhớ lại: Khoảng thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề đan cót nan ở Văn Quang nói riêng và xã Nghĩa Hương nói chung phát triển rất mạnh. Thời điểm đó, 100% số hộ trong thôn Văn Quang (khoảng 700 hộ) đều làm nghề. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, đâu đâu cũng chất đầy nguyên liệu, mọi ngõ ngách, đường đi đều là nơi phơi nan cót...

Ánh mắt bà Tho không giấu nổi nỗi niềm khi được hỏi về những thăng trầm của nghề đan cót nan. Bà chậm rãi kể: "Khoảng chục năm trở lại đây, nghề đan cót không còn phát triển như trước nữa do nhu cầu sử dụng cót trên thị trường giảm. Nhưng không chịu buông tay, cót nan không còn thị trường, người dân chuyển sang làm thêm nghề đan hàng xuất khẩu; một bộ phận lao động trẻ chuyển sang nghề kinh doanh, dịch vụ khác hoặc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp…".

Sinh ra và lớn lên ở thôn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương Nguyễn Văn Thắng cũng có nhiều nỗi niềm khi chứng kiến những thăng trầm của nghề đan cót nan: “Từ khi sinh ra và lớn lên tôi đã thấy bố mẹ đan cót nan. Chẳng phải học ai, cứ nhìn cách người đi trước chẻ nan, đan cót, lên 5-6 tuổi, anh chị em tôi cũng đã biết làm. Nghề phát triển do nhu cầu tiêu thụ lớn, làm không hết việc, nhà nào yêu nghề, chăm chỉ thì nhà đấy có của ăn, của để… Nhiều người dân ở xã lân cận như Cấn Hữu, Đông Yên… cũng sang học nghề đan cót nan của Nghĩa Hương. Một thời sôi động, mải mốt với đan cót, đến nay nhiều người cảm thấy nuối tiếc. Song, đó cũng là quy luật của sự phát triển”.

Tương tự, nghề đan rổ, rá, nong, nia… ở thôn Văn Khê cũng từng vang bóng một thời bởi hàng của Nghĩa Hương được bán ở khắp các chợ trên địa bàn huyện Quốc Oai và các huyện lân cận. Vậy nhưng, xã hội phát triển, rổ, rá được làm bằng vật liệu khác thay thế; sản xuất nông nghiệp có nhiều thay đổi, người dân không dùng thúng, rổ, nong, nia… nhiều nữa nên số hộ dân và lao động làm nghề ngày càng giảm.

Những "gam màu" mới

Theo thời cuộc, nghề đan cót nan dần mai một, nhiều hộ chuyển sang nghề đan hàng xuất khẩu. Tuy số hộ làm nghề này hiện chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng là những "gam màu" mới của địa phương.

lang-nghe-2.jpg
Phơi sản phẩm của làng nghề tại xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai).

Bước chân vào khu vực sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Lương (xóm 6, thôn Thế Trụ), trên khoảnh sân la liệt những cuộn cót được cuộn tròn cùng với cơ man là nan nứa và những chiếc mê, chiếc bồ đã được đan xong. Là người trực tiếp mua nguyên liệu (tre, nứa), gia đình ông Lương thuê người chẻ, rồi tùy số lượng sản phẩm các đơn hàng đặt, ít thì gia đình ông làm, nhiều thì thuê thêm người trong làng, ngoài xã làm theo mẫu mã khách đặt.

Tạm ngừng tay để tiếp khách, ông Lương vui vẻ kể cho phóng viên những niềm vui với nghề: “Gia đình tôi đan cót nan đã từ lâu. Song, theo thời gian, người mua cót cứ giảm dần do việc đổ bê tông, che rau, quây thóc... đã có vật liệu khác thay thế tiện lợi hơn. Nhưng người dân không chịu để mất nghề. Khoảng những năm 2006-2007, chúng tôi bắt đầu tìm tòi, chuyển sang nghề mây tre đan, đan những vật dụng khác như bồ, mê hoa, mẹt hoa...”.

Với sự linh hoạt, nhanh nhạy của người làm nghề, đến nay nhiều mặt hàng của xã Nghĩa Hương đã được xuất đi nước ngoài, sang cả châu Âu. “Sản phẩm của gia đình tôi chủ yếu là xuất khẩu. Năm 2023, gia đình tôi được khách nước ngoài đặt 60.000 bộ hàng xuất khẩu sang Ba Lan. Khách nước ngoài về tận nhà xem cung cách làm hàng rồi mới đặt. Họ rất ưng hàng của làng nghề bởi sản phẩm thân thiện với môi trường và họ quý ở chỗ sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công, do bàn tay người thợ tạo tác”, ông Lương phấn khởi khoe.

Rẽ vào con đường phơi đầy sảo, mẹt tre, chúng tôi thăm hộ sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Thêm (xóm 3, thôn Văn Khê). Tận dụng mọi mặt bằng của gia đình, đâu đâu cũng ngồn ngộn nguyên liệu làm nghề. Theo lời bà Thêm, từ năm 1990, gia đình đã làm nghề, sản phẩm chủ yếu là nong, nia, sàng, mẹt trắng, mẹt cật... Mặt hàng của gia đình chủ yếu xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc). Tùy theo đơn đặt hàng, gia đình tự làm và thuê thêm thợ đan, sau đó các doanh nghiệp đến thu mua, xuất đi nước ngoài...

Trong câu chuyện với bà Thêm về nghề, có một chi tiết làm chúng tôi chú ý. Đó là công đoạn vót cạp (nguyên liệu để cạp rổ, rá, nong, nia…). Đây là công việc khó nhọc bởi vót cạp cần người có kinh nghiệm, sức khỏe, khéo léo. Nếu vót không khéo, không thể nức được những chiếc nia, sàng, thúng, rổ có miệng tròn trịa, chắc chắn... “Tôi đang lo nguồn nhân lực cho công đoạn này, bởi trả công cao thì không đủ chi phí, trả thấp không ai làm. Giờ thanh niên, trai tráng đi làm các việc khác có thu nhập cao hơn, số người làm cạp có sức khỏe, kỹ năng ngày càng ít...”, bà Thêm trăn trở.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương Nguyễn Hữu Toàn cho hay: “Cùng với sự biến chuyển của thời cuộc, nhiều người làm nghề đan cót nan, rổ, rá… ở xã Nghĩa Hương bắt đầu tiếp cận với thương mại điện tử, đưa mẫu mã sản phẩm lên nhiều kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu như: Shopee, Zalo, Facebook... Hiện, xã đã có 3 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử là: Bồ hoa, mẹt hoa, bồ trắng - đây cũng là những sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2023. Tuy chưa có nhiều đơn đặt qua thương mại điện tử, nhưng về lâu dài, đây là kênh bán hàng rất quan trọng...”.

Từ sáng sớm đến đêm khuya, người làm nghề không lúc nào ngơi tay. Người dân ở đây quý nghề bởi nghề mang lại thu nhập cho hầu hết mọi lứa tuổi, miễn là chăm chỉ, cần cù. Do sản phẩm của nghề chủ yếu là xuất khẩu và ngày càng nhiều nguy cơ bị thay thế bởi các vật liệu tiện lợi hơn nên người làm nghề càng ý thức về việc giữ gìn uy tín, thương hiệu làng nghề. Đến nay, thôn Thế Trụ và thôn Văn Khê đã được xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Hương là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Làng nghề tre nan thôn Văn Khê”.

Nhiều sản phẩm của Nghĩa Hương người dân thường hoàn thiện về phần thô; phần chuốt lại, hoàn thiện sản phẩm là công đoạn người dân ở một số xã có nghề mây tre đan xuất khẩu ở huyện Chương Mỹ thực hiện. Người dân làng nghề Nghĩa Hương mong muốn, về lâu dài, hệ thống giao thông của địa phương được mở mang hơn nữa, tăng tính kết nối với các vùng lân cận; địa phương bố trí được mặt bằng để làng nghề có hệ thống nhà xưởng bề thế, mang tính chuyên nghiệp... Kỳ vọng rằng, một ngày không xa, những chuyến hàng theo xe container sẽ về tận ngõ mỗi nhà xuất hàng đi muôn nơi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay nghề đan cót ở Nghĩa Hương