Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cho biết, hợp tác xã có 55ha sản xuất rau an toàn, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã bán ra thị trường 500-700kg rau, củ, quả. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất. Nhờ đó, mỗi năm cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha.
Đánh giá về hiệu quả trong việc hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, đến nay, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã: Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... Sau chuyển đổi đã tạo được các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập cao hơn 5-7 lần so với cấy lúa.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa huyện Thạch Thất năm 2022 với tổng diện tích 193,7ha của 15 xã, đến nay, 15/15 xã đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cấp xã, đạt 100% kế hoạch, tổng diện tích chuyển đổi được 21,6ha, gồm: Phú Kim, Đồng Trúc và Yên Bình.
Trong năm 2022, huyện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được hơn 1,219 tỷ đồng, bao gồm 100% kinh phí mua giống lúa và 1 lần sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng ứng dụng công nghệ UAV (thiết bị điều khiển tự động) thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chuỗi tại xã Đại Đồng, quy mô 50ha và xã Lại Thượng quy mô 50ha với số tiền 382 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện hỗ trợ 200kg thuốc chuột và 5.000 bẫy nguyệt cấp cho các xã thị trấn với số tiền 194 triệu đồng; hỗ trợ 100% kinh phí mua giống lúa mới để thực hiện trình diễn ở một số xã như: Giống lúa DT80 gieo cấy tại Đại Đồng (5ha); Hạ Bằng (5ha); giống lúa BQ tại Đại Đồng (5ha); giống lúa ĐH 12 quy mô 4ha tại Bình Yên, Lại Thượng... tổng số tiền 113 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 80% kinh phí mua hạt giống rau màu các loại và 50% kinh phí mua giống ngô để hỗ trợ các xã, thị trấn gieo trồng trong vụ đông 2022-2023 với tổng số tiền 530 triệu đồng.
Nhìn chung, các tiến bộ kỹ thuật về giống, thiết bị, biện pháp kỹ thuật được triển khai vào sản xuất trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp tình hình sản xuất thực tế tại địa phương nên cần được tiếp tục triển khai, mở rộng trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2023, huyện đề ra 10 nhóm giải pháp để tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; tuyên truyền thực hiện bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ và các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; làm tốt công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại...
“Để đạt được mục tiêu trong năm 2023, các ngành phục vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp cần tập trung giải quyết tồn tại của năm 2022; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp năm 2023 đã đề ra. Trên cơ sở giao chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch của địa phương sát kế hoạch huyện và tình hình thực tế, phù hợp từng địa phương; tiếp tục đưa các giống lúa tiến bộ, có năng suất, chất lượng vào sản xuất; chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, tập trung phát triển đàn trâu, bò ở các xã miền núi; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan nhấn mạnh.