“Thảm cỏ bờ sông Hồng” ngày ấy
Vậy mà đã 49 năm rồi. Ngày hòa bình thống nhất ấy, khi tôi cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục đi xe đò từ Huế ra Hà Nội về thăm cha mẹ mình, sau 5 năm xa cách để đi vào chiến trường.
Ra tới Hà Nội vào buổi chiều, Nguyễn Khắc Phục dẫn tôi về thăm anh ruột của Phục ở khu tập thể Kim Liên, rồi chúng tôi đi bộ tới nhà đạo diễn Đặng Nhật Minh để mượn xe đạp. Nhà thầy má tôi tận bên Gia Thượng, Ngọc Thụy, Gia Lâm, cạnh đê sông Hồng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh vui vẻ cho tôi mượn chiếc xe Phượng Hoàng, một “của quý” hồi đó. Tôi hớn hở đạp xe qua cầu Long Biên, cây cầu quá quen thuộc, cây cầu đầy thương tích chiến tranh. Hồi chưa đi chiến trường, tôi thường xuyên đi bộ hoặc đạp xe qua cầu Long Biên.
Đầu năm 1971, tôi vào chiến trường Nam Bộ, đi sớm hơn đoàn nhà văn trẻ chi viện cho chiến trường. Trong đoàn có nhiều bạn của tôi như Trần Vũ Mai, Vũ Ân Thy, Nguyễn Văn Đồng, Lê Điệp, Nguyễn Khắc Phục, Phạm Quang Nghị... Tất cả mấy chục anh, chị em được chia ra đi ba chiến trường: Trị Thiên, khu Năm, Nam Bộ. Trần Vũ Mai và Nguyễn Khắc Phục đi khu Năm.
Do tôi đi Nam Bộ trước 3 tháng nên mãi sau này tôi mới được đọc bài thơ “Thảm cỏ bờ sông Hồng” do Trần Vũ Mai viết trước khi anh vào chiến trường. Bài thơ gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Không chỉ vì tôi đã quen thân với cầu Long Biên hay những bãi cỏ sông Hồng, mà vì đó là bài thơ được viết theo phong cách thơ hiện đại, nên tôi dễ đồng cảm. Vì thơ hiện đại cũng là xu hướng thơ của tôi từ khi đặt chân lên Trường Sơn. Trước khi đi chiến trường, Trần Vũ Mai làm biên tập ở NXB Phổ Thông, cùng cơ quan với nhà thơ Nguyễn Mỹ. Vốn rất ngưỡng mộ thơ và cả cuộc đời chiến đấu oanh liệt của nhà thơ Trần Mai Ninh nên anh lấy bút danh Trần Vũ Mai, thực ra tên thật của anh là Vũ Xuân Mai. Anh cũng rất yêu quý thơ và con người Nguyễn Mỹ. Trước khi đi chiến trường, Nguyễn Mỹ có bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ” viết ngay tại Nhà xuất bản Phổ Thông.
Bài thơ “Thảm cỏ bờ sông Hồng” không chỉ cảm động, nó hay còn vì sự mới mẻ, cách thể hiện thơ tự do đạt tới độ chuẩn mực. Điều ấy hơi hiếm với thơ miền Bắc hồi ấy, dù thời điểm đó thơ Phạm Tiến Duật đã chiếm lĩnh thi đàn thơ chiến trường ở miền Bắc, ở Hà Nội.
Bài thơ “Thảm cỏ bờ sông Hồng”, theo tôi, là một trong những bài thơ hay viết về Hà Nội hồi chiến tranh. Bài thơ rất đậm chất số phận, rất riêng tư, nhưng lại đầy không khí của tình yêu thời chiến tranh khốc liệt. Hồi ấy, tình yêu tươi thắm và giản dị như một bông cúc đại đóa mà cô gái cầm trong tay tới tiễn biệt người yêu đi chiến trường, xanh trong trẻo như những thảm cỏ bờ sông Hồng mùa xuân.
Đầu thế kỷ XXI, nhà thơ Nguyễn Đỗ, cư trú tại Hoa Kỳ, trong khi phối hợp với nhà thơ hậu hiện đại nổi tiếng ở Mỹ là Paul Hoover dịch một tuyển tập thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ, đã tình cờ được đọc bài thơ “Thảm cỏ bờ sông Hồng” của Trần Vũ Mai. Bài thơ khiến Nguyễn Đỗ rất xúc động và dù chưa hề quen biết Trần Vũ Mai nhưng anh đã quyết định chọn bài thơ này vào tuyển tập thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ.
Đúng như vậy. Thơ hay, thì dù từng trôi lạc ở đâu, cuối cùng vẫn được nhận ra. Nhớ thương Trần Vũ Mai (anh đã qua đời tháng Giêng năm 1991), tôi lại nhớ bài thơ hay anh viết trước lúc lên đường vào chiến trường khu Năm, vào tháng 3-1971:
Thảm cỏ bờ sông Hồng
“Buổi sớm
gương mặt em như xa vắng
anh đi những phố hè
tìm mọi mảnh đường quen
lỗ đỗ tinh mơ rêu phủ
đường cong xa vời
gạch lửa phơi đỏ thắm
Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
mảnh tường tươi này
anh thuộc lòng dấu cũ em qua
Bữa ấy chúng mình đi trong đêm
lửa đạn sông Hồng
mưa lũ
tay em lạnh mà không run sợ
anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
mặt anh thì sạm cháy
nhưng ngày mai ơi
chớ vắng bàn tay em
trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi
từ năm vào cuộc
ngày mai ơi
Hà Nội không phai
suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
nhớ riêng em
tôi nhớ những gì tôi chưa có được
thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt
nếu ta có lỗi với em
cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi
bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi
Cùng với những gì ta mến yêu
sầu tư mộng tưởng
thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom
chạm tới
những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
đừng buồn em nhé, bây giờ
hồi em buồn nhớ
anh còn buồn hơn
Em
nhỏ bé mà trắng tinh
trước mặt thảm cỏ dòng sông
cầm tay một bông đại đóa
em ạ, chớ buồn
anh vào cực Nam đây.