Tạo việc làm cho người dân
Với vị trí thuận lợi là cửa ngõ phía Nam thành phố, có hệ thống giao thông quan trọng chạy qua như, đường trục phát triển phía Nam, quốc lộ 21B, tỉnh lộ 427, Thanh Oai có điều kiện mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với trung tâm thành phố Hà Nội, các tỉnh và cả nước. Trong đó, sự hình thành, hoạt động và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng sản xuất, mở rộng quy mô, phát triển theo quy hoạch, đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghiệp.
Trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động: Cụm công nghiệp Thanh Oai, Bích Hòa, Bình Minh và cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy, góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, tạo công ăn việc làm, sử dụng nguồn lao động tại địa phương, gắn kết phát triển hài hòa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND xã Bích Hoà Nguyễn Thành Nam cho hay, Cụm Công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa với diện tích quy hoạch là 59,32 ha do Ban Quản lý cụm công nghiệp Thanh Oai - Công ty cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư với diện tích 58,7ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích, có 31 doanh nghiệp vào thuê đất hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút được khoảng 4.000 lao động, thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người /tháng. Các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là dược phẩm và dụng cụ y tế, các mặt hàng cơ khí, đồ gỗ cao cấp, giấy các loại, thực phẩm, đồ uống, may công nghiệp, ngành in, bao bì, vật liệu xây dựng…
Cũng tại Cụm công nghiệp Bích Hòa với tổng diện tích 10,3ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư, đến nay, có 7 doanh nghiệp đã vào thuê đất sử dụng để sản xuất, thu hút được khoảng trên 500 lao động với thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may công nghiệp, cơ khí.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỳ Nguyễn Mạnh Dũng: Từ năm 2003, 6/6 thôn của xã Thanh Thùy đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cụ thể có 5 làng nghề cơ khí, gồm: Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ Am, Gia Vĩnh, Dụ Tiền và làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ. Hiện xã có 2.061 hộ gia đình tham gia làm hai nghề truyền thống, chiếm 85% tổng số hộ của toàn xã; có 215 công ty, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề trên địa bàn với số lượng lao động từ 10 đến 40 công nhân. Tổng số lao động toàn xã trên 3.850 người, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm 40%.
Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã được đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy với quy mô 5,5ha do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư. “UBND huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao thuê đất cho các hộ sản xuất cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy là 4,06ha. Đã thực hiện bàn giao đất thuê cho 38 hộ, các hộ đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất cơ khí, kim khí ổn định. Thu hút khoảng hơn 400 lao động vào hoạt động, chủ yếu là lao động phổ thông tại làng nghề kim khí xã Thanh Thùy và khu vực lân cận, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5-8 triệu đồng/người/tháng”, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỳ cho biết thêm.
Để các cụm, khu công nghiệp là “đòn bẩy” kinh tế
Theo thống kê của UBND huyện, hiện Thanh Oai còn có Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên với quy mô 41,339ha, do Công ty Cổ phần xây dựng Hà Tây làm chủ đầu tư. Đến nay, đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Cùng với đó, có 5 cụm công nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt thành lập và đang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đó là: Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, với quy mô 6,5ha; cụm công nghiệp Thanh Văn - Tân Ước với quy mô 47,78ha; cụm công nghiệp Kim Bài với quy mô 46,1ha; cụm công nghiệp Hồng Dương với quy mô 11,22ha và cụm công nghiệp Phương Trung với quy mô 9,06ha.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề xã Thanh Thùy, UBND huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cập nhật hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố thành lập mở rộng cụm công nghiệp Thanh Thùy, với quy mô khoảng 20ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã, thị trấn tập trung hướng dẫn, hoặc đề nghị các sở ngành, UBND thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp để sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Soi, xã Bích Hoà (huyện Thanh Oai) chia sẻ, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp sẽ giải quyết hiệu quả bài toán lao động tại các xã. Trong điều kiện đô thị phát triển, quỹ đất bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp giảm dần thì việc bảo tồn làng nghề, tạo việc làm cho người dân sẽ được giải quyết qua việc phát triển các cụm, khu công nghiệp.
Để tạo thành “chuỗi” đồng bộ trong việc phát triển làng nghề, phát huy hiệu quả tối đa các cụm, khu công nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện sẽ quan tâm tới không gian tại các khu, cụm công nghiệp để phát triển hành lang xanh, bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các khu, cụm công nghiệp, từ đó có thể thúc đẩy du lịch làng nghề, quảng bá và xúc tiến cho các sản phẩm làng nghề.
“Với việc hình thành đường vành đai 4, các cụm, khu công nghiệp của Thanh Oai là “đòn bẩy” cho huyện phát triển kinh tế”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.