Thường Tín đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Đỗ Minh| 28/10/2022 07:25

(HNM) - Được đánh giá và xếp hạng, đến nay, các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Thường Tín trở thành những mặt hàng chủ lực, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của địa phương trên nhiều lĩnh vực. Để phát huy thế mạnh từ nguồn sản phẩm này, Thường Tín đẩy mạnh, hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, quảng bá nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Giữa tháng 10-2022, Thường Tín tiếp tục mở một điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện tại xã Hồng Vân. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân thu hút gần 100 sản phẩm OCOP của 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thủ công mỹ nghệ đặc sắc trên địa bàn huyện như: Sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, chế tác sừng xã Hòa Bình, điêu khắc Hiền Giang, các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của xã Ninh Sở, Hồng Vân. "Việc tổ chức các điểm trưng bày, giới thiệu góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện. Từ hoạt động này, sản phẩm được tiêu thụ tăng gấp đôi và kết nối được nhiều thị trường", Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản chia sẻ.

Trước đó, trong năm 2020, UBND huyện Thường Tín đã phát triển 1 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại chợ Vồi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Đến nay, các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện đang thu hút nhiều người tham quan, mua sắm.

Theo thống kê của huyện Thường Tín, huyện có 152 sản phẩm thuộc 17 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được UBND thành phố đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có 140 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao. Ngành hàng thực phẩm có 64 sản phẩm là những mặt hàng chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, ngành vải và may mặc có 688 sản phẩm sản phẩm đặc trưng, chất lượng tốt.

Đánh giá về thế mạnh sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Thường Tín hiện có 11 cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp. Huyện có 126 làng nghề, trong đó 49 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Đây là nguồn lực lớn trong Chương trình OCOP của huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, để phát huy thế mạnh địa phương, Thường Tín tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nêu bật vai trò của Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao... Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ chủ thể tiếp cận các chuỗi liên kết, Thường Tín đang xây dựng và mở rộng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để người dân có thể mua sắm, sử dụng các loại nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm