Hà Nội 360

Tiếng Hà Nội trong đời sống hôm nay

PGS.TS Phạm Văn Tình 18/11/2023 - 19:24

Ngôn ngữ của bất cứ cộng đồng nào cũng luôn có sự biến đổi theo thời gian. Điều này phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó, việc thay đổi cơ cấu cư dân đã tác động mạnh tới ngôn ngữ vùng miền.

Hà Nội là thành phố lớn, Thủ đô của một quốc gia đang có dân số xấp xỉ 100 triệu người, đương nhiên ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhưng dù thế nào, vẫn còn đó bản sắc ngàn xưa của tiếng Hà thành.

hn.jpg
Dù có nhiều yếu tố tác động, nhưng tiếng Hà thành vẫn giữ được bản sắc ngàn xưa. Ảnh: Lê Bích

“Siêu phương ngữ” - tiếng Hà Nội

Thuở sơ khai, kinh thành Thăng Long là một đô thị quy mô nhỏ, chia thành 2 phần chính: Hoàng thành và vùng nội đô (thường gọi là Kẻ Chợ). Thế rồi Thăng Long đổi thành Hà Nội. Qua bao thăng trầm lịch sử, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều biến đổi và lớn mạnh không ngừng.

Tiếng Hà Nội là tiếng Thủ đô của nước Việt Nam. Đó là tiếng của một vùng đô thị nhưng là đô thị đặc biệt nhất (so với mọi đô thị khác) bởi Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... của cả nước. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống nên tiếng Hà Nội đương nhiên trở thành ngôn ngữ điển hình, chuẩn mực. Và, vì "điển hình, chuẩn mực" mà tiếng Hà Nội có một ưu thế riêng.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà ngôn ngữ học coi tiếng Hà Nội là một "siêu phương ngữ", bởi nó hội đủ những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ quốc gia: Có hệ thống âm vị (nguyên âm, phụ âm, thanh điệu) đầy đủ, có lượng từ vựng cơ bản (so với tiếng Việt toàn dân) và những nét giao tiếp chuẩn mực (hiện tại, tiếng Hà Nội chỉ khác một chút với một số phương ngữ vùng miền khác là không có 3 âm quặt lưỡi r, tr, s).

Dù chưa được coi là "chuẩn quốc gia" nhưng tiếng Hà Nội đang được sử dụng rộng rãi trên báo chí, truyền thông và trong các nghi thức giao tiếp chính thức. Người nước ngoài và cả người Việt Nam từ phương xa đến, đều rất ngạc nhiên và thú vị khi thấy các thiếu nữ Hà thành xinh đẹp trong tà áo dài duyên dáng và "nói hay như chim hót".

Về cơ bản, tiếng Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ được bản sắc truyền thống của người Hà Nội hào hoa, thanh nhã, mượt mà... trong âm sắc, từ ngữ, cách nói năng ứng xử hằng ngày. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Cái thanh lịch trong câu ca dao này không thể không nói tới ngôn từ của người Hà Nội xưa.

Tiếng Hà Nội hôm nay

Hà Nội hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Có một sự thay đổi rất quan trọng, đó là sự thay đổi về dân số. Lấy mốc năm 1995 để so sánh, ta thấy số dân biến động nhiều: năm 1995: 2,431 triệu người, năm 2007: 3,228 triệu người, năm 2008 (sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội): 6,381 triệu người, và gần đây nhất, năm 2022: 8,418 triệu người. Sự tăng dân số này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân tăng cơ học, tăng do chuyển cư đang giữ vai trò chính làm ảnh hưởng tới "bức tranh tổng thể" của tiếng Hà Nội hôm nay.

Bây giờ, đi tới các vùng Hà Nội mở rộng như Quốc Oai, Thạch Thất..., ta sẽ nghe người ở các vùng này nói năng rất lạ. Đó thực sự là nét khác biệt mang tính thổ ngữ (tiếng của một vùng đất từng có lối sống riêng biệt, khép kín, ít giao lưu và tiếp nhận tiếng nói vùng khác).

Trước hết là sự khác biệt về ngữ âm. Bỏ đi mấy thanh điệu, người dân một số địa phương ở các khu vực này bỏ dấu huyền: "Con bo vang" chứ không phải "con bò vàng"; thay phụ âm đầu và thay dấu huyền bằng dấu sắc: "Sái khoai băm béo" chứ không phải "thái khoai băm bèo"; thay đổi thanh điệu: "Mệt rả rươi chứ không phải mệt rã rượi"... Nhiều người còn nói nhanh, "liến thoắng" làm người nơi khác nghe ngơ ngác, rất khó lĩnh hội.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hà Nội đã (và đang) tiếp nhận một số lượng rất lớn cư dân từ tỉnh, thành khác. Có thể có người chuyển về Hà Nội theo người thân, cũng có thể nhiều người chuyển về do công việc (và kéo theo là gia đình). Hà Nội là "tổng hòa" cư dân các dân tộc, các địa phương (khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam, miền núi) hội tụ trong một không gian đô thị ngày càng đậm đặc.

PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, trong chuyên luận nghiên cứu của mình ("Sự biến đổi ngôn từ của các cộng đồng chuyển cư đến Thủ đô - Nghiên cứu trường hợp cộng đồng Nghệ Tĩnh ở Hà Nội", NXB Khoa học Xã hội, 2007) đã khảo sát, thống kê và cho biết một số lượng cư dân không nhỏ từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã chuyển tới Thủ đô. Đây là cộng đồng chuyển cư lớn nhất và dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội, tác giả nhìn ra sự thay đổi ngôn ngữ của: 1) cộng đồng người Hà Nội nói chung; 2) cộng đồng người Nghệ Tĩnh với tư cách là "người nhập cư” nói riêng.

Người nhập cư thì phải "nhập gia tùy tục". Sự tiếp xúc, giao thoa với cộng đồng mới làm người Nghệ Tĩnh tự điều chỉnh đặc thù ngôn ngữ vốn có. Có nhân tố được bảo lưu và có nhân tố thay đổi. Tất nhiên, theo quy luật, tiếng Nghệ Tĩnh sẽ dần bị tiếng Hà Nội "đồng hóa" để thích nghi.

Theo PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, "sự biến đổi cách phát âm theo hướng nhích lại cách phát âm Hà Nội của cộng đồng Nghệ Tĩnh là một hiện thực". Nhiều người đã bỏ giọng miền Trung (có số lượng thanh điệu ít hơn 6, phát âm nặng trầm) để nói tiếng Thủ đô. Người Nghệ Tĩnh thế hệ F1 dĩ nhiên là biến đổi ít hơn so với F2, F3 và các F tiếp theo. Trong các thế hệ đó, các đặc trưng khác cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sự thay đổi. Sự khác biệt về giới tính (đàn ông, đàn bà), về nghề nghiệp, trình độ, tuổi tác... cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Chuyện một cô sinh viên gốc Nghệ An (mới ra Hà Nội học) cố tình nói tiếng Hà Nội (để không bị phân biệt, không bị kỳ thị hoặc đơn giản là không bị người bán bắt chẹt khi mua hàng) không phải là cá biệt. Chuyện trong một gia đình tồn tại nhiều cách nói (ông bà, bố mẹ, con cái... nói giọng khác nhau) cũng rất hay gặp.

Như vậy, vô hình trung, tiếng Hà Nội đã có sự đổi khác nhất định, đa dạng và không còn "thuần chất" như cách nói của Thăng Long "ba sáu phố phường" xưa. Các nghi thức, các lối nói của người Tràng An thanh lịch ngày nào (như lối xưng hô "cậu mợ", lời mời "Cụ dùng cơm ạ”, lời đáp "Không dám", "Con đội ơn cụ”...) cũng giảm dần và thay vào đó là cách nói của nhiều nơi, và có cả tiếng nước ngoài "trộn mã” chen ngang.

Có người cho rằng sự thay đổi như vậy làm mất đi bản sắc và xa hơn là mất đi nét văn hóa, vẻ đẹp của tiếng Hà Nội. Băn khoăn đó là có, nhưng không đáng lo. Tiếng Hà Nội vẫn cứ giữ nguyên cốt cách và "hồn vía" của nó. Ngay cả trong xu hướng hòa nhập, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, một phương ngữ riêng biệt, mang tính đặc thù và có sức sống mạnh mẽ như tiếng Hà Nội khi bị tác động, dù có "rung rinh" đôi chút thì vẫn đứng vững. Thay đổi là một quy luật tất yếu của giao thoa và tiếp biến ngôn ngữ.

Sự chấp nhận đổi thay của "siêu phương ngữ Hà thành" hoàn toàn hợp quy luật và điều này góp phần làm phong phú thêm tiếng Hà Nội hôm nay. Trong sự đan xen đa phương ngữ, sự hướng tới cách dùng "phổ dụng" với những ưu thế của một phương ngữ có nội lực mạnh, có truyền thống lâu đời cũng là một xu hướng hội tụ và tích hợp cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Hà Nội trong đời sống hôm nay