Xưa và nay

Đình Đại Lan

Thủy Hương 04/11/2023 - 15:33

Nằm trên địa bàn thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, đình Đại Lan được dựng vào khoảng thế kỷ XVII.

Đình nằm trong khuôn viên cùng với chùa và nghè, tạo thành một cụm di tích hoàn chỉnh. Xưa kia, cụm di tích này nằm sát bờ sông Hồng, do bị xói lở nên năm 1959, dân làng đã chuyển vào vị trí hiện nay.

dinh-dai-lan.jpg

Theo thần phả, đình Đại Lan thờ tam vị thành hoàng là Linh Hồ, Minh Chiêu và Chà Mục - những người có công phò Hùng Duệ Vương dẹp giặc Thục. Khi trở về, vua đã phong Linh Hồ là Tiền bộ tướng quân, Minh Chiêu là Tả bộ đô chiêu sứ, Chà Mục là Hữu bộ đô chiêu sứ. Sau khi hóa, ba ngài đã được nhiều đời vua phong là Thượng đẳng phúc thần và được dân làng tôn thờ là thành hoàng làng. Ngoài ra, đình cũng thờ một vị thành hoàng làng khác là Nguyễn Như Đổ - quan Thượng thư thời nhà Lê, người có nhiều công lao với đất nước.

Đình Đại Lan nằm sát ngôi chùa cùng tên, trên một khu đất cao ở thế rồng chầu, quay mặt về hướng tây nam. Tòa đại bái kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ, theo lối kiến trúc kiểu chữ “đinh”.

Tòa đại bái rộng ba gian hai dĩ, bốn góc mái đao đắp hình đầu rồng hướng vào trong đình. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu hổ phù đội mặt trời cách điệu, hai đầu là hai con rồng. Mái đình được đỡ bằng các bộ vì làm theo kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn, bẩy hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Nền các gian tôn cao 20cm làm chỗ cho các cụ cao niên bàn việc làng, gian giữa xây cao một khoảng bằng ô chiếu để hành lễ.

Nội thất tòa đại bái được trang trí bằng hệ thống đại tự, câu đối sơn son thếp vàng cùng nhiều hương án được chạm khắc tinh xảo. Đáng chú ý là bức hoành phi lớn hình cuốn thư sơn son thếp vàng, phần diềm chạm thủng hình rồng chầu mặt trời, long mã tranh châu. Dưới hoành phi là hệ thống cửa võng chạy suốt gian nhà cùng một hương án gỗ chạm nổi hoa văn tinh xảo.

Hậu cung là một nếp nhà dọc ba gian, mái lợp ngói mũi hài. Chính giữa là một khám lớn, bên trong đặt long ngai, bài vị của tứ vị thành hoàng.

Tại đình Đại Lan hiện còn bảo lưu được nhiều di vật quý như 11 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cuốn thư, cửa võng, long ngai, bài vị, hương án, án văn, 4 bộ kiệu có niên đại thế kỷ XVII - XVIII, 2 bát hương gốm thời Lê - Mạc, đôi lọ sứ thời Thanh...

Hội làng Đại Lan diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng hằng năm. Ngoài các nghi thức truyền thống, phần hội không thể thiếu trò đánh gậy được tái hiện nhằm tưởng nhớ công lao các vị thành hoàng.

Năm 1989, đình Đại Lan được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Đại Lan