Trả lại “nhan sắc” cho phố phường Hà Nội

Nguyễn Văn Học| 15/11/2019 16:21

(HNNN) - Hè phố là nơi thể hiện trình độ phát triển và lối sống văn minh của đô thị, là không gian dành cho người đi bộ. Nhưng vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Vì thế, việc giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, trả lại “nhan sắc” cho phố phường Hà Nội, để thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại là thật sự cần thiết.

“Con gà đẻ trứng vàng”

Để có thể đi bộ một cách thông suốt trên hè phố Hà Nội hiện nay là điều không đơn giản, bởi tình trạng lấn chiếm hè phố ở nhiều nơi. Có thể kể ra một vài điển hình như phố Triệu Việt Vương, đầy rẫy hàng quán cà phê và nhiều đoạn hè phố phải “nhường” chỗ để xe; phố Lương Văn Can, Hàng Cân luôn tràn ngập đồ chơi; phố Hàm Long la liệt bàn ghế, hoa nhựa; phố Lương Định Của nhộn nhạo người bán hoa quả... Còn biết bao hè phố cũng biến thành “điểm đen” bởi bàn ghế, xe cộ của các quán bia hơi, bún chả, cơm bình dân...

Có thể nói là muôn kiểu lấn chiếm, mạnh ai nấy biến hè phố thành nơi kinh doanh thu lợi cá nhân. Mặc dù một số tuyến phố ở trung tâm đã có sự sắp xếp phân ranh giới cho phần để xe đạp, xe máy, đồng thời đảm bảo được một phần không gian hợp lý cho người đi bộ, nhưng con số này không nhiều. Bên cạnh đó, một số tuyến phố đã cấm buôn bán hàng rong, tuy nhiên còn khá nhiều tuyến phố chưa bị cấm nên vỉa hè ở những nơi đó vẫn là nơi mưu sinh, thậm chí làm giàu của không ít người.

Phải khẳng định, chính quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển “nóng”, dân số gia tăng, cộng thêm tình trạng di dân tự do từ ngoại tỉnh vào Hà Nội đã dẫn đến tình trạng “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Nhiều khu vực ở Thủ đô mau chóng trở nên quá tải. Bức bối nhất có lẽ là khu vực trung tâm, nơi chứa đựng nhiều giá trị truyền thống của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Những nơi ấy thường được gọi là “đất vàng” và hè phố cũng trở thành “con gà đẻ trứng vàng”.

Đúng như câu nói dân gian xưa: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ”, nhiều người quan niệm cứ bám vào vỉa hè Hà Nội là có đất sống bởi ở đây thường đông người qua lại, mua bán nhộn nhịp. Phần lớn đối tượng chiếm dụng vỉa hè là những người buôn bán nhỏ - một bộ phận rất đông đảo trong thành phần dân cư Thủ đô hiện nay. Kiếm tiền từ vỉa hè khá dễ dàng nên họ phải bám vỉa hè bằng mọi giá, dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì lấn chiếm nơi khác, hoặc cùng một nơi nhưng sáng giải tỏa thì chiều tái lấn chiếm, thậm chí chỉ một vài giờ sau. Tình trạng trên khiến cho nhiều tuyến phố lúc nào cũng trở nên nóng rẫy, ngột ngạt.

Tôi từng có nhiều dịp đi cùng lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ và chứng kiến ở nhiều trụ sở Công an phường có cả đống lổn nhổn biển quảng cáo, ghế nhựa, bàn sắt và nhiều thứ đồ linh tinh khác đã bị thu giữ, lưu trữ nhiều năm. Vi phạm đương nhiên phải bị xử lý, nhưng tiếc là suốt nhiều năm qua, công tác xử lý vỉa hè vẫn là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục ở nhiều phường trên địa bàn thành phố, bởi chưa bao giờ xử lý được triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Và như ông Nguyễn Cường Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai) chia sẻ: “Việc quản lý vỉa hè luôn là bài toán khó mà lực lượng chức năng phải căng mình ra, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm!”.

Khắc phục bằng nhiều giải pháp

Lòng đường, vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm làm chỗ buôn bán.

Không chỉ ở Hà Nội hay các đô thị lớn của Việt Nam mà tại khá nhiều thành phố châu Âu, châu Á, khu vực trung tâm cũng có hiện tượng sử dụng vỉa hè vào các dịch vụ bán hàng, ăn uống, đơn cử như Singapore, Bangkok (Thái Lan), Hong Kong (Trung Quốc) hay Paris (Pháp), Praha (Cộng hòa Séc)... Rất phổ biến là dịch vụ giải khát và ăn nhẹ trên hè phố. Thậm chí ngay trên các đường phố ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng có những quán bán đồ nướng, bán mì (hoặc cháo, lẩu) dưới hình thức dựng lều bạt vào buổi tối phục vụ khách ăn đêm. Phải khẳng định, chính những dịch vụ này làm cho đô thị trở nên sinh động. Tại các quảng trường thì dịch vụ ăn uống giải khát càng phát triển, có khi suốt cả ngày. Ở các tuyến phố đi bộ thì dịch vụ bán hàng trên hè phố lại càng nhiều. Nhưng có một điểm chung ở các thành phố này là rất sạch sẽ, hiếm thấy chuyện vứt rác ra đường. Có lẽ chính quyền những nơi này đã có biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị mà vẫn giải quyết được nhu cầu mưu sinh của một bộ phận cư dân.

Ở Việt Nam, dẫu bức xúc nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hè phố luôn có đời sống của nó. Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh nhận định: “Mưu sinh ở vỉa hè cũng là một nét văn hóa, một thế giới riêng trong đời sống đô thị, là một phần bộ mặt của thành phố. Nghịch lý xảy ra là người nghèo vẫn phải sống, phải có cái ăn, cái mặc. Mà đã liên quan đến miếng cơm, manh áo thì việc cấm đoán là khó lắm thay”. Đồng quan điểm ấy, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, vỉa hè phải được sử dụng đúng chức năng cơ bản, dành ưu tiên tối đa cho hoạt động đi bộ.

Song nếu hiểu trật tự vỉa hè một cách đơn giản là thông thoáng hoàn toàn, tuyệt đối không có các hoạt động khác, thì sẽ triệt tiêu các hoạt động đô thị gắn liền với vỉa hè, phát sinh mâu thuẫn trong quản lý và phát triển. Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố như đèn chiếu sáng, thùng rác..., đặc biệt là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị và hoạt động “kinh tế vỉa hè”. Dù chỉ là “một phần” nhưng “kinh tế vỉa hè” cũng góp phần giải quyết một vấn đề kinh tế - xã hội mà chính quyền chưa thể giải quyết rốt ráo.

Vậy thì làm sao quản được vỉa hè, giữ gìn “nhan sắc” cho phố phường? Để giải bài toán này, theo các chuyên gia kinh tế - xã hội học, trước hết phải giảm nghèo đô thị, từ đó giảm số người bám hè phố mưu sinh. Chừng nào việc xóa nghèo đô thị chưa có bước đi nhanh thì việc chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ vẫn bị “giẫm chân tại chỗ”. Vẫn biết đây không phải là chuyện có thể xử lý trong “ngày một ngày hai”, nhưng rõ ràng không thể “bó tay” để tình trạng này tiếp diễn một cách nhức nhối, mà phải giải quyết thấu đáo bằng những quy định, những cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị, lao động việc làm, an sinh xã hội... đi kèm với trách nhiệm quản lý hết sức rõ ràng. Về vấn đề này, KTS Tôn Đại bày tỏ: “Giữ lấy ưu điểm và hạn chế nhược điểm của vấn đề, ta nên tiến hành mấy biện pháp sau: Nhất thiết phải thanh toán “chợ cóc” và “phố chợ”. Tất cả những người buôn bán nhỏ ở đây cần đưa vào các chợ được thiết kế quy củ, theo quy hoạch hợp lý.

Cần khắc phục những bất cập, bởi quy luật tiến lên của xã hội văn minh đòi hỏi có những điều phải “hy sinh”. Hơn nữa, thói quen mua nhanh theo kiểu “ghé qua” dễ sinh nhiều áp lực cho giao thông. Đối với người bán hàng, vào thuê chỗ trong chợ có cái lợi là cuộc sống ổn định, không phải thấp thỏm vừa bán hàng vừa lo “chạy trốn” nhà chức trách, lại có nơi chốn kinh doanh đàng hoàng với các thiết bị văn minh như đèn, quạt, khu vệ sinh công cộng... Hết chợ cóc, đường phố sẽ bớt tắc nghẽn, thông thoáng hơn, người đi bộ có thể đi trên vỉa hè an toàn và văn minh hơn”.

Các biện pháp xử lý hành chính rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải vận động, giáo dục để mọi người cùng nâng cao ý thức giữ gìn trật tự đô thị, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, và nhận thức được đó chính là trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi công dân Thủ đô đối với một di sản đô thị vô cùng giá trị và truyền thống văn hóa - lịch sử mà tiền nhân để lại. Việc chỉnh trang vỉa hè, trả lại vỉa hè cho không gian đi bộ, chấp hành các quy định quản lý vỉa hè... cũng chính là một cách thể hiện tình yêu và trách nhiệm với Thủ đô ngàn năm văn hiến hết sức thiết thực.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả lại “nhan sắc” cho phố phường Hà Nội