Hà Nội 360

Triển lãm “Mười năm phơi sáng” và sự biến đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô

Bảo Châu 15/07/2023 - 14:22

Bằng cách chọn 8 bức ảnh phù điêu từ triển lãm “Nhà Tây biến hình” (thực hiện năm 2012), nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã dùng chúng để “đối thoại” với 8 bức ảnh phù điêu mới được chụp đúng tại vị trí đó trong triển lãm “Mười năm phơi sáng” lần này.

Kéo dài trong 2 tháng (từ 19-5 đến 19-7), tại phòng tranh Art VietNam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), triển lãm đã giúp công chúng hình dung một cách rõ nét hơn về sự biến đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô sau 10 năm.

638245094909200803-35869620.jpg
Triển lãm “Mười năm phơi sáng” thu hút đông đảo khách đến xem.

Đặt ra câu hỏi lớn về bảo tồn

Trầm ngâm bên những bức ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, họa sĩ Nguyễn Xuân Lam cảm nhận bản thân như được ngồi trên một chiếc máy du hành thời gian trở về quá khứ. Trong vòng 10 năm qua, Hà Nội đã có những chuyển biến đáng kể và những tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là chứng nhân của sự thay đổi đó. “Ngắm nhìn những ngôi nhà cũ, khung cảnh từng quen thuộc giờ biến chuyển thành những biển hiệu ne-on hay cửa hàng xa xỉ cho tôi cảm giác nuối tiếc, hoài niệm nhưng đồng thời phấn khích về tương lai sắp tới. Sự sắp xếp của kỹ thuật “phù điêu ảnh” đã khiến cho những bức ảnh 2 chiều trở nên có chiều sâu hơn, khiến người xem cảm thấy như mình có thể bước vào trong đó” - họa sĩ Nguyễn Xuân Lam nhấn mạnh.

Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Bùi Kim Hiền cho rằng, “Mười năm phơi sáng” là triển lãm nghệ thuật đương đại mang đậm tính lịch sử. Ngoài những dấu ấn về thời gian, văn hóa còn là sự nhìn nhận mới mẻ của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn về nghệ thuật thị giác. Các tác phẩm của nghệ sĩ không đơn thuần là bản in, ảnh chụp nghệ thuật nhiếp ảnh thông thường trên bề mặt phẳng mà nó được điêu khắc nổi với lối sáng tác, kết hợp độc đáo của cả hội họa, điêu khắc, phù điêu và sự cắt ghép, xếp chồng lên nhau... theo lối 3D”.

Cũng theo họa sĩ Bùi Kim Hiền, tác phẩm “Kim ngân, kim nam” thể hiện ngôi nhà này giờ đây đã đổi chủ khác nhưng vẫn giữ nguyên nét tạo hình nhà, chỉ khác mỗi nét chữ điêu khắc. “Tôi thấy tác phẩm ấy còn đánh dấu giá trị của từng người sở hữu căn nhà ấy nữa. Những nét văn hóa sẽ còn được giao thoa và tiếp tục dòng chảy của nó. Nó cũng là nguồn cảm hứng cho tôi về chuỗi các tác phẩm mang giá trị văn hóa truyền thống sau dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” - họa sĩ Bùi Kim Hiền nhấn mạnh.

Họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung đánh giá, triển lãm “Mười năm phơi sáng” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn phản ánh được sự vận động chuyển mình và đổi mới của Thủ đô. “Những tác phẩm trong triển lãm thể hiện rõ được hiện trạng của các tòa nhà đã thay đổi rất nhanh và rõ rệt chỉ trong vòng một thập kỷ. Tốc độ thay đổi nhanh vô cùng, có thể đem lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho con người nhưng cũng đánh mất những nét đẹp văn hóa do nhu cầu sử dụng thay đổi của chủ tòa nhà. Những điều trên thể hiện được cách suy nghĩ và sự nhạy cảm của nghệ sĩ, đặt ra câu hỏi lớn về việc lưu giữ và bảo tồn như thế nào để xã hội vẫn luôn mạnh mẽ phát triển nhưng các giá trị văn hóa và nét đẹp của thời gian không bị mai một” - họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung chia sẻ.

638245094906860593-35799611.jpg
Một tác phẩm trong triển lãm “Mười năm phơi sáng”.

Tìm câu trả lời về một phần lịch sử của Hà Nội

Chia sẻ về việc thực hiện triển lãm này, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, trong suốt 10 năm qua, thỉnh thoảng anh quay lại ngôi nhà mà mình từng chụp trước đây và thử quan sát xem những ngôi nhà này biến đổi thế nào. Điều mà anh dễ dàng nhận ra là phần lớn các ngôi nhà này đều thay đổi. Và anh đã chọn cách trưng bày này như một sự so sánh. 16 bức ảnh phù điêu tại triển lãm chắc chắn sẽ khiến người xem suy ngẫm về việc bảo tồn di sản và nguy cơ biến mất của chúng trong quá trình đô thị hóa.

“Chứng kiến sự thay đổi bề ngoài của cảnh quan môi trường là cơ hội khám phá thú vị với mọi người, đặc biệt là đối với một nhiếp ảnh gia. Tôn vinh quá khứ đồng thời chào đón cái mới, người nghệ sĩ phải nắm bắt được bản chất tinh túy của đời sống con người hòa cùng những thay đổi trên bề mặt nhưng vẫn chất chứa trong sâu thẳm cái tinh thần và linh hồn của thành phố cổ kính này” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bộc bạch.

Là người đồng hành cùng dự án của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, những ai tham gia triển lãm này đều sẽ đặt ra câu hỏi, ngôi nhà này 10 năm, 20 năm sau sẽ như thế nào? Sự biến hình có diễn ra nhanh hơn không và những con người đang sống ở đô thị sẽ phải làm gì để các di sản của đô thị Hà Nội không bị xuống cấp trước sự biến động không ngừng của cuộc sống. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng chia sẻ cảm nhận, điều mà nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn quan tâm là khoảnh khắc, thời gian - yếu tố tham chiếu để chứng nghiệm cho tác phẩm của mình.

Những bức ảnh trong triển lãm này cho thấy sự biến đổi không ngừng của quá trình đô thị hóa, từ một ngôi nhà cổ, nay chỉ còn đống gạch vữa, thậm chí là biến mất. Tất nhiên chúng ta phải bằng lòng với nhau rằng, đó là xu hướng tất yếu của thời đại. Đáng chú ý, nhà nghiên cứu này cũng phát hiện và nhấn mạnh: "Xem triển lãm, chúng ta thấy chủ căn nhà mới và căn nhà cũ dường như không liên hệ gì với nhau và cũng không quan tâm đến giá trị lịch sử của căn nhà. Nhìn theo nghĩa hẹp là sự thay đổi chủ sở hữu này sang chủ sở hữu kia, nhưng nhìn theo nghĩa rộng thì đó là sự biến đổi của văn hóa. Nếu ở thời điểm cách đây 10 năm, trước mỗi ngôi nhà sẽ có bức đại tự gắn với cốt cách của gia chủ, còn hiện nay, ở vị trí đó là các biển hiệu quảng cáo cho các nhãn hàng và rõ ràng là chúng không liên quan đến gia chủ, đơn giản là họ cho thuê mặt bằng”.

Sau hơn 1 tháng diễn ra triển lãm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn vui mừng khi nhận được những phản hồi tích cực của người xem. Triển lãm thêm sức hút khi nằm trong khuôn khổ “Photo Hanoi’23 - Biennale Nhiếp ảnh quốc tế”. Thông qua những tác phẩm của mình, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn mong muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thay đổi của kiến trúc đô thị trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

“Nhìn vào những bức ảnh phù điêu về những ngôi nhà với mọi hình hài, đâu đó chúng ta vẫn xúc động khi bắt gặp bóng hình của một đô thị cổ với những nét kiến trúc đặc trưng, với ký ức và câu chuyện phía sau nó, để rồi tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình về một phần lịch sử của Hà Nội” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Mười năm phơi sáng” và sự biến đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô