Người dân xã Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng, điệu hát trống quân đặc sắc của vùng có từ vài trăm năm trước. Không gian diễn xướng vùng này rất phong phú. Ngày trước, khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Tô Lịch và sông Nhuệ, chủ yếu là thanh niên trong làng lại rủ nhau ra đôi bờ sông hát đối đáp. Họ có thể hát qua đôi bờ hay nam dưới thuyền, nữ trên bờ, hoặc cũng có thể hát trên sân đình vào những ngày hội làng... Hình thức hát độc đáo nhất của hát trống quân Khánh Hà là mượn dòng sông làm nơi diễn xướng.
Nghệ nhân hát trống quân Nguyễn Thị Điệp chia sẻ, số người biết hát trống quân ở xã Khánh Hà đã có giai đoạn bị mai một. Nhận thấy nguy cơ sắp mất đi một nét văn hóa, những người đam mê làn điệu trống quân ở địa phương đã tập hợp nhau lại để cùng gìn giữ. Nhờ đó năm 2005, Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà được thành lập. Để gây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho con cháu, mỗi năm, câu lạc bộ mở một lớp tập hát trống quân cho khoảng 20 học sinh trong độ tuổi 9-15. Qua 17 năm, đã có hàng trăm người dân trong các thôn được truyền dạy hát trống quân. Trong đó, nhiều thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt, biểu diễn dịp hội làng, lễ, Tết...
Chứng kiến không khí say sưa tập luyện của thành viên câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà mới thấy rõ niềm đam mê, yêu văn nghệ của người dân nơi đây. Những câu luyến láy da diết của các "nghệ sĩ chân đất" cất lên thật đằm thắm, cuốn hút lòng người...
Cán bộ văn hóa xã Khánh Hà Kiều Thị Dung chia sẻ, nhờ có Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà mà loại hình nghệ thuật này vẫn được duy trì, ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt lớp trẻ cũng gắn bó hơn. Đã có nhiều ca nương nhí sinh hoạt ở câu lạc bộ và trưởng thành.
Hát trống quân Khánh Hà có rất nhiều làn điệu như cò lả, giao duyên, hát đối, họa hoa, họa trời, họa đất, hát gọi... Hàng trăm bài trống quân được sáng tác dựa trên những làn điệu cơ sở với nội dung khác nhau về mọi mặt của đời sống, tất cả tạo nên kho tàng hát trống quân cần lưu giữ và truyền dạy. Xã Khánh Hà được đánh giá là một trong những nơi phục dựng môn nghệ thuật này tương đối sớm và hoạt động hiệu quả.
Nhờ công sức của lớp nghệ nhân cao tuổi trong sưu tầm các làn điệu cổ và truyền dạy cho thế hệ trẻ mà mạch nguồn truyền thống cha ông để lại ở Khánh Hà không bị đứt đoạn. Những câu hát dân gian mượt mà, thắm đượm ân tình đất và người Khánh Hà trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Bề dày truyền thống cũng từ đó được vun đắp qua từng thế hệ.
Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Hát trống quân xã Khánh Hà Lê Văn Ba cho hay, bước qua thời điểm khó khăn, giờ đây trống quân Khánh Hà được nhiều người biết tới, đặc biệt là lớp trẻ. Khi Khánh Hà được cấp trên đầu tư, hát trống quân đã vượt ra khỏi ranh giới của vùng quê, nhiều lần biểu diễn ở Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội và giành được nhiều giải tại Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội. Thời gian tới, địa phương cùng các trường học trên địa bàn đưa làn điệu trống quân vào sinh hoạt văn nghệ, chương trình học âm nhạc của nhà trường, qua đó, tìm ra thêm nhân tố kế cận, xây dựng câu lạc bộ phát triển bền vững.
Chia tay Khánh Hà trong lời hát mượt mà: "Cô cả, cô hai đấy ơi/Muốn về Đan Nhiễm với anh thì về", câu hát như lời mời gọi về Đan Nhiễm, Khánh Hà để nghe điệu hát trống quân đậm đà...