Chợ Tết Hà Nội

PGS.TS Đỗ Thị Hảo| 23/01/2023 07:10

(HNMCT) - Thăng Long - Hà Nội là cái “chợ lớn” của nhiều “chợ quê”, vì thế, nơi đây còn có tên “Kẻ Chợ”. Người xưa nói: “Hội nhân như hội thủy”, mà Thăng Long - Hà Nội là nơi “đất lành chim đậu”, là mảnh đất thiêng, xứng đáng là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (“Chiếu dời đô”).

Xúng xính đi chợ Tết. Ảnh: Hiền Anh

Thăng Long xưa tuy là kinh đô, là thành thị, có phân biệt với nông thôn nhưng lại không thể tách biệt khỏi nông thôn. Nếp sống, thói quen rồi nét sinh hoạt hội hè, chợ búa... mà người bốn phương mang từ làng quê mình ra đất kinh kỳ khiến cho thành thị Thăng Long - Kẻ Chợ mang đậm dấu ấn của kẻ quê - thôn dã xóm làng. Do nhu cầu của xã hội cũng như do vị trí làm ăn thuận tiện, thương nhân các nơi đổ về Thăng Long nên phố xuất hiện khá nhanh và theo đó là các chợ mọc lên la liệt trên các lề đường, góc phố thậm chí tràn ra mặt đường, ngã tư, các bãi trống... Đặc biệt, những ngày rằm, mùng một âm lịch là những ngày chợ phiên, dân các làng lân cận hay các vùng quê đem hàng hóa đổ về đông không kể xiết. Nhiều phố vốn rộng rãi quang đãng lúc ấy cũng chật ních người, đôi khi lách vào trong đám đông nhích từng bước - trong nửa giờ được trăm bước cũng cảm thấy sung sướng lắm rồi (theo "Mô tả Vương quốc Đàng ngoài" của Samuel Baron).

Những người bán hàng ngồi xổm trước chiếc thúng tròn bày bán đủ thứ: Kim chỉ, thuốc lào, rau quả, khoai sắn, thóc gạo... mùa nào thức ấy. Để che mưa nắng, họ cắm bốn chiếc cọc tre xuống đất rồi đặt cái nón rộng vành lên trên làm mái che. Quang cảnh người mua kẻ bán bày ra trước mặt mọi người thật náo nhiệt và đầy màu sắc. Vào khoảng những năm 1884 - 1885 việc họp chợ ở dưới lòng đường bị cấm, tất cả được dồn vào bốn chợ chính là chợ Gạo, chợ Hàng Tre, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bài (chợ Hôm), đó là không kể những chợ lẻ rải rác ở vùng ven đô. Lúc bấy giờ chợ không còn sơ sài như xưa mà được dựng bằng những lều quán hay cầu chợ xây bằng gạch. Đến tháng 6 năm 1886, chợ Gạo chuyển về khoảnh đất ở tổng Đồng Xuân, vì thế, dân gian gọi là chợ Đồng Xuân. Có thể nói Đồng Xuân là chợ lớn nhất của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, là hình ảnh của Kẻ Chợ khi xưa, đúng như câu ca dao: “Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Thức gì cũng có xa gần bán mua”.

Chợ là nơi mua bán, đáp ứng nhu cầu thường nhật của người dân, vì thế ở đâu có dân là ở đó có chợ, Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Song không chỉ có thế, chợ còn là nơi phản ánh, thể hiện nếp sinh hoạt, những tập tục, cách ứng xử của người dân địa phương, nhất là những phiên chợ Tết. Cụ thể như ở chợ Bưởi, nằm giáp ranh giữa làng Bưởi và nội thành Hà Nội. Chợ họp vào những ngày mùng 4, mùng 9 âm lịch hằng tháng. Có lẽ, những người gốc Hà Nội hoặc đã từng đôi lần đặt chân đến chợ Bưởi xưa sẽ không thể nào quên ấn tượng thích thú và mới lạ đã đeo đẳng họ suốt đời. Đó là những bó lá dong chồng chất, những ống giang để chẻ lạt, rồi những cầu chợ bày la liệt quần áo mới của trẻ con, người lớn, những quầy hương, nến, dầu đèn, những gánh mùi già tắm tất niên..., đặc biệt là cảnh làm lễ trước khi mổ trâu tế thần và ăn đụng vào dịp Tết ở chợ Bưởi. Con trâu được moi hết phủ tạng, nhồi rơm ướt vào bụng thật căng, khâu lại rồi nổi lửa thui cho tới khi thịt chín da vàng ruộm, thịt bên trong vừa mềm vừa ngọt. Người mua có thể ăn ngay hoặc mang về luộc bằng nước mắm hay tương ăn suốt ba ngày Tết.

Chợ hoa Tết lại mang một dáng vẻ khác. Đến với chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược vào những ngày sắp Tết, ai cũng cảm thấy một thiên đường hoa bày ra trước mắt. Chợ một năm chỉ họp một lần. Vào khoảng mùng ba tháng Chạp, trong cái rét ngọt se se lạnh, mới lác đác xuất hiện vài người mang những cành đào nở sớm từ vùng đào Nhật Tân đến, rồi những chậu quất từ Tứ Liên lên, nhưng từ ngày 25 tháng Chạp trở đi thì những người bán hoa đứng chen chân. Nào đào bích, đào phai, mai trắng, thủy tiên... Trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, được đắm mình trong hương sắc của hoa xuân Hà Nội, chắc bất cứ ai cũng sẽ quên đi những mệt nhọc, lo toan vất vả của cuộc sống đời thường. Dưới con mắt tao nhân mặc khách, đến chợ hoa Hàng Lược vào ngày giáp Tết chẳng khác gì một dòng sông hoa đào sôi động thắm đỏ, êm trôi đẹp bỡ ngỡ nao lòng. Và, nếu nhắm mắt lại suy tưởng về thuở hồng hoang của con sông Tô chảy ven thành Thăng Long cũ, sẽ thấy đường phố rợp hoa kia là làn nước mênh mông, bãi bờ bát ngát. Phải chăng, cũng ở nơi này gần cửa phía Đông của thành Đại La, thuyền của vua Lý từ sông Hồng rẽ vào sông Tô đã đậu ở đây để lên thành, thấy rồng vàng hiện trên nền trời lấp lánh nên mới đổi Đại La thành Thăng Long. Thế mới biết, chỉ một đoạn phố nhỏ mạn chợ hoa Hàng Lược đã có bao dấu tích huyền thoại và bề dày lịch sử - văn hóa, khiến ta càng thấy tự hào về đất nước, về Hà Nội yêu dấu...

Phố phường Hà Nội nhộn nhịp cảnh mua sắm đón Tết. Ảnh: Hoàng Hiếu

Chợ Tết không chỉ có hoa đào, hoa mai, có quất vàng trĩu quả, mà từ chợ tỉnh đến chợ quê còn bày bán những cành hoa giấy, hoa lông gà lông vịt (Triều Khúc), những tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng với đề tài tiến tài tiến lộc: Cá vượt vũ môn, bái tổ vinh quy, cuộc sống no đủ, sung túc, thanh bình như tranh gà, lợn, em bé cưỡi trâu thổi sáo... Đặc biệt, có một phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào sáng 27 tháng Chạp, dân gian gọi là chợ “Hiếu thảo” tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày nay. Chợ chỉ bán một loại hàng, đó là cháo. Cháo nấu từ gạo mới gặt, được quấy thật sánh, bên trên rắc hành phi thơm lừng, người bán đặt sẵn chiếc niêu đất vào chiếc quang nhỏ, ai mua chỉ việc múc cháo xách mang về. Có điều lạ là người mua đều là những nàng dâu, họ mua về để biếu bố mẹ chồng. Phải chăng vì thế mà chợ có tên là “Hiếu thảo”? Đã lâu rồi chợ không còn nữa, nhưng ký ức về nó vẫn luôn sâu đậm trong tâm thức những người già trong làng.

Lạ hơn, đến với chợ Đình (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vào những phiên áp Tết, điều đầu tiên đập vào mắt mọi người là một dãy hàng “thầy bói”. Mọi người chen nhau vòng trong vòng ngoài, ai cũng mong giải hạn, hy vọng sang năm mới được nhiều may mắn, an lành. Chợ có tục lệ mà không đâu có, đó là tục “cắt đúm”, người xưa còn gọi là "đi chợ cầu duyên". Trai gái gặp trắc trở về đường tình duyên, sau một vài phiên chợ chắc chắn sẽ gặp được người như ý...

Qua thời gian, nhiều chợ của Hà Nội đến nay chỉ còn lại cái tên trong ký ức của những người già cả, như chợ Đuổi, chợ Hàng Gà, chợ Võng Thị, chợ Yên Quang... Những chợ còn lại hầu hết đã trở thành siêu thị chợ Bưởi, chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, một kiểu chợ quá quen thuộc ở các nước công nghiệp phát triển. Ở đấy, người mua cứ yên ắng chọn hàng vào giỏ, ra cửa đã có người tính sẵn qua máy, đưa biên lai trả tiền, tất cả diễn ra trong sự khô khan sòng phẳng. Ở đây không còn những nét quen thuộc khiến người ta quên đi nỗi nhọc nhằn, hòa vào không khí hồ hởi thân thương, hồn cốt của chợ xưa nữa...

Nhưng dù là chợ Tết xưa hay chợ Tết nay thì đó vẫn là không gian đầy đủ nhất, hào nhoáng nhất để từ không gian này, những vật dụng, món hàng Tết tỏa đi khắp nẻo, đem lại một cái Tết đủ đầy, ấm cúng cho muôn nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ Tết Hà Nội