Theo sử sách, năm 1131, vua Lý Thần Tông cho xây đền nhằm tri ân công ơn của Lý Quốc Sư - vị Quốc sư thời Lý, hay Thiền sư Minh Không (1066 - 1141). Tấm văn bia “Trùng tu Thiên Thị từ ký” do Tiến sĩ Lê Đình Diên soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) có ghi lại lịch sử của ngôi đền Lý Quốc Sư như sau: “Đền chợ Tiên ở huyện Thọ Xương thờ Minh Không Quốc sư. Tương truyền: Quốc sư có công chữa bệnh cho vua triều Lý (tức Lý Thần Tông), bị mắc bệnh “hóa hổ” nên được lập đền thờ”. Phía bên phải đền, xưa có tháp Báo Thiên do Quốc sư dựng lên. Đây là một trong bốn “An Nam tứ đại khí” gồm: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.
Năm 1932, vị trụ trì đền là thiền sư Nguyễn Văn Định (hiệu là Quang Huy) đã bài trí thêm tượng Phật, nên từ đó đền trở thành chùa. Sau nhiều thế kỷ, chùa Lý Quốc Sư đã trải qua nhiều lần tu sửa. Lần trùng tu lớn nhất vào năm 1954, sau khi chùa bị thực dân Pháp phá hủy trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (1946). Quy mô, kiến trúc chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu năm 2000.
Chùa có bố cục khá đặc biệt với phía trước được thiết kế kiểu chữ “quốc”, hậu chữ “đinh”, trong khuôn viên khép kín gồm tam quan, phương đình, 2 dãy giải vũ mỗi dãy 3 gian, 3 gian tiền tế, tam bảo, hậu cung gồm 5 gian và khu thờ Mẫu.
Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật được phát hiện trong các lần trùng tu lớn vào năm 1674 và năm 1855 như: Hệ thống tượng chân dung bằng đá gồm tượng phụ mẫu Quốc sư Minh Không, tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải thiền định mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII - XVIII; cây hương đá Thiên Thạch trụ cao 3m được trang trí họa tiết cánh sen, hoa cúc dây, lá đề mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII; những viên gạch vồ đen có niên đại thế kỷ XVII cùng bia đá, chuông đồng, cửa võng, nhang án, câu đối, đại tự và gần 40 pho tượng tròn.
Chùa Lý Quốc Sư đến nay vẫn mang dấu ấn của một ngôi đền thờ nhân thần và một ngôi chùa Phật giáo, đồng thời là nguồn lưu giữ tư liệu lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Năm 1995, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.