Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (xã Đại Yên) Đặng Đình Tiên thông tin, từ năm 2001, công ty đã đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà đẻ trứng với diện tích 10ha, quy mô 71.300 con gà; xây dựng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày. Hằng tháng, công ty cung cấp cho các công ty, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài thành phố khoảng 2 triệu quả trứng và hơn 2 tấn thịt gà. Nhờ đó, công ty đã kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm ở các chuồng trại, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Còn theo ông Đặng Đình Hậu (xã Lam Điền), thực hiện dự án phát triển bò thịt BBB chất lượng cao, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, ứng dụng hệ thống làm mát, máng ăn, cấp nước tự động, đệm lót sinh học. Hiện gia đình ông có 60 con bò lai BBB và dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng lên 100 con. Giống bò này cho năng suất, chất lượng cao, doanh thu khoảng vài trăm triệu đồng/năm, cao gấp 2-3 lần so với chăn nuôi bò thường.
Theo Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, gồm: 5 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; 7 xã có khu chăn nuôi tập trung rộng 114,8ha..., với 203,5 nghìn con lợn; 6,2 triệu con gia cầm; 13,1 nghìn con trâu, bò... Ngoài ra, huyện Chương Mỹ còn có 583 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và là một trong những địa phương có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi lớn, như: CP, JAPA... (khoảng hơn 100 trang trại). Các trang trại ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi này, không chỉ giúp tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn gặp không ít thách thức trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất; hạn chế trong dự báo nhu cầu, thông tin thị trường... Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền) Lâm Thị Hương cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã về vốn, với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi mua giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao; mở các lớp tập huấn kiến thức cho người chăn nuôi sử dụng các trang thiết bị hiện đại từ sản xuất đến giết mổ, chế biến sản phẩm. Mặt khác, hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng thương hiệu, tem mã QRcode; liên kết với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa chăn nuôi an toàn vào các kênh phân phối hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu thông tin, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, chăn nuôi hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, giết mổ, bảo quản sản phẩm...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề xuất các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách về đất đai, vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Đồng thời, huyện còn hỗ trợ các hợp tác xã về nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để nông nghiệp trên địa bàn phát triển hiệu quả, bền vững; chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Huyện tiếp tục hỗ trợ cho các trang trại, hợp tác xã lựa chọn những sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.