Hà Nội văn

Chuyến đi xa

Truyện ngắn của Lữ Mai 15/10/2023 - 07:53

Vun xong đống thóc, phủ bạt, chèn gạch xung quanh cẩn thận, bà Huê gạt mồ hôi, ngửa mặt trông trời. Cơn mưa đằng đông vừa trông vừa chạy. Tuổi già mắt mờ chân chậm, hai đứa cháu tuổi ăn tuổi lớn đang bận thi cuối kỳ, việc nhà cửa, mùa màng trút hết lên vai bà.

Mây ùn ùn kéo đến, từng bọng đen nặng nề chứa đầy nước mưa, sấm chớp chỉ chực chờ vỡ òa, trút xả. Hai đứa này đã non trưa sao chẳng thấy mặt mũi đâu, bình thường thi cử sẽ về sớm với bà?

minh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

“Bà, bà ơi! Cháu đói!”, giọng thằng Bình í ới ngoài ngõ. Nối gót nó là cái Vinh, vừa xách cặp vừa hổn hển: “Em chỉ biết mỗi ăn thôi. Mau chạy lúa cho bà”. Bà Huê mỉm cười hiền hậu, bao mệt nhọc tan biến: “Chờ hai đứa về thì cả sân lúa chảy hết xuống cống rồi. Mau vào đây ăn chè, vừa kịp nguội, tha hồ mát dạ nhé”. Nhìn hai đứa vừa ăn vừa xuýt xoa ngon lành, bà bỗng xót lòng xót dạ, mắt rưng rưng nhìn khoảng sân mưa đã bắt đầu rơi.

***

Đã chẵn tháng kể từ lúc Nhiên, con dâu bà rời khỏi nhà. Hôm ấy cũng có cơn mưa đằng đông, hai đứa trẻ thì chưa đi học về. Giọng con dâu đọng nước nhưng bình tĩnh: “Con xin mẹ cứ tạm thời nói với các cháu rằng con đi công tác xa một thời gian, nếu việc suôn sẻ con sẽ về nhà. Bằng không, xin mẹ thứ lỗi cho con...”. Bà Huê tay ôm chiếc nón mê đã sờn, mắt dõi ra khoảng sân đang mưa. Vừa nãy Nhiên vẫn chạy mưa, thu hết mấy nong bột sắn dây, đỗ tương đang hong phơi dù trên người đã mặc sẵn bộ quần áo mới chuẩn bị đi. Nhưng con dâu đi đâu, bà Huê không biết. Chỉ biết đứa con dâu mình thương như con đẻ đã chủ động viết đơn ly hôn gửi lại bà, chờ chồng về phép sẽ ký vào. Hai vợ chồng chưa từng cãi vã. Hai đứa con thông minh sáng dạ. Ngần ấy năm sống chung, bà Huê thừa hiểu với bản tính nhân hậu, mực thước của một cô giáo ắt phải có nguyên nhân sâu xa.

Nhân - chồng của Nhiên là bộ đội, công tác trên biên giới, năm đôi lần về phép. Bố chồng cô xưa cũng là bộ đội, gắn bó với biển đảo tới tận lúc nghỉ hưu, sống bên vợ con được dăm năm thì qua đời. Cảnh nhà không có đàn ông, con thèm hơi bố, vợ tủi thân vò võ một mình bà Huê thấm lắm, mà nào dám kêu than. Cả làng lấy bà làm gương răn dạy con cháu. Người phụ nữ đương xuân, khỏe khoắn, tươi tắn tối ngày làm lụng, dạy dỗ con cái giỏi giang, ngoan ngoãn. Nhân là trường hợp duy nhất của xã thi đỗ Học viện Biên phòng. Còn Thùy theo ngành y, bao năm trời vừa làm bác sĩ, vừa làm vợ, làm mẹ, mà vẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Anh em Nhân, Thùy là niềm tự hào của cả làng, cả họ.

Biết chuyện của Nhiên, làng xóm không ngừng điều ra tiếng vào: “Ngày xưa một mình bà Huê gánh vác, khổ cực bao nhiêu còn chịu được. Giờ tuy chồng ở xa nhưng mẹ chồng đỡ đần cơm nước nhà cửa, ngày cũng chỉ hai buổi đi dạy, sao mà đến nỗi phải bỏ chồng?”, “Cả làng mấy ai được mẹ chồng chiều chuộng như thế?”, “Từ xưa đã biết thằng Nhân là bộ đội biên phòng, quanh năm công tác ở biên giới, sao không bỏ luôn đi còn yêu đương cưới hỏi làm gì để giờ tội mẹ già, con dại?”... Tất cả câu hỏi ấy, không ai trả lời được. Bà Huê nuốt nước mắt vào trong. Thậm chí có lúc bà từng nghĩ, mỗi thời mỗi khác, nếu quả thật con dâu không chịu nổi cảnh xa chồng thì cứ đi, còn hơn sống vật vờ rồi đến một ngày nào đó lại vỡ ra những điều khiến bao người đớn đau, hờn tủi. Thuở xưa bà được cả làng ngợi khen tảo tần, son sắt, hy sinh thầm lặng, mấy ai biết bà đã phải gồng mình lên và chịu đựng những gì.

Nhân đóng quân nơi biên giới mà vợ ở nhà lại đòi ly hôn, còn nỗi đau đớn nào bằng. Thế nên bà Huê giấu tiệt, còn dặn họ hàng quen thân không được nhắn gọi, thông tin. Mọi người đều hiểu cả. Nhưng ấy là không loan tin đến Nhân, chứ vẫn xì xào to nhỏ. Có người lại để ý thấy cô mấy tháng nay thỉnh thoảng lại ăn mặc chỉn chu, xách túi lên đường. Ai hỏi toàn nói đi tập huấn, mà tập huấn thì mấy cô giáo cùng trường cũng phải đi cả chứ, đằng này mỗi Nhiên đi. Có người mỉa mai, hờn mát rồi nói thẳng vào mặt, thế mà cô vẫn lùi lũi đi. Riêng mẹ chồng thì không nói gì, vẫn luôn chuẩn bị đồ ăn cho con dâu lót dạ trên đường, chỉ hỏi bao giờ về với đám trẻ. “Mẹ thích quà gì con mua cho mẹ?”, mấy lần Nhiên hỏi thế, bà Huê nắm tay con dâu, mắt hơi rơm rớm: “Mẹ già rồi quà cáp gì nữa, con về sớm dắt hai đứa đi chợ xem chúng nó thích gì thì mua, đừng mua gì trên phố, đắt lắm mà nhỡ đâu không vừa ý chúng nó”.

***

“Có ai ở nhà không? Mưa gió thế này, may nhà vừa phơi hết lúa!” - tiếng ông trưởng họ sang sảng đầu hồi. Ông cụp chiếc ô sũng nước, đôi ủng rút ra cũng lõng bõng toàn nước. Hai đứa trẻ ăn xong đã đi học bài. Ông hạ giọng, ý tứ: “Bà xem thế nào, tình hình này là không giấu thằng Nhân được nữa đâu. Thể nào chẳng đến tai nó. Thà chủ động nói ra còn hơn ít nữa nó về lại oán trách cả nhà giấu nhẹm cái chuyện tày đình”. Bà Huê chưa kịp đáp, ông lại hỏi dồn: “Thế ý cái Thùy thế nào?”. “Nó lo cho bệnh nhân, lo con cái nhà cửa đã bở hơi tai. Nghĩ mà thương đứt ruột hai đứa con nhà nó, nội ngoại đều ở xa”. Ông trưởng họ miệng “chậc, chậc” cảm thông nhưng rồi lại chất vấn, khuyên nhủ bà Huê không nên giấu Nhân chuyện vợ đã đi khỏi nhà. Thường ngày hiền lành nhưng ẩn giấu trong tính cách bà Huê là sự cứng cỏi, bản lĩnh. Bà nói chắc như đinh: “Chuyện chưa rõ sự tình thì không ai được nói. Tôi đã xin với bác trưởng cho tôi thời gian mà”. Ông trưởng họ thở dài, đứng dậy bật ô, xỏ ủng ra về.

Bà Huê ngồi trên chiếc bàn cũ kỹ con dâu vẫn thường ngồi soạn giáo án hằng đêm. Ngăn kéo bên phải là những chồng thư Nhân viết từ thời hai người chớm yêu tới tận ngày sắp cưới, Nhiên dùng dải lụa màu xanh buộc lại theo từng năm. Ngăn bên trái toàn đồ kỷ niệm Nhân tặng, mấy chiếc cặp tóc nhỏ xinh, khung ảnh bé bằng lòng bàn tay lồng hình hai đứa, và cả những khung ảnh như thế nhưng thêm hình các con. Tấm thiệp màu xanh có lời nhắn nhủ của Thùy gửi Nhiên nhân ngày sinh nhật thuở anh chị mới cưới nhau: “Em đã chọn một con đường gian khó, đằng đẵng bao năm với phòng khám, bệnh viện, trực đêm..., chứng kiến bao niềm hạnh phúc và mất mát. Chắc mẹ không thể trông cậy được vào em. Trên biên giới, anh Nhân cũng thế. Mong chị hãy yêu thương thật lòng, hãy làm chỗ dựa cho cả nhà mình nhé!” Nước mắt bà trào ra, không biết giờ này Nhiên ở đâu, làm gì, thực sự đã xảy ra chuyện gì...

***

“Đây bác xem, cháu chụp lại từ màn hình ti vi, chỉ loáng thoáng thôi nhưng giống chị Nhiên lắm!”. Đứa cháu họ đưa cho bà Huê xem hình chụp trên điện thoại. Gương mặt người phụ nữ bên cạnh nhóm người hơi mờ nhưng trang phục, thần thái giống hệt Nhiên. Bà nhận ra cả chiếc áo màu tím cổ sen Nhân mua cho cô trong một lần được về phép. Điện thoại reo, là số của Thùy, giọng con gái đầy gấp gáp: “Mẹ ơi! Mẹ đi tìm chị Nhiên đi. Lúc chuẩn bị lên xe đi công tác, con loáng thoáng thấy chị Nhiên vào viện. Chị gầy và xanh lắm. Mẹ tìm chị, có chuyện gì nhớ báo cho con”.

“Cháu ở nhà cùng mọi người trông nom hai đứa trẻ, bác đi một chuyến xem sao”, sau lời gửi gắm người cháu họ, bà Huê lên đường. Thành phố ngột ngạt, oi ả. Từ bến xe, bà bắt xe ôm đến đúng địa chỉ người cháu họ đã ghi theo thông tin từ phóng sự phát trên truyền hình: “Xóm ung thư”! Vừa hỏi thăm ở đây có ai tên Nhiên, mấy người đã chào đón, chỉ dẫn: “Cô ấy trọ ở phòng cuối, nhưng giờ này chắc đang tập trung nấu cháo đưa vào bệnh viện. Bác thử ghé phòng 12 nhà chú Xuân, nồi cháo chung của xóm đặt ở đó”. Mồ hôi tuôn lạnh sống lưng, bà Huê lần chần tiến đến. Một nhóm phụ nữ người nhặt rau, người băm thịt, khuấy cháo. “May có cô Nhiên, xóm không phải lo đến thực đơn nữa. Phụ nữ khéo tay có khác, mấy bác đã di căn cũng được đôi thìa cháo cầm lòng”. “Thế bệnh tình cô ra sao mà chẳng thấy người thân qua lại đỡ đần. Cứ lầm lũi đi dọn nhà thuê, rồi về xóm nấu cháo thiện nguyện, lấy đâu ra tiền mà thuốc thang?”... Đôi chân bà Huê run lên, khuỵu xuống. Nhiên đã gầy đi nhiều, hai quầng mắt trũng sâu, thâm đen, nghe mọi người nói vẫn cố nhoẻn cười. “Nhiên ơi! Con ơi!”. Nghe tiếng gọi, cô sững sờ buông vội chiếc muôi lớn trên tay rồi chạy vụt ra ôm chầm lấy bà. “Con ơi! Sao ra nông nỗi này, sao không nói một lời với mẹ”...

***

Nhiên ngồi ở mé giường, cạnh đống hành lý mẹ chồng đã sắp xếp cho cô chuẩn bị về quê theo bà. Đêm trước hai mẹ con rủ rỉ trò chuyện tới gần sáng. Bà Huê vỗ về, nhắn nhủ cho con dâu hiểu chuyện mình, chuyện đời. Bà không đồng tình khi Nhiên nghĩ rằng mình mắc bệnh ung thư sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và việc ly hôn sẽ giải thoát cho Nhân. Chẳng bất hạnh nào bằng trong một gia đình lại không được sẻ chia, gánh vác cùng nhau. Giọng bà Huê tình cảm mà kiên quyết: “Con sẽ không bao giờ phải chịu đựng một mình. Mẹ sẽ họp họ hàng, sẽ gọi Nhân về, sẽ báo cho em Thùy, tất cả mọi người đều ở bên con”.

Ngoài hiên dãy trọ, mọi người vội vã thu gom quần áo trên dây phơi, xôn xao cơn mưa to lắm nhưng Nhiên lại thấy ấm lòng. Có gia đình, bao nhiêu giông gió bão bùng rồi cũng qua cả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến đi xa