Chuyện trang trí và chụp ảnh cưới một thời

Phong Hà| 12/11/2022 07:31

(HNMCT) - Bên cạnh việc lo tiệc mặn, tiệc ngọt cho lễ cưới, cô dâu chú rể còn phải lo khoản trang trí và chụp ảnh cưới. Thời ấy, việc trang trí phòng cưới chưa hiện đại, “công nghiệp” như bây giờ, và thợ chụp ảnh cưới chuyên nghiệp dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xung quanh việc trang trí và chụp ảnh cưới thời bao cấp có nhiều chuyện thú vị.

Đám cưới thời bao cấp.

Đa dạng kiểu trang trí phòng cưới

Thời ấy, đám cưới thường tổ chức ở hội trường cơ quan, trường học, sân nhà tập thể hoặc ngay tại phòng khách nhà riêng nếu nhà rộng. Phông thường là đồ đi mượn về, tự cắt dán hoặc nhờ bạn bè khéo tay, có con mắt thẩm mỹ đến trang trí giúp. Ở cơ quan, tôi hay kẻ khẩu hiệu, làm báo tường nên được gọi là “họa sĩ”. Hằng năm, vào mùa cưới, tôi như con thoi đi khắp thành phố trang trí đám cưới giúp bạn bè.

Thôi thì mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi cặp đôi một yêu cầu trang trí phông khác nhau. Có chú rể yêu cầu trên phông phải có một bụi tre, một cuốn sách đang mở và khẩu súng AK (do chú rể đang học đại học, cưới xong xung phong đi bộ đội); có người lại thích cắt đôi chim bồ câu chụm đầu vào nhau trên năm dòng kẻ của khuông nhạc; người thì yêu cầu phác họa hình cô dâu chú rể sánh đôi, phía xa là núi non và mặt trời. Phông cưới phổ biến thời đó là trang trí đôi chim cắn mỏ vào nhau, lồng chữ cái đầu tên cô dâu chú rể, chữ “Song Hỷ” và tiêu đề: “Lễ tân hôn”, dưới là ngày tháng tổ chức, đặt chính giữa phông. Nhưng dù vẽ vời, cắt dán thế nào, trên phông dứt khoát phải có tên cô dâu chú rể lồng vào nhau cùng dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Người “họa sĩ” thường phải mua giấy trang kim, giấy màu các loại, hồ dán, tỉ mẩn cắt dán, trang trí phông. Có người phải “thi công” từ sáng đến nửa đêm mới hoàn thành vì gia chủ yêu cầu thêm cái này, bớt cái kia rất kỳ công. Có lần dự đám cưới một người bạn, tôi giật mình vì trên phông dán chữ "Song Hỷ" bị ngược nhưng cả họ không ai có ý kiến gì. Song Hỷ mà lộn ngược thì rất nguy. Sau khi nghe tôi góp ý, dán lại cho đúng chữ, cả họ mới nhìn nhau thở phào.

"Phó nháy" kiêm người dẫn chương trình

Hầu hết ảnh đám cưới thời đó đều do bạn bè hoặc người không chuyên nghiệp chụp giúp. Ai có máy ảnh mang từ nước ngoài gửi về, lại tập tọe chụp thì cầm chắc liên tục được mời đi chụp ảnh cưới vào "mùa chim làm tổ". Thời đó chủ yếu chụp bằng phim đen trắng. Đám cưới vợ chồng tôi chỉ dám chụp 4 pô ảnh màu, còn lại là đen trắng (phim màu mới du nhập, giá rất đắt). Tôi còn dặn anh “phó nháy”: “Ông chụp những lúc quan trọng thôi, bấm lia lịa là tôi không có tiền trả đâu!”.

Dần dà, hình thành nghề chụp ảnh đám cưới nhưng số thợ giỏi, chụp đẹp có tiếng, có phòng chụp (studio) riêng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Muốn có bộ ảnh cưới đẹp, cô dâu chú rể phải săn đón thợ ảnh, lên kế hoạch, định ngày cưới sớm để đăng ký với thợ. Có cặp đôi phải lùi ngày cưới vì thợ ảnh đã kín lịch, không thể chụp vào ngày họ đã định.

Đám thợ chụp ảnh đi nhiều đám cưới nên có kinh nghiệm thực hiện các trình tự trong một lễ cưới. Có anh thợ thuộc lòng “kịch bản”, tập tục cưới truyền thống, nói năng lưu loát, văn hoa nên được nhà trai tín nhiệm ủy quyền luôn việc dẫn chương trình cưới hỏi. Không ít gia đình nhất nhất theo sự đạo diễn của thợ ảnh, lúc nào thì hai bà thông gia lên trao lễ vật, rồi lại quả cho nhà trai ra sao, đôi trai gái lễ gia tiên như thế nào, đi xin dâu phải mang theo gì...

Ngày nay, việc tổ chức lễ cưới hỏi được chuyên nghiệp hóa và "công nghiệp hóa" ở mức tối đa (có thể thuê trọn gói cả ăn uống, trang trí, chụp ảnh và MC, thậm chí cả thuê ô tô). Phòng cưới trang trí hiện đại với đèn màu rực rỡ (mười đám dường như giống nhau y chang, chỉ khác tên đôi trai gái). Trước ngày cưới, cô dâu chú rể được chụp cả một album ảnh với trang phục, khung cảnh khác nhau, thiết kế đa dạng với kỹ thuật số hiện đại (đó là chưa kể cặp đôi “nhà có điều kiện” còn kéo nhau đến resort dàn cảnh chụp trước bãi biển và khách sạn).

Xã hội phát triển, việc cưới hỏi cũng đổi mới, hiện đại hơn là điều tất yếu. Nhưng hạnh phúc lứa đôi, sự bền vững của gia đình trẻ hiện nay dường như còn thua xa thời bao cấp, khi tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ ly hôn ngày nay cao hơn thời trước rất nhiều. 

Ảnh cưới đen trắng đơn sơ, trang trí phòng cưới giản dị, nhưng đại đa số những cặp vợ chồng tổ chức cưới thời ấy sống với nhau hạnh phúc cho tới tận ngày nay. Họ coi trọng tình nghĩa vợ chồng hơn là hình thức cưới hỏi, quan trọng nhất là gia đình hạnh phúc, vợ chồng chung thủy, thương yêu nhau và nuôi dạy con cái trưởng thành. Ảnh cưới đẹp, trang trí phòng cưới hoành tráng, nhưng hôn nhân sớm tan vỡ thì tất cả mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện trang trí và chụp ảnh cưới một thời