“Ai đã đến Hà Nội
Đi trên đường Điên Biên
Hẳn nhìn thấy vút lên
Cột cờ cao vòi vọi”…
(Cột cờ Hà Nội - Đinh Xuân Tửu)
Cột cờ Hà Nội đứng sừng sững, uy nghi bên đường Điện Biên Phủ, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, được công nhận là di tích lịch sử năm 1989.
Cột cờ Hà Nội, hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội, là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812).
Đây là vọng canh trong hệ thống phòng thủ của thành nhà Nguyễn, theo trục Bắc Nam. Kiến trúc này chỉ cách Đoan Môn khoảng 300m, điện Kính Thiên 500m, và cách Cửa Bắc chừng 1.000m. Từ trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài thành cổ, thời đó còn nhìn ra tận Hồ Tây, Hoàn Kiếm, sông Hồng…
Cột cờ được xây dựng gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên.
Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề. Việc đặt tên cho mỗi cửa để người ở trong lòng Cột cờ xác định được phương hướng.
Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột cờ cao 18,2m, hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân cột có cầu thang 54 bậc, xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, bề ngang chỉ vừa một người đi. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt chạy xung quanh thân cột.
Đỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Phần mái giống như hình nón đội, được lợp ngói và giữa đỉnh có một cột sắt (cao 8m) cùng với ròng rọc để treo cờ.
Toàn bộ Cột cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì là 41,4m.
Bố cục cân đối của Cột cờ Hà Nội đã tạo nên những đường nét thẳng, khỏe khoắn, vững vàng. Đứng dưới chân Cột cờ, dù cảm thấy đỉnh cao ngất nhưng ta không hề có cảm giác nặng nề, mà trái lại, dáng vẻ Cột cờ hài hòa, thanh thoát.
Trong một bức ảnh do Louis Sadoul, một sĩ quan quân y Pháp chụp vào năm 1890, phía trước Cột cờ ngày nay, khu vực đường Điện Biên Phủ và vườn hoa Tượng đài Lênin, là hồ Voi (bị lấp khoảng năm 1897). Còn các rặng cây cổ thụ ngày nay khi đó còn chưa được trồng.
Quân Pháp đã dựng doanh trại bán kiên cố trên các vòng thành của Cột cờ để đóng quân và Cột cờ tiếp tục là đài quan sát. Một bức ảnh chụp năm 1906 cho thấy sinh hoạt của lính An Nam gần Cột cờ .
Một số hình ảnh chụp trong giai đoạn 1920-1929 cho thấy có rất nhiều chim bồ câu được nuôi ở chân đế Cột cờ.
Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội đã được in trang trọng trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành lần đầu tiên.
Ngày 10-10-1954, Thủ đô tưng bừng chào đón đoàn quân giải phóng. Cả Hà Nội dồn về Cột cờ để chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ.
Đúng 15 giờ, ngày 10-10-1954, khi còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, lá cờ Tổ quốc được trân trọng kéo lên từ từ theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội.
Với kiến trúc giàu tính thẩm mỹ, Cột cờ Hà Nội được coi là một trong những biểu tượng tôn nghiêm và có giá trị lịch sử của Thủ đô Anh hùng. Năm 2003, người ta đã đưa các khẩu thần công nằm rải rác trong Hoàng thành về xếp dưới chân Cột cờ.
Ngày nay, đến thăm Cột cờ Hà Nội, du khách có thể ngồi trò chuyện và thưởng thức café dưới chân Cột cờ vừa ngắm vẻ đẹp của Hà Nội xưa.