Xưa và nay

Cửa Nam - Cánh hoa xòe rộng bốn phương

Triệu Dương 27/07/2024 - 07:16

Từ một góc thu nhỏ của Hà Nội, Cửa Nam, nút giao của những “ô bàn cờ” như cánh hoa xòe rộng, tỏa đi bốn phương, tám hướng. Ký ức về một Thủ đô hào hoa nơi ngã tám Cửa Nam như nếp gấp in sâu trong lòng phố, mặc cho những xô bồ, thăng trầm của thời gian.

Người phố vừa lặng lẽ băng dòng xe sang kia đường, ghé quán quen với ly trà ấm, nhìn lại đã thấy bồi hồi bởi cảnh và người đan xen cũ mới.

goc-pho-dien-bien-phu-ngu.jpg
Góc phố Điện Biên Phủ - Nguyễn Thái Học tại nút giao Cửa Nam. Ảnh: Trung Nguyên

Quá khứ hào hoa

Những người sinh sống hàng chục năm ở Hà Nội vẫn còn tranh cãi, thực ra khu vực Cửa Nam là ngã tám hay ngã sáu, ngã năm giao thông. Dù trên thực tế từ nút giao thông này có thể đi về phố Phan Bội Châu, Thợ Nhuộm, Tràng Thi, Hàng Bông, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam đếm sơ sơ trên bản đồ là tám ngả đường… nhưng tranh cãi thì vẫn mãi không ngừng lại.

Cửa Nam vừa là cái tên gợi nhớ về Thăng Long - Hà Nội cùng với Cửa Đông, Cửa Bắc… vừa làm nhung nhớ những người dân Hà Nội “dù có đi bốn phương trời”. Điểm giao cắt này càng đặc biệt bởi hướng về đường Nam Bộ (nay là Lê Duẩn) qua Ga Hàng Cỏ đi dọc Bắc Nam, từ Hoàn Kiếm đi Ba Đình và nhè nhẹ nâng bước chân về lại những phố Hàng thầm kín, trầm tư…

Trong sách “Phố và đường Hà Nội” của tác giả Nguyễn Vinh Phúc có nhắc đến số nhà 20 Cửa Nam vang danh thời chống Pháp với vụ “Hà Thành đầu độc” nổi tiếng lịch sử. Ngôi nhà này, vốn là hàng cơm vợ chồng ông Sáu Tĩnh, đầu năm 1908, từng là nơi hội họp của những người lãnh đạo chủ chốt cuộc đầu độc lính Pháp nổ ra ngày 27-6-1908. Nguyên vào thời gian này, một số người Việt ở trong quân đội Pháp được giác ngộ đã phối hợp với nghĩa quân Yên Thế “nội ứng ngoại hợp” tổ chức đầu độc binh lính Pháp đóng ở Hà Nội, tiến lên giải phóng toàn bộ đất nước. Dù thực dân Pháp có đánh hơi được vụ việc và đề phòng, nhưng vào tối 27-6-1908 vụ đầu độc theo kế hoạch vẫn diễn ra. Tuy nhiên, vì thuốc độc quá yếu nên sự không thành. Thực dân Pháp quay ra điên cuồng đàn áp những chí sĩ yêu nước.

Bài viết “Sống lại ký ức từ tấm bia tưởng niệm” đăng trên Báo Hànộimới Cuối tuần ra ngày 16-10-2019 có nhắc bà chủ quán cơm tham gia tích cực vụ “Hà thành đầu độc”, tên là Nguyễn Thị Ba (tức bà Nhiêu Sáu) bị tra tấn bằng cách thả vào thùng bê tông có đóng đinh lởm chởm bên trong, rồi cứ thế lăn từ quán cơm 20 Cửa Nam đến Hỏa Lò Hà Nội. Tại đây, bà bị tra tấn cho đến chết. Sau đó, gia đình đã tráo thi thể, đem bà về cánh đồng làng bí mật chôn cất.

Còn những trang viết hào hùng trực diện tả cuộc chiến đấu quyết tử của Hà Nội vùng lên mùa đông năm 1946 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng miêu tả quân dân Cửa Nam có sáng kiến dùng nồi đất úp ngược trên đường giả làm mìn cản bước xe cơ giới Pháp trên đường Tràng Thi và chiến công của người lính cảm tử quân ôm bom ba càng quyết tử lao thẳng vào xe tăng Pháp… Cho đến những năm “ta đánh giặc trên mâm pháo”, khu phố Cửa Nam cũng là mặt trận sôi nổi. Cuốn hồi ký của gia đình ông Hoàng Thành Quý, Việt kiều Anh quốc còn lưu giữ bài báo “Người đếm ngược thời gian” đăng trên Báo Hànộimới Tin chiều vào năm 2004 kể lại câu chuyện thú vị.

Lúc đó, ông Quý còn là một thanh niên trẻ làm việc tại Hợp tác xã Đồng hồ Cửa Nam. Đang trong ca trực, nghe tiếng còi báo động, ông khoác súng, huýt sáo chạy lên trận địa pháo trên mái nhà. Một người đi bộ ngược chiều gọi ông Quý lại hỏi: "Vì sao lạc quan như vậy". Khi biết tinh thần của chàng trai Hà Nội này với cuộc chiến “giặc trời” cam go phía trước, người lạ này đã mến tặng ông Quý chiếc đồng hồ đeo tay. Sau này, ông Quý mới biết người đàn ông nhân hậu đó chính là bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ.

Đất và người Cửa Nam trong khoảnh khắc phố phường luôn ăm ắp những câu chuyện rất đỗi Hà Nội như thế. Chị Nguyễn Hồng Hải, vợ danh thủ bóng đá Nguyễn Hồng Sơn tâm sự, là con dâu Cửa Nam ban đầu chị không khỏi “áp lực” với những nền nếp gia phong người phố cổ. Nhưng càng sinh sống lâu năm trên mảnh đất này, cảm nhận về Cửa Nam trong quá khứ và hiện tại, chị càng thấy nơi mình đang sống như một nếp gấp lưu giữ những hào hoa của đất và người Hà Nội.

mot-goc-nut-giao-cua-nam..jpg
Một góc nút giao Cửa Nam.

Hiện tại vang bóng

Ngoảnh đi ngoảnh lại sau dăm chục năm, có những cái tên, hình ảnh và cả mùi vị ở Cửa Nam hôm nay khiến lòng người không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối. Dãy cửa hàng xe đạp Thống Nhất góc phố Điện Biên đã không còn. Cửa hàng váy cưới Bích Sinh đã hạ tấm biển lớn, chỉ còn giữ tấm biển nhỏ khiêm nhường đi vào con ngõ rộng hơn thước. Vị ngon xôi patê ngõ Cấm Chỉ không còn níu chân bác xích lô đêm, chị lao công cần mẫn và cả những dân chơi chọn Cửa Nam như một điểm hẹn lúc giao thoa ngày và đêm… May thay, gia sản còn lại của Cửa Nam vẫn là ngôi nhà Hợp tác xã Đồng hồ với điểm nhấn là 2 hòn bi đá nằm trên chiếc đồng hồ vuông đi từ Tràng Thi, Thợ Nhuộm đã trông thấy; là ngôi nhà cổ số 7 phố Nguyễn Thái Học nghe nói đã tồn tại 120 năm nay mới được phục dựng theo lối giữ nguyên những gì vốn có.

Ngắm nghía ngôi nhà xưa cao nhất phố, nay lọt thỏm giữa những mảng bê tông bao vây, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhớ lại, 70 năm trước, trong bức ảnh vào sáng 10-10-1954 với hình ảnh Đại đoàn quân Tiên phong tiến về giải phóng Thủ đô theo hướng Kim Mã về qua Cửa Nam lên Bờ Hồ, đường tàu điện còn đi sát qua cửa. Hôm nay, ngôi nhà này sau cải tạo khéo đến mức ai lần đầu bước vào cũng thốt lên cảm giác bình yên rất Hà Nội. Sau cánh cửa là không gian “đông ấm, hè mát”, nơi mọi ồn ã, khói bụi dừng bước, nhường lại sự tĩnh lặng cho gia chủ và khách thưởng chén trà ngon.

Ông Hoàng Đức Mạnh, người quản lý ngôi nhà số 7 phố Nguyễn Thái Học kể, khi gia chủ cải tạo khu vườn cạnh nhà, thanh tra xây dựng liên tục đến giám sát vì sợ sẽ phát sinh vi phạm thường gặp ở những công trình mặt phố khác. Nhưng khi thấy khu vườn nhỏ vẫn chỉ rào chắn cẩn thận, bảo vệ cho cây dâu da xoan xanh tốt bên trong thì đã không còn chuyện gì nữa.

Lại nói về cây dâu da xoan trong vườn nhà, vài ba người dân phố hay chuyện vẫn kể đi kể lại mối tình đẹp của gia chủ. Họ vốn là đôi bạn học chung lớp, chung một số nhà và cùng là người dân Cửa Nam gốc. Ngày xưa chị học giỏi nhưng vẫn phải lòng anh học sinh cá biệt chỉ vì những chùm quả dâu da xoan chín đỏ nhà anh luôn lúc lỉu nơi cửa sổ phòng chị trên tầng 2…

Chuyện tình của họ bén duyên từ cây dâu da xoan thương nhớ một thời như thế. Từ thập niên 70 thế kỷ trước cho đến những năm 2000, đường phố Hà Nội vẫn thật nhiều dâu da xoan. Ngay cả Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông, Cửa Nam… loài cây này còn được trồng thành hàng, sau mới được thay thế bằng những cây đô thị khác. Chính vì thế, mối tình lãng mạn bên gốc dâu da xoan của gia chủ nhà số 7 phố Nguyễn Thái Học nghe phảng phất như chuyện tình đẹp trong bài thơ Hương thầm, với người Hà Nội ai cũng thấy như mình thuở nào, quen quen, nhớ nhớ.

Một chiều mênh mang, dừng lại bên căn gác nhỏ góc Cửa Nam nhìn ra ngã tám. Dòng đời như tĩnh lại sau vệt xe hối hả đi về. Kìa ngõ Cấm Chỉ còn nguyên tên gọi dù trống Đằng Văn kêu oan đã không còn. Kìa góc Thợ Nhuộm tím thẫm bằng lăng vào mỗi tháng 5, góc Tràng Thi rào rạt hàng cây nhội sần sùi. Mỗi viên gạch vỉa hè Cửa Nam, mỗi mái ngói thâm nâu sót lại còn vang vang lời thề quyết tử năm nào để vọng đến tầng cao Hợp tác xã Đồng hồ nhìn ra một rẻo phố nhắc tới những ngày “đánh giặc trên mâm pháo”…

Một góc Cửa Nam như nếp gấp của Hà Nội vẫn âm thầm kể bao câu chuyện từ những ký ức lịch sử hào hùng, hòa trong nhịp sống hối hả của người phố thị hôm nay. Ta càng thêm quý giá, yêu thương hơn những gì đã qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửa Nam - Cánh hoa xòe rộng bốn phương