1. Phi Tiến Sơn kín đáo và kiệm lời, từ trang phục, cách nói chuyện cho đến lối làm việc giống một kỹ sư hơn là một nghệ sĩ - đạo diễn rong ruổi từ Bắc đến Nam cùng với các dự án phim của mình. Điều này cũng có phần đúng, bởi lẽ ra, anh đã trở thành kỹ sư nếu không có bước ngoặt định mệnh.
Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, Phi Tiến Sơn học giỏi toán và là học sinh khối chuyên toán các cấp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Rồi giống như nhiều bạn cùng trang lứa, xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, Phi Tiến Sơn nhập ngũ vào năm 1972. Hòa bình lập lại, anh tiếp tục đời sinh viên dưới mái trường Đại học Bách Khoa.
“Sau năm 1975, sinh viên Hà Nội chúng tôi có phong trào trao đổi sách cho nhau. Đó là những cuốn sách mang từ miền Nam ra và chưa phổ biến rộng rãi ở ngoài này. Trong một lần gặp gỡ người bạn để trao đổi sách, người này rất yêu nghệ thuật và đã khuyên tôi nên theo nghề điện ảnh. Anh ấy nói, dù tôi chỉ yêu thích chứ không có năng khiếu nghệ thuật nhưng khả năng tư duy logic của tôi sẽ phát huy tác dụng trong điện ảnh. Tôi nghe thấy hợp lý và quyết định thử sức bằng cách thi vào khoa Quay phim Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh” - Phi Tiến Sơn chia sẻ về mối lương duyên của anh với điện ảnh.
Tiếp xúc với nghệ thuật bằng cả sự tò mò và bỡ ngỡ, quãng thời gian học nghề làm phim đã cho anh nhiều kỷ niệm. Anh kể, một trong những bộ môn quan trọng hàng đầu của ngành quay phim là chụp ảnh. Khi thực hành, mọi người mê mải tìm góc nọ góc kia, nghe rất phức tạp. Riêng anh, do không rành kiến thức chụp ảnh nên chỉ chụp bằng trực quan, dẫn đến kết quả là ảnh rửa ra, bị thầy giáo phê không đạt yêu cầu, bảo là thiếu cái nọ, cái kia. Thấy vậy, anh bèn lấy bút lông vẽ thêm chi tiết, chủ thể vào để bức ảnh có nội dung, có câu chuyện.
“Tôi nhớ rất rõ, lúc đó, thầy giáo giận lắm, chỉ vào bức ảnh tôi chụp người đàn ông đang ngồi tư lự và mắng "cái này mà gọi là ảnh à?". Tôi trả lời: "Thưa thầy, em là người làm phim, nếu cần em có thể bố trí một cô gái ở đây, bên cạnh nhân vật chính nam giới này, để lý giải cho thái độ, cảm xúc của anh ta. Thế nào mà cuối cùng thầy giáo chấp nhận” - anh vui vẻ kể lại.
Sau 1 năm theo học tại khoa Quay phim, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Phi Tiến Sơn trở thành sinh viên Trường Đại học Điện ảnh và Truyền hình ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau khi về nước, anh công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, là tay máy chính của các phim “Cạm bẫy tình”, “Những năm tháng đẹp”, “Truyền thuyết tình yêu thần nước”... Vài năm sau đó, anh chuyển sang làm việc tại Hãng phim truyện I. Tại đây, bên cạnh vai trò quay phim, anh còn làm đạo diễn những bộ phim thuộc dòng phim chính luận như “Vào Nam ra Bắc”, “Lưới trời”... Chuyển sang làm đạo diễn, tiếp tục phát huy tư duy logic và sự chính xác của toán học vào trong tác phẩm nghệ thuật, các bộ phim của anh không chỉ có phần hình ảnh đẹp mà còn có sự sắc sảo về nội dung khi phản ánh những vấn đề nóng, mang hơi thở thời đại cùng lối dẫn chuyện mạch lạc, gọn gàng... Ở mảng phim truyền hình, Phi Tiến Sơn ghi dấu ấn với các bộ phim thu hút sự chú ý của đông đảo người xem như "Người thổi tù và hàng tổng", "Nghề báo"... Các bộ phim này đã thổi một làn gió mới cho thể loại phim truyền hình ở thời điểm có rất ít phim về đề tài chính luận, thời sự.
2. Phi Tiến Sơn quan niệm, làm nghệ thuật cần sự khác biệt nhưng hãy làm sao để đừng có ai không cần cái khác biệt đó của mình. Hơn 30 năm làm nghề, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống cùng những buồn vui của nghề “làm dâu trăm họ”, anh nói mình không hối hận khi chọn theo học điện ảnh và cảm thấy tự hào vì là người làm nghệ thuật, ăn cơm nghệ thuật, được sống cùng nghệ thuật.
Ngồi trong quán cà phê ở góc phố Tràng Thi - Bà Triệu, với hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, Phi Tiến Sơn chia sẻ với tôi về dự án đặc biệt mà anh đã mất nhiều năm để hoàn thành. Anh bảo, dự án phim luôn ở trong đầu anh mọi lúc mọi nơi. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi là anh lại sửa một chút, thêm một chút, thay đổi một chút. Dự án phim điện ảnh mang tên “Đào, Phở, Piano” nói về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947) mở đầu thời kỳ Toàn quốc kháng chiến. Thực hiện một bộ phim về Hà Nội, lấy bối cảnh những năm 1940, trong thời điểm hiện nay, thực sự là một thử thách lớn đối với bất cứ đạo diễn nào.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Hơn 70 năm qua, Hà Nội đã thay đổi quá nhiều. Cái khó nhất là chúng tôi vừa phải tái tạo một góc phố Hà Nội ở thời điểm đó, làm sao để tái tạo không khí của cuộc chiến này - bảo vệ mảnh đất mình đang sống, giữ cho nhà cửa bình yên, đến sống chết cũng không còn quan trọng nữa. Đó là cuộc chiến không cân sức với kẻ địch có vũ khí hiện đại... Bố tôi cũng tham gia trong lực lượng tự vệ kháng chiến, ông kể, thấy mọi người bảo đi đánh nhau với địch, nhưng làm gì có súng, đành lấy con dao to nhất ở nhà mang đi. Ngày hôm nay nhận lệnh đi đánh địch, đánh xong lại về nhà ăn cơm. Người Hà Nội là như thế. Và tôi muốn khắc họa điều đó trong bộ phim này. Lấy tên bộ phim là “Đào, Phở, Piano”, bởi đó là những khái niệm khá đặc trưng cho Hà Nội”.
3. Những trường đoạn giàu kịch tính, những tình huống bất ngờ được cài cắm trong tổng thể câu chuyện phim giản dị, mang hơi thở thời đại là đặc điểm chung ở các bộ phim do NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện, như “Vào Nam ra Bắc”, “Cầu ông Tượng”, “Lưới trời”, “Đam mê”, “Nhà có nhiều cửa sổ”, “Người thổi tù và hàng tổng”, “Nghề báo”..., đồng thời phản ánh tương đối chính xác tính cách của người làm ra nó. Khi được hỏi, rằng “Đào, Phở, Piano” thì sao? Tại sao anh muốn làm bộ phim này? Anh trả lời, làm vì cảm thấy mình mắc nợ với Hà Nội, thấy mình có trách nhiệm phải làm một bộ phim về Hà Nội.
“Không có nơi nào trên đất nước Việt Nam lại có những hàng cây đẹp như ở hồ Gươm, đa dạng, nhiều loại cây, nhiều loại hoa khác nhau và đều rất tươi tốt, tạo thành cảnh quan đẹp 4 mùa trong năm. Được tận hưởng vẻ đẹp đó suốt đời là tôi thấy mình mắc nợ Hà Nội rồi” - Phi Tiến Sơn thổ lộ tấm chân tình với mảnh đất mà anh đã gắn bó gần 70 năm cuộc đời.
Anh còn là đồng đạo diễn các phim "Giọt lệ Hạ Long" (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995), "Em còn nhớ hay em đã quên" (giải Bông sen Bạc - LHP Việt Nam lần thứ X - năm 1993), "Ngọt ngào và man trá" (giải B - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997); đạo diễn kiêm biên kịch phim "Chuyện kể của những người đàn bà" (giải B - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997), đạo diễn phim truyện "Vào Nam ra Bắc" (nhận Bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ XIII), phim truyện "Lưới trời" (giải Cánh diều Vàng - Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều, Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002). Những năm gần đây, anh vẫn tiếp tục các dự án phim do các công ty sản xuất phim tư nhân thực hiện như "Lạc giới", "Kiều"...