Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020: Chú trọng bảo đảm đầu ra cho người học

Minh Ngọc| 23/02/2020 06:49

(HNM) - Cùng với những kết quả khả quan, việc triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đang bộc lộ những bất cập, đòi hỏi phải có sự thay đổi, điều chỉnh. Do đó, năm 2020, Hà Nội chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho những đối tượng, địa phương thực sự có nhu cầu; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đầu ra cho người học.

Việc hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp mang lại cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở huyện Đông Anh. Ảnh: Thu Hiền

Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, giai đoạn 2009-2019, toàn thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, hơn 80% số người lao động có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Số lao động nông thôn qua đào tạo ngày càng tăng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố từ 31,4% vào cuối năm 2009, lên 67,5% vào cuối năm 2019…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, góp phần tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố; chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, số lượng lao động nông thôn tham gia học nghề ở một số địa phương chưa đi liền với chất lượng. Quá trình kết nối giữa người lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, nhằm bảo đảm chắc chắn có việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp còn lỏng lẻo. Một số trường hợp theo học nghề này, nhưng lại đi làm nghề khác, gây lãng phí về nhiều mặt…

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, năm 2019, toàn huyện hỗ trợ dạy nghề cho 1.553 lao động nông thôn. Tốt nghiệp các khóa học, 100% số người lao động có việc làm, nhưng đại đa số tự tạo việc làm tại gia đình, nên rất hiếm trường hợp có thu nhập vượt trội so với nghề cũ. Chỉ có 70 lao động sau đào tạo được doanh nghiệp thu mua sản phẩm do người lao động làm ra, bằng 4,5% tổng số người học nghề…

Tương tự, tại huyện Ba Vì, hằng năm, hơn 90% số lao động nông thôn hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã có việc làm. Thế nhưng, số người làm việc đúng nghề được đào tạo chỉ chiếm khoảng 30%... Còn ở huyện Sóc Sơn, Thanh Trì, Mê Linh…, “cánh cửa” để người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng rất hẹp. “Các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động thành thạo kỹ năng, tay nghề. Trong khi đó, người lao động học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg mới đạt trình độ sơ cấp, tuổi đời khá cao…, nên không dễ được tuyển dụng”, bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh cho biết.

Gắn với nhu cầu thực tế

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2020, từ quý IV-2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ, từng người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, trình UBND thành phố phê duyệt.

Theo Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 12-2-2020 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020” của UBND thành phố, trong năm 2020, Hà Nội vẫn duy trì việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tương tự những năm trước. Song, số lượng lao động được hỗ trợ chỉ còn 13.100 người, giảm 3.000 người so với năm 2019, giảm hơn 10.000 người so với năm 2018, nhằm tập trung nâng cao chất lượng. Việc tổ chức đào tạo nghề chỉ được thực hiện khi xác định được nơi làm việc cho người học; đồng thời tập trung ở các địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây… Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các địa phương phải giải quyết việc làm mới cho ít nhất 80% số người học hoặc họ sẽ làm nghề cũ, nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn…

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, ngoài những giải pháp đã triển khai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đề nghị, các cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với những người tự tạo việc làm, doanh nghiệp nên bao tiêu sản phẩm đầu ra cho họ… Là người đi học nghề, chị Bùi Ngọc Hà (thôn Áng Gạo, xã Thụy An, huyện Ba Vì) cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu tiên cho nhóm lao động nông thôn học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để họ tự tạo việc làm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, năm 2020, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ chủ động thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đặc biệt, các chương trình, nội dung đào tạo sẽ được điều chỉnh theo sát nhu cầu thực tế. Về nguồn vốn cho vay ưu đãi, hiện đã mở rộng đến nhiều nhóm đối tượng, các địa phương cần có cơ chế linh hoạt để người lao động được tiếp cận với nguồn vốn vay.

Với việc chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho những đối tượng, địa phương thực sự có nhu cầu, hy vọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 trên địa bàn Hà Nội sẽ có sự thay đổi, phát triển về chất; mở ra hướng hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động phù hợp, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020: Chú trọng bảo đảm đầu ra cho người học